“Bệnh” quấy rối tình dục

22/02/2011 09:36 GMT+7

Khoảng 80% nữ giới Ai Cập và 90% phụ nữ nước ngoài đến đây bị quấy rối tình dục.

Chuyện nữ phóng viên Lara Logan của đài CBS (Mỹ) bị xâm hại tình dục ở Cairo hôm 11-2 đã làm nổi bật một vấn đề lớn tại Ai Cập. Theo báo cáo gần đây của một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ, khoảng 80% phụ nữ Ai Cập và 90% phụ nữ nước ngoài đến nước này từng bị quấy rối tình dục.  

Chuyện thường ngày
 
Nạn xâm phạm tình dục ở Cairo là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều phụ nữ trùm khăn che mặt, nhiều bé gái và cả những phụ nữ kém hấp dẫn cũng bị cưỡng hiếp. Theo trang web NPR, hầu như mọi phụ nữ Ai Cập đều có những nỗi niềm thầm kín của riêng họ về chuyện này. 
 
Hania Shuleimy là giáo sư tại Trường Đại học Mỹ ở Cairo và là một nhà nghiên cứu về giới. Chị nhận định quấy rối tình dục hiện là một căn bệnh địa phương ở Cairo. 
 
Một đêm nọ, sau giờ dạy tại một lớp học muộn, Hania Shuleimy đi bộ về nhà. Chị kể: “Bất ngờ có ai đó nắm lấy tôi... Hắn sờ soạng vào người tôi. Tôi cố chống lại để thoát thân, tôi chửi thề thậm tệ và gào thét vào mặt hắn. Hoảng hồn, hắn chạy mất dạng. Lúc đó, chẳng ai giúp tôi cả”. 
 
Những phụ nữ đã từng bị lạm dụng tình dục có thể báo cho website harassmap.org, bắt đầu hoạt động vào năm 2010 ở Ai Cập, về địa điểm và cách thức họ bị xâm hại. Website này công bố rộng rãi những thông tin đó để giúp mọi phụ nữ có thể tránh những khu vực nguy hiểm rình rập.

2/3 nam giới từng quấy rối

Theo hãng tin AFP, một cuộc thăm dò của Trung tâm Quyền phụ nữ Ai Cập cho thấy 46% phụ nữ Ai Cập và 52% phụ nữ nước ngoài thừa nhận họ bị quấy rối tình dục hằng ngày.

Hầu hết phụ nữ kể họ bị quấy rối trên đường phố hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, gần 2/3 nam giới Ai Cập thú nhận họ đã từng quấy rối phụ nữ.

 
Mohammed Saffi, người phát ngôn của harassmap.org, khẳng định quấy rối tình dục là vấn nạn lớn ở Ai Cập. Ông cho biết website này có cả một bản đồ hiển thị những nơi phụ nữ gặp nguy hiểm nhất bằng những vòng tròn màu đỏ.
 
“Văn hóa không trừng trị”
 
Chính phủ Ai Cập trước đây không tích cực ra tay ngăn chặn tình trạng này. Một đoạn băng video trên YouTube cho thấy vụ việc kinh hoàng xảy ra vào năm 2006 khi nhiều băng nhóm nam giới nổi cơn điên cuồng khắp Cairo, cưỡng hiếp bất cứ phụ nữ nào đến gần chúng, dù họ có che mạng hay không. 
 
Saffi nói: “Đây là một xã hội do nam giới thống trị. Trong một xã hội như thế, cộng với cách sống ngột ngạt trong 30 năm qua, người phụ nữ chắc chắn chẳng có quyền gì”.
 
Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền nhận định tình trạng xâm hại phụ nữ liên tục xảy ra ở Ai Cập là do những kẻ xấu được khích lệ bởi “văn hóa không trừng trị” tồn tại nhiều năm ở đây. Chế độ của ông Hosni Mubarak hầu như không làm gì để trừng phạt thủ phạm và nạn nhân thường giữ im lặng, cố chịu đựng nỗi nhục.
 
Ngày nay, phụ nữ Ai Cập hy vọng điều đó sẽ thay đổi và họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điểm độc đáo trong cuộc nổi dậy vừa qua là phụ nữ tham gia với số lượng lớn. Họ ngủ ngay tại quảng trường Tahrir và tuần hành bên cạnh những người bạn đồng hành nam giới.
 
Nhà hoạt động nhân quyền Daadi Khaleefa cho rằng phụ nữ Ai Cập đang cố giữ gìn sự tôn trọng dành cho họ trong mấy tuần qua. Ông bày tỏ niềm hy vọng: “Tôi nghĩ loại tình cảm đó sẽ lan ra mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quyền lợi giới”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.