Những nhà giáo dục chẳng bao giờ đứng trên bục giảng

Lê Văn Nam
Giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
30/04/2024 15:05 GMT+7

Có những nhà giáo dục chẳng bao giờ đứng trên bục giảng, cũng chẳng 'phấn trắng bảng đen', cũng chẳng có trang giáo án hay quyển sách nào trong cặp, mỗi ngày họ vẫn âm thầm tạo nên những bài học quý giá về cuộc sống.

Một bác bảo vệ dễ thương, mỗi sáng đứng cổng trường chúc học trò buổi sáng tốt lành

Một bác bảo vệ dễ thương, mỗi sáng đứng cổng trường chúc học trò buổi sáng tốt lành

THÚY HẰNG

Những nhà giáo dục không đứng trên bục giảng nhưng đã gieo bao hạt giống đức tính và bài học sống đáng quý vào tâm trí của bao thế hệ học sinh. 

Đó là chú bảo vệ luôn nở nụ cười chào hỏi mỗi sáng tạo ra một bầu không khí thân thiện, học sinh cảm thấy được sự quan tâm và được trân trọng. Đó là anh nhân viên kỹ thuật kiên nhẫn và cẩn thận khắc phục mọi sự cố, dù lớn hay nhỏ, anh ấy không chỉ đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru mà còn là tấm gương về sự chăm chỉ và trách nhiệm. Hay đó là cô lao công lặng lẽ quét sạch sân trường trước khi học sinh đến trường, thể hiện lòng tự trọng và tự giác trong công việc.

Những công việc như bảo vệ trường học, phụ trách các công việc kỹ thuật hay lao công dọn dẹp có đôi lúc bị xem nhẹ về mặt giáo dục học sinh. Nhưng qua từng hành động, từng cử chỉ làm việc hàng ngày của họ, không ít người đã trở thành những tấm gương về đức tính cần cù, trách nhiệm và lòng kiên nhẫn.

Chú bảo vệ ở trường học không chỉ giữ an ninh, mà còn là người dạy các em nhỏ cách chào hỏi, cư xử lễ phép. Anh nhân viên kỹ thuật không chỉ sửa chữa các trang thiết bị mà còn là người mà học sinh có thể học hỏi về tinh thần chịu khó, tỉ mỉ. Cô lao công dạy cho học sinh bài học về sự sạch sẽ, tự giác giữ gìn trường lớp ngăn nắp.

Những nhà giáo dục chẳng bao giờ đứng trên bục giảng- Ảnh 2.

"Những nhà giáo dục không đứng trên bục giảng" góp phần làm nên trường học hạnh phúc

THÚY HẰNG

Những bài học về kỷ luật và sự tự giác không phải lúc nào cũng được dạy qua lời nói. Chính những hình ảnh chú bảo vệ dưới mưa rét vẫn kiên trì mở cửa, cô lao công vẫn miệt mài dọn dẹp dù đã khuya, hay anh kỹ thuật viên luôn tận tâm với công việc, góp phần rất lớn vào việc hình thành nên những thói quen tốt cho học sinh.

Những tương tác hằng ngày giữa họ và học sinh, dù là nhỏ nhất, cũng là cơ hội để truyền đạt những giá trị, kỹ năng sống cần thiết. Hơn nữa, chính tình yêu thương, sự quan tâm mà họ dành cho học sinh thể hiện qua từng cử chỉ nhỏ như nhắc nhở học sinh mặc ấm, dặn dò các em về an toàn khi ra về, hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe những tâm sự của các em, đã tạo nên môi trường giáo dục đầy ấm áp và thân thiện, một trường học hạnh phúc đúng nghĩa.

Dù vai trò của họ trong việc giáo dục là không thể phủ nhận, nhưng thật không may, những đóng góp thầm lặng này không phải lúc nào cũng được nhận ra và ghi nhận đầy đủ. Đây cũng là thách thức lớn để xã hội hiện đại nhận thức và trân trọng đúng mức đối với những "nhà giáo dục không đứng trên bục giảng" này.

Các cô bác lao công dọn dẹp để từng góc của ngôi trường luôn sạch đẹp

Các cô bác lao công dọn dẹp để từng góc của ngôi trường luôn sạch đẹp

THÚY HẰNG

Chúng ta cần một cái nhìn đầy đủ về vai trò giáo dục của những cá nhân này. Để làm được điều đó, cần có sự thay đổi từ nhận thức của mỗi người, từ việc tôn trọng nghề nghiệp chân chính của tất cả mọi người, từ tất cả các vị trí cho đến việc nhìn nhận bất kỳ ai cũng có thể trở thành một người truyền cảm hứng về lối sống tích cực cho người khác.

Những bài học không thể nào quên

Các em học sinh đã chia sẻ những kỷ niệm, bài học quý giá từ những "người thầy không đứng trên bục giảng".

"Em tình cờ gặp cô lao công vào một buổi trưa nắng trước khi vào tiết 15 phút, cô vô tình làm đổ mất chai nước suối khi đang quét sân. Thấy vậy, em đã đưa cho cô một chai nước nhỏ vừa mua vì em nghĩ cô không thể ngưng giữa ca được. Cô cảm ơn em một cách chân thành và tặng em một chiếc kẹo ngọt. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ", Võ Châu Minh Thư, lớp 11A12, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, chia sẻ.

"Được chọn là đại diện cho trường tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề nên em và các bạn trong nhóm, cùng với sự hướng dẫn của giáo viên, đã quyết tâm ở lại trường sau giờ học để dồn toàn lực hoàn thiện dự án. Khi những ánh đèn cuối cùng trong trường bắt đầu tắt dần, mọi người mới giật mình nhìn nhau. Cả nhóm tranh thủ dọn dẹp nhanh chóng để đi về. Ra khỏi phòng nghiên cứu, nhóm đã thấy chú bảo vệ nhẫn nại, đứng chờ sẵn với chiếc đèn pin trên tay. Chú không hề tỏ ra phiền lòng hay khó chịu dù đã hết giờ làm việc, chú vẫn vui vẻ hỏi thăm động viên cả nhóm", Nguyễn Thị Hoài Ni, lớp 12A8, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, nói.

"Vào dịp 20.11 năm vừa rồi, cũng như các lớp khác, tụi em đã tập múa chuẩn bị cho buổi lễ, trong lúc tập, chúng em có ăn vặt và uống nước, xong xuôi thì chỉ dọn dẹp qua loa. Cô lao công biết được đã có chút khó chịu, bực bội. Nhờ đó, ý thức tụi em đã được tăng lên đáng kể, tụi em biết giữ vệ sinh sạch sẽ hơn, gọn gàng hơn, và cả trách nhiệm hơn với những việc mình đã làm. Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, sự xuất hiện của cô và lời nhắc nhở hay cái cau mày của các thầy các cô mà chúng em được lớn lên mỗi ngày, được phát triển những cái tốt, bỏ đi cái tật xấu vốn có của bản thân...", Tống Nguyễn Thanh Vân lớp 8A1, Trường THCS An Phú Đông, Q.12, cho hay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.