Vụ nhà sáng lập WikiLeaks: Ecuador cứu không được, Anh bắt không xong

17/08/2012 20:55 GMT+7

(TNO) Cả Ecuador và Anh đang bế tắc trong việc tìm giải pháp cho căng thẳng ngoại giao liên quan đến Julian Assange khi mà Ecuador khó có thể đem ông này ra khỏi tòa đại sứ tại London, trong khi Anh cũng có rất ít khả năng bỏ qua luật quốc tế để xông vào bắt nhà sáng lập WikiLeaks, giới báo chí quốc tế nhận định.

Vụ WikiLeaks: Ecuador khó đưa người ra, Anh khó xông vào
Cảnh sát Anh bao vây bên ngoài tòa đại sứ Ecuador ở London - Ảnh: AFP

Chính phủ Ecuador hôm 16.8 đã chính thức chấp thuận đơn xin tị nạn của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, trong khi chính phủ Anh cảnh báo quyết định này không thể ngăn họ xông vào bắt ông Assange.

Tuy nhiên, theo tờ Guardian (Anh), xông vào tòa đại sứ Ecuador không phải là giải pháp ưu tiên hàng đầu của chính phủ Anh vì điều này sẽ gây ra một “tiền lệ quốc tế” nguy hiểm mà một vài quốc gia có thể lấy làm cái cớ để hợp pháp hóa việc xâm phạm các tòa đại sứ của Anh tại nước ngoài.

“Chính phủ Anh cũng không nhất thiết phải đưa cảnh sát vào tòa đại sứ vì chỉ cần bước ra ngoài thì Assange sẽ bị bắt giữ ngay”, Guardian nhận định.

Tờ New Statesman (Anh) bình luận rằng lời đe dọa nói trên của chính phủ Anh khó thành hiện thực vì “nếu xảy ra, nó sẽ hủy hoại hoàn toàn quan hệ giữa Anh và Ecuador và ít có khả năng Anh sẵn sàng hi sinh quan hệ ngoại giao này vì Assange”.

Ngoài ra, chính phủ Ecuador có quyền kiện nước Anh ra tòa án quốc tế và khi đó sẽ dẫn đến các quá trình tiến hành pháp lý kéo dài, New Statesman nhận định.

Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Anh Paul Whiteway cho rằng chính phủ Anh không có nhiều lựa chọn khác, ngoài việc chờ đợi, vì họ khó có thể rút các đặc quyền ngoại giao của Ecuador trong vụ Assange.

Theo đạo luật ban hành năm 1987, bộ Ngoại giao Anh chỉ được phép “hủy bỏ quyền bất khả xâm phạm” của một đại sứ quán nước ngoài  “trong các trường hợp gây ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng hay an ninh quốc gia”.

Mà “vụ Assange không nằm trong các quy định của đạo luật này”, ông Whiteway kết luận.

Lối thoát cho Assange

Trang tin Wired (Anh) cho rằng giải pháp thiết thực nhất cho vụ Assange là cả Ecuador và Anh cùng ngồi lại đàm phán.

Về lâu dài, ông Assange có thể vẫn sẽ phải đối mặt với cáo buộc xâm phạm tình dục; nhưng thông qua việc chấp thuận đơn xin tị nạn của nhà sáng lập WikiLeaks, chính phủ Ecuador cho thấy họ rất muốn bảo vệ ông Assange khỏi bị dẫn độ sang Mỹ, Wired nhận định.

Vì vậy, giải pháp hợp lý nhất cho vụ việc này là một thỏa thuận với cam kết không dẫn độ ông Assange sang Mỹ từ chính phủ Thụy Điển, Wired cho hay.

Điều 22 của Hiệp ước Vienna, ký kết năm 1961, quy định “cơ ngơi của đoàn ngoại giao là bất khả xâm phạm” và nước chủ nhà có trách nhiệm “bảo vệ các cơ ngơi này khỏi bị xâm phạm”.

Hiệp ước này cũng nêu rõ “cơ ngơi của đoàn ngoại giao, nội thất bên trong và những tài sản tương tự khác, cũng như các phương tiện di chuyển của đoàn ngoại giao phải được miễn bị lục soát hoặc tịch thu”.

Hoàng Uy

>> Ecuador cho phép nhà sáng lập WikiLeaks tị nạn
>> Anh dọa xông vào tòa đại sứ Ecuador để bắt chủ WikiLeaks
>> Nhà sáng lập WikiLeaks xin tị nạn tại Ecuador
>> Anh cho phép dẫn độ chủ trang WikiLeaks về Thụy Điển
>> Ecuador không muốn dẫn độ Assange về Thụy Điển
>> Nhà sáng lập WikiLeaks xin tị nạn tại Ecuador

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.