Ông chủ 8X mê nhiếp ảnh, làm thiện nguyện quỹ luôn về 0 đồng

01/12/2021 17:23 GMT+7

Tham gia hoạt động Đoàn từ thời THPT đến ĐH, một ông chủ thế hệ 8X ở tỉnh Bến Tre miệt mài làm thiện nguyện suốt 13 năm qua.

Là một người đam mê nhiếp ảnh, anh Nguyễn Công Chánh (38 tuổi, Bến Tre) thường đi đến nhiều nơi để chụp ảnh. Vào năm 2008, trong những chuyến đi chụp ảnh sau khi du học ở Úc về, anh bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn: Những đứa trẻ đi chân trần và mặc đồ mỏng tanh dù trời trở lạnh, lớp học chắp vá từ gỗ mục, học trò nghèo không có đủ sách vở để học hành…

Thế là anh quay về, rủ thêm vài người bạn và bắt đầu hành trình thiện nguyện suốt 13 năm nay, từ miền Trung nghèo khó như Quảng Bình, Đắk Lắk cho đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang…

Anh Chánh cho rằng anh không phải là nhà tổ chức chuyên nghiệp nên không làm quá lớn, không kêu gọi hỗ trợ, kết thúc một hoạt động quỹ cũng về 0 đồng

NVCC

Nối dài hành trình thiện nguyện

Những chuyến thiện nguyện đều bắt đầu tùy hứng mà không có kế hoạch cụ thể từ trước.

Chẳng hạn, khi vô tình đi ngang một ngôi trường xuống cấp, thương học trò và giáo viên học hành trong điều kiện thiếu thốn, anh Chánh tự khảo sát rồi về bàn thảo với bạn bè, tìm đến chính quyền nhờ xác thực rồi gom góp tiền để hỗ trợ, sửa sang.

“Tôi sửa lại để các cháu an tâm học hành, xây sân chơi nhỏ và thư viện, góp sách, truyện, tập vở hay trao học bổng tài trợ lâu dài cho những cháu khó khăn… Tôi chỉ mong học trò nghèo có thêm động lực đến trường”, anh nói.

Với những hoạt động lớn, chẳng hạn ở ngôi trường tại thị trấn D’Ran (Lâm Đồng) hay quê nhà Bến Tre, anh làm bài bản hơn, đi tiền trạm, về lập kế hoạch, góp tiền bạc rồi cùng bạn bè “kéo nhau” mang quà cáp, sách vở và cả sự nhiệt huyết đến hỗ trợ.

Anh Chánh cho rằng anh không phải là nhà tổ chức chuyên nghiệp nên không làm quá lớn, không kêu gọi hỗ trợ, kết thúc một hoạt động quỹ cũng về 0 đồng, các thu chi được minh bạch rõ ràng.

Nhớ về chuyến đi Quảng Bình đợt lũ năm 2016, nhóm anh chất đầy quà hỗ trợ lên một chiếc máy bay. Nhưng đến nơi, anh vẫn thấy không thể nào lấp đầy sự thiếu thốn cho người dân nơi này.

“Trong chuyến đi đó, chúng tôi 'chết hụt' vì nước lũ dâng lên đột ngột. Sau khi đến được điểm phát quà, nhìn mọi người đều mang khăn tang, tôi chết lặng. Đó là cảnh tượng khủng khiếp và đau lòng mà tôi chứng kiến”, anh nhớ lại.

Cảnh tượng tang thương trong đợt lũ Quảng Bình mà anh đến để trao quà

nvcc

Hay hành trình đến biển Hồ (Campuchia) chụp ảnh, anh chứng kiến cảnh những ngôi nhà xiêu vẹo dựng tạm trên mặt nước, đói khổ đeo bám từng đứa trẻ và bà con Việt Nam ở đó. Thế là, anh quyết tâm quay về Việt Nam, kêu gọi bạn bè sang để hỗ trợ. Đó là chuyến hành trình 3 ngày 2 đêm khiến anh nhớ nhất.

Làm việc có ý nghĩa càng thấy mình may mắn, hạnh phúc

Dịch Covid-19 bùng phát, Đà Lạt cũng “đóng cửa cài then”, anh tổ chức 3 điểm phát bánh mì 0 đồng kéo dài một tháng cho bà con. Ngoài ra, những chiếc áo ấm, khẩu trang… cũng được anh chuẩn bị sẵn tại đây cho người cần đến lấy.

Từ đi chợ, chế biến thịt, làm pate… anh đều tự tay chuẩn bị. Đồ ăn được chuẩn bị trước vào buổi tối, đến sáng anh chở đến từng điểm phát, tình nguyện viên là sinh viên của trường ĐH hay Thành Đoàn Đà Lạt hỗ trợ.

Những buổi tối, anh lại xách xe len lỏi các con phố, mang quà bánh, tiền mặt hỗ trợ người dân cơ nhỡ. Lo sợ nhiễm bệnh là có nhưng “máu tình nguyện” vẫn thôi thúc anh làm đến cùng.

Những chuyến đi tìm đến với trò nghèo vùng Tây Nguyên của nhóm anh Chánh

NVCC

Còn sinh viên kẹt lại vì dịch không thể về quê, nhân viên thất nghiệp…, được anh giữ lại trong những cơ sở kinh doanh của mình. “Tôi muốn các bạn có chỗ ở an toàn mùa dịch. Họ ở chỗ mình cũng trông coi quán xá, dọn dẹp gọn gàng nên tôi vẫn trả lương 20.000 đồng/giờ để các bạn có thêm thu nhập”, anh chia sẻ.

Từng mở nhà hàng, cửa hàng quần áo… nhưng anh Chánh gặp thất bại vì tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm. Đam mê nhiếp ảnh, anh tham gia cuộc thi Yamaha Foto Tour vào năm 2012 và giành giải cao nhất. Điều này trở thành động lực để anh mở studio kiêm quán cà phê ở TP.HCM.

Những xe bánh mì 0 đồng được anh gửi tặng miễn phí cho bà con Đà Lạt

NVCC

Sau này, anh đấu thầu thành công gói chụp ảnh của một hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam. Công việc ổn định, anh thành lập công ty quảng cáo riêng. Nhìn thấy tiềm năng của Đà Lạt và mê nhịp sống nhẹ nhàng ở đây, anh lại khởi nghiệp với homestay. Vượt qua những khó khăn và thất bại, ở tuổi 38, anh sở hữu nhiều cơ sở kinh doanh và công ty cho riêng mình.

Luôn dùng sự chân thành để đối đãi với mọi người, anh cho rằng bản thân đã may mắn khi có công việc và thu nhập ổn định, lo đủ cho gia đình nên khi có thể, anh sẽ giúp đỡ trong khả năng.

“Làm những việc ý nghĩa giúp tôi và đồng đội suy ngẫm nhiều hơn, tự thấy mình đã may mắn được sống hạnh phúc. Mong ước của tôi lúc này là tìm kiếm những bạn trẻ có tâm huyết với thiện nguyện để cùng trao đi những yêu thương trong hành trình này”, ông chủ 8X mê làm thiện nguyện nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.