Lung tung slogan du lịch!

28/03/2010 00:30 GMT+7

Tổng cục Du lịch (TCDL) đang gấp rút tìm một khẩu hiệu (slogan) mới để sử dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, thay thế slogan cũ vốn nhiều tranh cãi Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn. Nhưng kế hoạch này lại gây phản ứng trong giới kinh doanh lẫn chuyên gia.

 Mời nghe đọc bài

“Sao nghe chung chung quá!”

Hầu hết các slogan của du lịch VN từ xưa tới nay đều mang tính chung chung, nhàm chán, không sáng tạo và không hấp dẫn nên không đem lại hiệu quả quảng bá cao. Mới đây nhất là slogan Việt Nam - điểm đến của bạn (Vietnam - your destination) được TCDL chọn cho chương trình kích cầu du lịch 2010. Ngay cả ông Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, khi được Thanh Niên hỏi tại sao lại chọn slogan này, cũng tỏ ra băn khoăn: “Sao nghe nó chung chung quá!”.

Năm ngoái, để quảng bá cho chương trình kích cầu, TCDL chọn slogan cũng rất chung chung là Ấn tượng Việt Nam (Impressive Vietnam). Chương trình này ban đầu nhắm thẳng đến du khách quốc tế. Slogan cũng thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai cập rập, thiếu chuẩn bị cho việc thông tin ra bên ngoài, doanh nghiệp du lịch bị động trong việc hợp tác với đối tác, nên cuối cùng thay vì chương trình kích cầu năm 2009 sẽ thu hút được nhiều khách quốc tế vào VN hơn thì kết quả lại là lôi kéo nhiều khách nội địa đi chơi cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh khủng hoảng, thành công ngược đó khiến ngành du lịch vô tư hân hoan, vì cho rằng khách nội đã bù đắp doanh thu cho ngành thay khách ngoại. Báo cáo của TCDL cho biết, kết quả của ËÌẤn tượng Việt Nam làm tăng lượng khách nội địa lên 25 triệu lượt, nhưng khách quốc tế giảm 10%, còn 3,8 triệu lượt. 

Tôi chưa thấy khẩu hiệu du lịch nào ở ta là xài được, chưa có cái nào có chất du lịch. Hồi tuần rồi, trong một cuộc họp về du lịch, có doanh nghiệp chọn slogan Tôi yêu Việt Nam. Tổng cục nghe khoái liền. Nhưng đó là slogan của một hãng xe ở VN. Điều đó thể hiện tính hấp tấp, tùy hứng của ngành du lịch, làm gì cũng phải có kế hoạch chứ! Slogan Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn thay cũng phải, vì nó kỳ quá!.  
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt

Tuy nhiên mục tiêu thu hút khách quốc tế luôn là vấn đề trọng tâm của ngành du lịch vì họ đưa đến ngoại tệ và doanh thu cao. Năm ngoái, TCDL “thua” trong kế hoạch thu hút khách nước ngoài thông qua chương trình kích cầu Ấn tượng Việt Nam, do đó năm nay “bày keo khác” bằng Việt Nam - điểm đến của bạn. Chương trình kích cầu 2010 nhắm vào mục tiêu đạt được 4,2 triệu khách quốc tế bằng các nội dung như: mua sắm giảm giá, quảng bá thông qua truyền thông quốc tế, giới thiệu điểm đến VN cho các thị trường nước ngoài tiềm năng… Nhưng với slogan không chút ấn tượng và không thể hiện hết giá trị của sản phẩm mà chương trình muốn quảng bá, khó có thể tin rằng đợt kích cầu nhắm vào thị trường nước ngoài này sẽ thành công. Nhiều người cho rằng, TCDL giữ lại slogan của năm ngoái còn hơn là chọn một slogan mới theo cách thiếu sáng tạo như vậy, kiểu như Chào mừng tới Việt Nam (Welcome to Vietnam) hay Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới (Vietnam - a destination for the new millennium) của nhiều năm trước.  

 Bỏ hay giữ?

Các chuyên gia du lịch nước ngoài nói slogan của du lịch VN được tạo ra theo cách suy nghĩ của người VN, không phù hợp với du khách quốc tế. Sau khoảng 5 năm thử nghiệm nhưng không có đột phá, theo tôi là nên thay đổi để có slogan mới. Slogan này làm sao phải lộ ra cái “tiềm ẩn” bấy lâu nay.
Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam

Chỉ trong vòng hai năm, TCDL dùng đến hai slogan cho chương trình kích cầu, cộng với slogan chính Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn (Vietnam - the hidden charm) là ba. Nhiều doanh nghiệp thậm chí nhầm lẫn Việt Nam - điểm đến của bạn là thay cho slogan chính Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn. Trước đây, khi slogan Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn xuất hiện đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của các chuyên gia và nhà kinh doanh, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có khẩu hiệu này không thể hiện được nhiều thông tin về du lịch VN, không mang giá trị quảng bá, không hấp dẫn vì quá “tiềm ẩn”…

