Gia tăng lợi thế cạnh tranh bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu

03/06/2010 04:50 GMT+7

Ngành cung ứng thiết bị điện và chiếu sáng tại Việt Nam có thể tạm chia thành 2 “bảng”: bảng A - phân khúc cao cấp là cuộc chiến của các thương hiệu cao cấp nước ngoài phân phối qua các doanh nghiệp Việt Nam và bảng B - phân khúc trung cấp là cuộc chiến của các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam bị yếu thế và vẫn loay hoay, chưa có chiến lược cụ thể để cân bằng cuộc đua này trên cả hai “bảng”.

Thương hiệu nội và ngoại: Khoảng cách ngày càng xa

Việc lựa chọn thiết bị điện cho cao ốc ngày càng quan trọng đối với các nhà thầu lớn trong ngành xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, số lượng nhà cung cấp thiết bị điện hội tụ đủ tiêu chuẩn của các nhà thầu còn rất hạn chế, có thể kể đến những cái tên như: Hager, Legrand… Ưu thế của các thương hiệu này là nổi tiếng, có uy tín, sản phẩm đa dạng và chất lượng cao. Nhưng có yếu điểm là giá thành cao và khó khăn trong việc đồng bộ với thực tế công trình tại địa phương.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang loay hoay cải thiện kỹ thuật song song với phục vụ thị trường trung cấp thì thiết bị điện của các nhà cung cấp nước ngoài đang lấn dần sang phân khúc này với ưu thế về thương hiệu, mẫu mã đa dạng cho khách hàng nhiều lựa chọn. Cuộc đua giữa các thương hiệu nước ngoài đang nóng dần thì khoảng cách của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lại ngày càng xa.

Thời gian gần đây, số lượng các tòa cao ốc đang tăng dần với tốc độ chóng mặt. Tiêu chí đánh giá chất lượng đã khác đi, không những yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn, chất lượng, sự tiện nghi mà còn tính thẩm mỹ, mang đặc thù riêng. Do đó, để được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị điện cho các tòa nhà lớn, ngoài thế mạnh về chất lượng, thiết bị điện phải được đầu tư về hình thức và tính đồng bộ trong tổng thể công trình. Về mặt này thì nhà thầu hoàn toàn an tâm với thương hiệu nước ngoài nhưng về giá thành và tính tương thích trong hoạt động thi công còn là một vấn đề còn bỏ ngõ.

Miếng bánh nhượng quyền

Với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp phải năng động hơn và xây dựng các chiến lược dài hạn để chiếm lĩnh thị trường, tăng tính cạnh tranh. Để có thể phát triển toàn diện, doanh nghiệp cần có nội lực vững mạnh và am hiểu thị trường. Đa số các doanh nghiệp trong nước đều có sự am hiểu thị trường tốt nhưng lại không đủ sức mạnh để đầu tư vào kỹ thuật và con người. Mặc dù vậy, vẫn có thể tìm được sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam có đầy đủ ưu điểm đã nêu nhờ mô hình nhượng quyền thương hiệu và chuyển giao công nghệ sản xuất, trường hợp thiết bị điện AC là một điển hình. KTG (Khai Toan Group) đã tìm được định hướng phù hợp nhằm đáp ứng đúng nhu cầu hiện đại. Mô hình nhượng quyền và chuyển giao công nghệ sản xuất không những mang đến cho thiết bị điện tiêu chuẩn quốc tế và thiết kế đẹp mắt mà còn tạo nên tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và kỹ thuật xây dựng tại địa phương. Đây được xem là yếu tố mới trong ngành thiết bị điện, mà còn là lối đi khôn ngoan để đưa ngành cung ứng thiết bị điện trong nước lên một đẳng cấp mới.

Các tiêu chuẩn như IEC, EN, BS, ISO không chỉ tạo nên sự yên tâm cho nhà thầu, đối tượng sử dụng công trình mà còn thuyết phục bởi tính thẩm mỹ và tính đồng bộ khi được đưa vào thi công công trình do tương thích với kỹ thuật xây dựng nội địa. So với các nhãn hiệu nhập khẩu, sản phẩm nhượng quyền lại bảo đảm được giá thành tốt nhất cho nhà thầu chính. Bằng định hướng xuất phát từ việc am hiểu thị trường, KTG đã trụ vững và phát triển được thương hiệu AC nhượng quyền từ AC Electrical Accessories International PTE.,Ltd (chi nhánh Singapore) suốt 16 năm có mặt tại Việt Nam với thị phần chiếm 35% trong phân khúc cao cấp dành cho các cao ốc lớn như Kumho Asiana Plaza, The Vista, The Manor... và sắp tới đây là Financial Tower (tòa nhà 68 tầng). Trong thị trường thiết bị điện nội địa hiện nay, hình thức nhượng quyền thương hiệu còn khá hiếm hoi, có thể kể thêm nhãn hiệu Comet. Nếu biết đánh giá đúng năng lực và ưu thế của mình thì đây là hình thức khai thác kinh doanh mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều hơn. (Thanh Xuân)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.