Nguy cơ thành bãi chất thải công nghiệp của thế giới

25/08/2010 22:35 GMT+7

Trước tình trạng nhập khẩu rác thải công nghiệp, phế liệu lẫn tạp chất, chất thải nguy hại, thậm chí cả hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm sinh học như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi chất thải công nghiệp” của thế giới. Cảnh báo này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Hải quan xanh”, do Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) tổ chức ngày hôm qua 25.8, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, chỉ riêng Hải quan TP Hải Phòng đã phát hiện hơn 300 container có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, quá thời gian làm thủ tục lưu bãi nhập khẩu vào các cảng biển Hải Phòng. Việc tái xuất lô hàng vi phạm, hoặc xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm tiến hành rất chậm chạp bởi bị từ chối nhận hàng (hàng không đúng hợp đồng, gửi nhầm địa chỉ) hoặc không tìm ra địa chỉ, đầu mối liên lạc của doanh nghiệp nước ngoài. Ông Cẩn đề xuất khi hải quan phát hiện có sự vi phạm trong việc nhập khẩu chất thải nguy hại vào lãnh thổ quốc gia thì nhất định các bên liên quan như đơn vị xuất khẩu, hoặc đơn vị trung chuyển phải có trách nhiệm cùng giải quyết.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng hình thức xử lý chỉ dừng ở xử phạt hành chính với số tiền quá nhỏ so với lợi nhuận thu được nên không đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đó, theo ông Lộc cần có chế tài chặt chẽ trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý cần được các ngành chức năng tiến hành thường xuyên, tránh việc kiểm tra theo đợt cao điểm như thời gian qua.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - Môi trường), kiến nghị một số biện pháp phòng chống tình trạng nhập khẩu chất thải độc hại với môi trường và sức khỏe môi trường, như: xây dựng hệ thống cấp phép và hạn ngạch xuất nhập khẩu đầy đủ đối với các loại hàng hóa làm tổn hại môi trường bị hạn chế nhập khẩu và sử dụng; thiết lập kênh thông tin trao đổi giữa các quốc gia xuất nhập khẩu, giữa các cơ quan trong và ngoài nước liên quan đến điều tra tội phạm môi trường...

Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.