Du khách cần một vẻ đẹp hiện diện ra bên ngoài, chứ không phải tiềm ẩn ở bên trong như du lịch VN. “Tôi cũng không hiểu tại sao lại sử dụng slogan lung tung như vậy. Năm qua, trong những cuộc họp, nhiều đại biểu đề nghị nên thay chữ “tiềm ẩn”, vì chả lẽ du lịch mình cứ “tiềm ẩn” hoài vậy, biết bao giờ mới “hé mở”. Tuy nhiên, theo tôi vài năm nữa hãy thay slogan, khi mà diện mạo du lịch VN đã được cải thiện, nhà vệ sinh du lịch sạch sẽ hơn, đường sá bớt lô cốt…”, ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, Phó trưởng nhóm kích cầu du lịch ở TP.HCM, phát biểu.

Ông Trần Vĩnh Lộc - Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Viễn Du, cho rằng slogan không nên chỉ sử dụng trong thời gian quá ngắn 4 - 5 năm rồi lại thay đổi. Slogan cần được lặp đi lặp lại trong thời gian dài để người ta nhớ tới. “Slogan của du lịch VN chỉ mới khiến du khách bắt đầu chú ý, nếu bỏ đi sẽ rất uổng cả công quảng bá bấy lâu nay và tốn thêm tiền bạc cho đầu tư slogan mới, thậm chí mất vài ba năm nữa để tuyên truyền, quảng bá ra thế giới. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng đã quảng bá slogan này trong tất cả các ấn phẩm, đối tác đã biết. Theo tôi, phương án nâng cấp slogan cũ là hợp lý nhất”, ông Lộc bày tỏ.

Đồng quan điểm với Giám đốc Công ty Lạc Hồng Viễn Du, chuyên gia du lịch người Singapore - ông Robert Tan nhấn mạnh tới chuyện nâng cấp slogan cũ. Theo ông Tan, một số slogan ấn tượng của du lịch các nước trong khu vực như Amazing Thailand (Kỳ thú Thái Lan), Truly Asia (Châu Á đích thực) của Malaysia… không thay đổi trong nhiều năm. Chẳng hạn Amazing Thailand được công bố từ năm 1996 đến nay và để làm mới nó, ngành du lịch nước này mỗi thời kỳ hay mỗi năm thêm vào phía sau một “tít phụ”.

Slogan Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn sẽ được thay thế cho đến khi nào công bố slogan mới. Ngành du lịch đang triển khai cuộc thi tìm kiếm slogan, dự kiến công bố vào cuối năm nay.
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL

Năm 2009 là Amazing Thailand - Amazing Value; còn năm nay, kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng cục Du lịch Thái Lan, họ cũng sẽ công bố một “tít phụ” khác cho phù hợp với việc quảng bá. Du lịch Malaysia cũng vậy, để nâng cấp cho slogan cũ Truly Asia, họ thêm vào một đoạn nhạc thể hiện hai từ của slogan.

“Trong trường hợp TCDL VN muốn thay slogan cũ đã không còn hợp thời và muốn tìm một slogan mới, theo tôi, ít nhất ngành du lịch cần phải có phương án phát triển cho giai đoạn 2011 - 2015 trước, hoặc tầm nhìn lâu dài hơn là 10 hay 20 năm. Dựa vào mục tiêu, chiến lược dài hơi đó thì mới tìm được slogan đúng”, ông Tan nói. Trước khi sáng tạo ra slogan được cho là tuyệt vời Truly Asia, ngành du lịch Malaysia xác định nước họ sẽ là: trung tâm mua sắm của châu Á, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của châu Á, trung tâm trung chuyển của châu Á…

Năm nay, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động du lịch VN tổng cộng lên tới 71 tỉ đồng, tăng khoảng 21 tỉ đồng so năm trước, bao gồm 31 tỉ đồng của chương trình hành động quốc gia du lịch (xúc tiến, quảng bá; nghiên cứu phát triển sản phẩm; đào tạo) và 40 tỉ đồng của chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay một phần của khoản kinh phí này được dành cho chương trình kích cầu Việt Nam - điểm đến của bạn. Cho nên, nếu năm nay thực hiện slogan mới, chi phí cũng sẽ đội lên rất cao, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới kinh phí quảng bá, xúc tiến. Đó là chưa kể đơn vị nào sẽ tư vấn cho “chiến dịch slogan” này, hay lại phải rơi vào tình trạng 4 - 5 năm lại thay đổi hoặc tạo ra một slogan tiếp tục gây tranh cãi?

Làm gì để hy vọng đạt được mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng lượng khách quốc tế vào VN hằng năm thoát khỏi tình trạng là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kém nhất khu vực (năm ngoái tăng trưởng âm 10%, năm 2008 tăng chỉ 1,6%), nhanh chóng chạm mốc 6 triệu khách mà kế hoạch ban đầu là vào năm 2010 phải đạt được... cũng là việc của TCDL. Song nếu vẫn là một slogan chung chung nữa xuất hiện, thì những mục tiêu đó sẽ càng xa vời hơn.    

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.