Đất nông nghiệp bị thu hẹp: Mối lo về an ninh lương thực

09/11/2010 07:45 GMT+7

Quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là ở xung quanh các vùng đô thị lớn trên cả nước, đang từng ngày bị “quây” hẹp hơn trước sự tấn công của hàng trăm dự án đô thị khác.

Chưa bàn đến hiệu quả thật sự của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song thực tế nhãn tiền là “bờ xôi ruộng mật”, là kế sinh nhai của hàng trăm nghìn nông dân đang ngày càng mất đi với tốc độ chóng mặt.

Diện tích giảm mạnh

Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) báo động về việc đất nông nghiệp đang từng ngày bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách thiếu quy hoạch và tùy tiện nên ngày càng bị thu hẹp một cách báo động. Tổng diện tích đất lúa toàn quốc hiện nay là trên 4,1 hécta. Song từ năm 2000 - 2005, diện tích đất lúa đã giảm nghiêm trọng với hơn 302.000ha. Gần 9 năm qua, đất lúa đã bị giảm trên 59.000ha. Riêng tại ĐBSCL, tính toán sơ bộ cho thấy từ năm 2000 - 2007, đất lúa đã bị giảm 205.000ha (chiếm 57% đất lúa bị suy giảm toàn quốc). Tại phía bắc, Hải Dương là tỉnh có tỉ lệ đất lúa giảm lớn nhất, bình quân 1.569ha/năm, Hưng Yên 939ha/năm, Hà Nội (cũ) là 653ha/năm...

Theo tính toán, năm 2020 dân số cả nước sẽ xấp xỉ 100 triệu người, năm 2030 sẽ có khoảng 110 triệu người. Tổng nhu cầu lúa cho năm 2015 là 32,1 triệu tấn, năm 2020 là 35,2 triệu tấn và năm 2030 là 37,3 triệu tấn. Tuy nhiên, tình trạng ồ ạt chuyển đổi đất nông nghiệp đã khiến sản lượng lúa suy giảm khá lớn qua mỗi năm, trung bình giảm từ 400.000 - 500.000 tấn/năm. Cục Trồng trọt báo động, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay thì sẽ không còn lúa gạo để xuất khẩu vào năm 2020. Một số liệu đáng chú ý khác cho thấy, tại cả hai miền Nam và Bắc, số lượng các khu công nghiệp lấy từ quỹ đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang không ít và hiện chỉ lấp đầy khoảng 50%-70% số lượng DN hoạt động.


Kế sinh nhai của hàng trăm nghìn nông dân đang ngày càng mất đi với tốc độ chóng mặt - Ảnh: D.H

“Cứu” đất nông nghiệp: Nan giải!

Trước tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng báo động, vào năm 2009, Bộ NNPTNT đã “mạnh tay” đề nghị đưa ra một dự thảo nghị định về quản lý đất lúa nước và chính  phát triển lúa  đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo đó, điều khoản về quy định đền bù đất trồng lúa với mục đích phi nông nghiệp nêu rõ: Đối với vùng đất trồng lúa thích hợp, có hạ tầng thuận lợi, tiền bồi thường khi thu hồi phải cao gấp đôi giá đất thổ cư ở cùng thời điểm. Còn ở vùng đất trồng lúa hạ tầng kém thì tiền thu hồi đất phải cao gấp 3 - 4 lần giá đền bù của đất nông nghiệp khác. Đặc biệt, nhà đầu tư khi thu hồi đất lúa phải bồi thường toàn bộ số tiền đầu tư hạ tầng trên đất đó như các công trình về thuỷ lợi, điện lưới...

Cục trưởng Cục Trồng trọt - ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, mục đích của việc đề ra giá đền bù là cốt làm “nản lòng” nhà đầu tư, vì giá đền bù quá cao nên sẽ không dám “ho he” gì đến ý nghĩ đầu tư vào quỹ đất nông nghiệp. “Nếu không tính toán cụ thể, mà cứ tiếp tục tình trạng thiếu kiểm soát quỹ đất như hiện nay thì chắc chắn sẽ không còn đủ quỹ đất để đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước đến năm 2020”. Cũng theo ông Ngọc, việc bảo vệ đất lúa không hề làm khó cho nhà đầu tư, mà là hướng sự đầu tư ra những vùng đất khác. Tuy vậy, để đảm bảo tối thiểu diện tích cho sản xuất lương thực quốc gia, ông Ngọc cho hay việc “cầm trịch” phải phụ thuộc nhiều vào quy hoạch chung của Chính phủ, trên cơ sở đó mới phân bổ quy hoạch cụ thể về từng địa phương, bởi số lượng quỹ đất nông nghiệp ở mỗi địa phương là khác nhau.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.