Nghi vấn phi công trong tai nạn máy bay Ba Lan

12/04/2010 23:15 GMT+7

Các nhà điều tra Ba Lan và Nga đang tập trung vào câu hỏi tại sao phi công cố hạ cánh bất chấp cảnh báo để dẫn tới thảm kịch.

Đến hôm qua, khả năng chiếc máy bay Tu-154 chở phái đoàn cấp cao Ba Lan gặp nạn tại khu vực rừng Katyn thuộc thành phố Smolensk (Nga) do gặp sự cố kỹ thuật đã bị bác bỏ. Trước đó có nhiều ý kiến cho rằng chiếc chuyên cơ do Liên Xô sản xuất đã hoạt động hơn 20 năm quá cũ và có thể gặp trục trặc. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nhà máy bảo trì Aviakor của Nga là Alexei Gusev nói với kênh Rossiya-24 rằng máy bay nói trên đã được nâng cấp toàn bộ vào tháng 12.2009. Hãng tin RIA-Novosti của Nga hôm 12.4 đưa tin ông Alexander Bastrykin, lãnh đạo Ủy ban Điều tra Nga, báo cáo với Thủ tướng Vladimir Putin rằng chiếc phi cơ Tu-154 không hề có trục trặc kỹ thuật.

Theo các nhân chứng, máy bay đã rơi trúng ngọn cây, đâm xuống đất và vỡ vụn. Toàn bộ 96 người có mặt trên chuyến bay đều thiệt mạng. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của nhiều nhân vật cấp cao của Ba Lan trong đó có vợ chồng Tổng thống Lech Kaczynski, Tổng tham mưu trưởng quân đội Franciszek Gagor cùng tư lệnh các binh chủng lục quân, không quân, lực lượng đặc nhiệm và một phó đô đốc hải quân và nhiều quan chức khác.

Phi công có thể bị ép hạ cánh

Tang lễ ông Kaczynski tổ chức vào cuối tuần

Tờ Gazeta Wyborcza hôm qua đưa tin chính quyền Ba Lan dự kiến tổ chức lễ tang cho Tổng thống Lech Kaczynski vào thứ bảy tuần này, đúng một tuần sau vụ tai nạn thảm khốc. Tờ báo này dẫn lời Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski cho hay Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ cùng lãnh đạo nhiều quốc gia khác tiễn đưa vị nguyên thủ xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ tưởng niệm các nạn nhân khác trong vụ tai nạn cũng sẽ được tổ chức cùng ngày, AFP dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Bogdan Borusewicz cho biết.

Theo AFP, chính phủ sẽ mở cửa cho phép người dân được đến thăm viếng thi hài vợ chồng tổng thống vào hôm nay.

Các nhà điều tra Nga và Ba Lan hiện tập trung tìm lời giải thích cho nghi vấn tại sao cơ trưởng Arkadiusz Protasiuk, 36 tuổi và  phi công phụ Robert Grywna cương quyết hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, bất chấp cảnh báo từ đài điều khiển không lưu tại Smolensk.

Hãng tin Nga Lifenews.ru dẫn lời một quan chức sân bay giấu tên cho hay bộ phận điều khiển không lưu đã đề nghị phi công chuyển hướng tới Minsk, thủ đô của Belarus gần đó. Tuy nhiên, cơ trưởng Protasiuk vẫn cố gắng hạ cánh 3 lần nhưng bất thành. Sau đó, phi công thông báo sẽ cố thử hạ cánh một lần nữa, nếu không được thì sẽ sang sân bay khác, rồi vụ tai nạn đã xảy ra. RIA Nosvosti dẫn lời ông Bastrykin trích các đoạn ghi âm tìm thấy trong hộp đen cũng xác nhận điều này. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn chưa công bố các đoạn ghi âm này.

Theo tờ New York Times của Mỹ, cuộc điều tra có thể dẫn đến câu hỏi nhạy cảm: liệu tổ lái chuyến bay định mệnh có chịu sức ép phải hạ cánh để phái đoàn Ba Lan kịp đến dự lễ tưởng niệm tù binh Ba Lan bị đặc vụ Liên Xô sát hại trong Thế chiến II ở rừng Katyn? Sở dĩ đặt vấn đề này vì trong quá khứ, Tổng thống Kaczynski từng buộc phi công chuyên cơ hạ cánh xuống nơi nguy hiểm.

