"Cơn lốc" hàng đa cấp về vùng sâu

03/08/2011 17:55 GMT+7

Những ngày này, tại các vùng rẻo cao thuộc các xã Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong của huyện Đăk Glei (Kon Tum), "cơn lốc" bán hàng đa cấp đang lôi kéo hàng trăm người tham gia.

Bán bò mua hàng để... lên chức

Chúng tôi có mặt tại làng Pin Loong, xã Đăk Long, để gặp "Phó trưởng phòng kinh doanh" A Brai. Anh tỏ ra rất ưng bụng với cái chức danh ảo này. Theo quy định, mua một sản phẩm có giá trên 5 triệu đồng thì được chức danh "chuyên viên". Nếu "dụ" được thêm 3 người nữa cùng mua hàng thì sẽ được thăng từ “chuyên viên” lên làm "tổ trưởng kinh doanh". Khi phát triển được ba tổ trưởng thì được phong lên làm "chủ nhiệm", tiếp tục phát triển được 3 chủ nhiệm thì được lên chức "phó trưởng phòng". Như vậy, với chức "phó phòng", A Brai đã vận động được 27 người mua hàng đa cấp theo giá trên trời. A Brai thậm chí đã huy động cả vợ tham gia.


Phó trưởng phòng A Brai và tổ trưởng kinh doanh A Ghe cùng chiếc máy sục Ozone-HA 888 chưa một lần sử dụng đã phải xếp xó - Ảnh: Trùng Dương 

Anh A Ghe ở làng Pin Loong đưa cho chúng tôi xem một nồi cơm điện và một bếp từ, được anh mua với giá 5,3 triệu đồng. Trong khi cùng thời điểm tại thị trường, 2 sản phẩm này giá chưa đầy 2 triệu đồng. Anh kể, để có được hai sản phẩm này, anh đã bán rẫy mì rồi dắt díu cả vợ con cùng đi xuống tận Quy Nhơn (Bình Định) để lấy hàng và được "hoa hồng" 400 ngàn đồng.

Khi về làng, A Ghe tiếp tục tích cực đi vận động thêm được 3 hộ gia đình cùng mua sản phẩm, cũng với mặt hàng tương tự, trị giá trên 5 triệu đồng, nên bây giờ anh đã được nhận được tiền hoa hồng là 1,2 triệu đồng từ sự "môi giới" của mình. Đến nay, A Ghe đã được lên chức "tổ trưởng kinh doanh".

Thấy hấp dẫn, nhiều người đã bán mì, bò để lấy tiền mua sản phẩm này, thậm chí một số người đi vay nợ để có tiền mua sản phẩm. Một trường hợp ở xã Đăk Long đã lấy 30 triệu đồng tiền bán mì để tới mua 6 sản phẩm và lập tức lên chức trưởng phòng.

"Méo mặt" vì hàng kém chất lượng

Được "phó phòng" A Brai giới thiệu gia đình anh A Thìn vừa mua chiếc ghế mát-xa, chúng tôi đến xem, A Thìn không ngớt quảng cáo: "Đi làm rẫy về, mệt mỏi mà ngồi lên ghế một lúc thì đã đời lắm...". Chúng tôi đề nghị A Thìn "vận hành". Mặc cho dòng điện chạy qua cái công tắc phát tiếng kêu rè rè, chiếc ghế cứ đứng im một chỗ, không cử động. A Thìn lúng túng một hồi rồi tự giải thích: “Do điện yếu đó thôi, bữa tui xuống Quy Nhơn mua, nó chạy khỏe lắm”.

Nực cười nhất là chiếc nịt ngực của chị Nguyễn Thị Hiền, nghe được chào mời là khi mặc vào sẽ phòng tránh được căn bệnh ung thư, chị Hiền bỏ ra 4,8 triệu đồng để có được một cặp, kèm theo là một mã dự thưởng với tên gọi "trăm hoa đua nở". Mấy ngày qua chị gọi điện thoại theo số máy ghi trên phiếu dự thưởng thì chỉ nghe “ò í e”. Đến giờ chị cũng chẳng biết chiếc áo ấy có phòng ung thư được hay không.

Ông A Thẳng, Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, cho rằng nhiều sản phẩm như nồi cơm điện, bếp từ, máy mát-xa... chỉ sử dụng thời gian ngắn là hư hỏng.

Còn bà Y Mới, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Môn, cho hay trên địa bàn xã có khoảng 50 hộ đã mua hàng đa cấp này, nhiều nhất là thôn Đăk Nai có tới 40 hộ mua hàng. Xã đã tuyên truyền vận động người dân cảnh giác...

Trùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.