Hồi tháng 8.2008, trong cuộc chiến giữa Nga và Georgia, ông Kaczynski đang trên đường đến đến thủ đô Tbilisi của Georgia. Khi đó, tổng thống yêu cầu phi công hạ cánh xuống Tbilisi bất chấp các điều kiện nguy hiểm dưới mặt đất. Nhưng viên phi công đã từ chối và đưa máy bay đến Azerbaijan. Báo Ba Lan Dziennik đưa tin khi đó ông Kaczynski đe dọa: “Nếu đã quyết định trở thành phi công thì không được phép nhát gan. Chúng ta sẽ xử lý vấn đề này sau khi quay về nước”. Sau đó, viên phi công không bị kỷ luật, thậm chí còn được trao huy chương. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Ba Lan tiết lộ người này đã bị trầm cảm sau vụ việc trên.

Tờ Gazeta Wyborcza dẫn lời cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa cho hay trong những trường hợp tương tự hôm 10.4, phi công thường xin chỉ đạo từ các quan chức trên phi cơ. “Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa có gì rõ ràng nên hãy chờ kết luận từ các chuyên gia”, ông nói. 

Mới nhận dạng được vợ ông Kaczynski

Dư luận cũng cho rằng việc nhiều quan chức cấp cao của một quốc gia cùng đi trên một chuyến bay là thiếu cẩn trọng. Đa số các nước phương Tây đều không cho phép tổng thống và thủ tướng đi chung, còn những chuyến công du gồm nhiều chỉ huy quân đội cũng có những quy định rất ngặt nghèo.

Tuy nhiên, Ba Lan không có những quy định như vậy và thường do các lãnh đạo quyết định, AFP dẫn lời một số quan chức cho hay. Hồi tháng 9.2008, Tổng thống Kaczynski và Thủ tướng Donald Tusk đã gây ra một tranh cãi về an ninh khi cùng bay tới Brussels (Bỉ) để dự một hội nghị của EU. Trước đó, vào tháng 1.2008, một vụ rớt máy bay cũng đã giết chết 20 sĩ quan quân đội Ba Lan gồm nhiều chỉ huy cấp cao của không quân.

Hôm qua, người thân các nạn nhân vụ tai nạn máy bay đã đến Nga để tiến hành nhận dạng. Phía Nga tuyên bố chịu toàn bộ chi phí cho chuyến đi này. Theo Tổng chưởng lý Seremet, chỉ mới tìm thấy 87 thi thể trong số 96 người thiệt mạng. RIA-Novosti dẫn thông báo từ Bộ Y tế Nga cho hay công tác khám nghiệm tử thi tại Moscow đã hoàn tất nhưng việc nhận dạng có thể mất từ 2 đến 3 ngày vì nhiều người gần như bị biến dạng hoàn toàn. Bộ trưởng Y tế Ba Lan Ewa Kopacz cho hay ngoài Tổng thống Kaczynski, hiện mới chỉ nhận dạng được 34 nạn nhân. Những người còn lại phải cần tới giám định DNA để xác định nhân thân vì thi thể của họ thậm chí còn không đầy đủ.

Thi thể Phu nhân tổng thống Ba Lan, bà Maria Kaczynska, vừa mới được nhận dạng hôm qua và dự kiến sẽ đưa về Ba Lan vào hôm nay, theo AFP. Linh cữu ông Kaczynski đã được đưa về thủ đô Warsaw tối hôm 11.4.

Công tác tại hiện trường vẫn đang tiếp diễn khi các chuyên gia Nga và Ba Lan tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân, theo RIA-Novosti. Hôm qua, nhà chức trách cũng bắt đầu xây dựng một con đường dã chiến để di dời các mảnh vỡ của máy bay vì địa hình khu vực xảy ra tai nạn rất phức tạp, cây cối rậm rạp và nhiều đầm lầy. Một phát ngôn viên của chính quyền Smolensk cho hay công tác này có thể mất vài ngày.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.