Những chuyện kỳ bí: Từ mái tóc nàng tiên đến hang Kẻ Cướp

03/10/2015 06:52 GMT+7

Một số bãi cát, núi đá lô nhô cùng sóng trắng dọc bờ biển miền Trung có chung tên gọi “Bãi Tiên”. Trong quan niệm của dân gian, những nơi vừa đẹp, vừa hoang sơ ấy chỉ dành cho tiên từ trời xuống vui chơi thôi.

Một số bãi cát, núi đá lô nhô cùng sóng trắng dọc bờ biển miền Trung có chung tên gọi “Bãi Tiên”. Trong quan niệm của dân gian, những nơi vừa đẹp, vừa hoang sơ ấy chỉ dành cho tiên từ trời xuống vui chơi thôi.

Đường dẫn vào hang Kẻ Cướp - Ảnh: Văn Mịnh
Đường dẫn vào hang Kẻ Cướp - Ảnh: Văn Mịnh
Nhiều giai thoại về các nàng tiên gắn với những “Bãi Tiên” này, vừa thi vị cho vùng đất “đẹp như tiên” lại vừa lý giải theo kiểu của giai thoại, truyền thuyết về những địa danh và sản vật ở những nơi đó. Bãi Tiên ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một địa danh như thế. Nơi đây còn có hang Kẻ Cướp với những câu chuyện ghê người.
Bãi Tiên đượm vẻ liêu trai
Lý Sơn có hai đảo gồm đảo Lớn và đảo Bé cách nhau chừng 3 hải lý. Nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu địa chất đưa ra giả thiết rằng, đảo Bé chính là một mảnh vỡ tách ra từ đảo Lớn. Bằng chứng của việc “tách ra” ấy là đảo Bé không có “nền” như nhiều đảo khác. Nó khác hoàn toàn với cấu tạo của đảo Lớn là gồm 5 miệng núi lửa hiện vẫn còn dấu vết rất rõ. Do việc tách ra từ đảo Lớn nên toàn bộ 2 km2 trên đảo Bé hoàn toàn không có nước ngầm dù các nhà địa chất đã khoan hàng trăm mũi khoan trên hòn đảo này. Cũng do thiếu nước ngọt tại chỗ mà hơn 300 năm qua, kể từ khi người Việt khai phá đảo Lý Sơn, đảo Bé chỉ vỏn vẹn ngót trăm nóc nhà, trong khi đảo Lớn có hai vạn dân.
Một đặc điểm nữa đã thành chỉ dấu khá rõ về sự nứt tách của đảo Bé từ đảo Lớn. Đó là đứng tại hòn Đụn của đảo Bé nhìn sang sẽ thấy một vết lõm khổng lồ từ đảo Lớn, mà nếu có một phép màu nào đó để kéo hòn Bé về lại nơi chúng đã xuất phát từ hàng triệu năm trước thì sẽ có một đảo Lý Sơn “hợp long”, vừa khít khao, không thừa tẹo nào. Nếu có thừa chăng thì đó là Bãi Tiên nằm phía đông bắc đảo Bé này.
Hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ khi ẩn, lúc hiện tùy theo con nước của thủy triều đã vô tình tạo cho Bãi Tiên ở đảo Bé một không gian đượm vẻ liêu trai mỗi khi chiều xuống. Cũng theo các giả thiết của một số nhà địa chất, đá của Bãi Tiên chính là sự rơi vãi từ một cuộc thoát ra để thành đảo Bé hôm nay. Lý Sơn đầy hấp lực với những hang động cùng nhiều bãi tắm, song không một địa điểm nào thu hút như Bãi Tiên. Một phần vì cấu tạo của địa chất mang lại sự hấp dẫn riêng của nơi này, phần vì nó xa lánh với cảnh nhộn nhạo đông đúc của đảo Lớn. Cuối cùng, ra Bãi Tiên là sẽ “gặp” các nàng tiên trong cổ tích được hóa thân thành một loài rau hiếm hoi bậc nhất ở miền Trung hiện nay: rau tóc tiên.
Cứ vào mùa hè, khi hòn đảo này không còn một loại rau nào thì rau tóc tiên xuất hiện. Chúng lòa xòa trong khe các hang đá theo nhịp lên xuống của sóng biển. Có lẽ nhìn đặc điểm của rau mà người dân đặt tên cho chúng. Họ kể rằng, có một lần các nàng tiên xuống đây để tắm và đùa nghịch. Khi ánh ngày vừa tắt thì cũng là lúc bóng đêm ập đến. Các nàng vội vã bay về trời nhưng những mái tóc dài đã mắc kẹt trong các gộp đá. Sợ Ngọc Hoàng phạt nặng, các nàng đành cắt bỏ mái tóc của mình để dễ dàng bay về trời. Những mái tóc ấy đã hóa rau từ đó và trở thành món đặc sản hấp dẫn với du khách khi đặt chân lên đảo Bé.
Bí ẩn hang Kẻ Cướp
Cũng nằm trong Bãi Tiên này có một hang đá mang tên “Kẻ Cướp” được người dân Lý Sơn thêu dệt quanh nó bao chuyện ly kỳ. Từ nhiều thế kỷ trước, đảo Bé đã trở thành trạm dừng chân lý tưởng cho bọn hải tặc vì nơi đây không có dân sinh sống. Những hang động trên hòn đảo này trở thành chỗ đi - về của đám hải tặc.
Ông Đặng Yên, một lão ngư 80 tuổi ở đảo Bé, kể rằng trước đây hang này có tên là hang Chàng Thiếp. Từ lâu lắm rồi, có một con thuyền cùng đôi tình nhân không biết từ đâu trôi dạt vào hoang đảo này. Họ kiếm ăn qua ngày bằng nghề đánh bắt hải sản, đợi thời tiết thuận lợi sẽ rời đảo để hồi hương. Chưa kịp thực hiện ý định thì giặc Tàu Ô tràn vào đảo Bé. Chúng giết chết chàng trai và hãm hiếp cô gái, biến hang Chàng Thiếp thành đại bản doanh để lấn ra đảo Lớn và vào tận đất liền cướp bóc. Hang Chàng Thiếp mất tên và nhường chỗ cho hang Kẻ Cướp. Cũng từ đó, người ta đồn đại rằng, giặc Tàu Ô đã cướp bóc rất nhiều vàng bạc và đem chôn giấu trong hang đá này. Sách Đại Nam thực lục - Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: Năm 1867, thuyền giặc Tàu Ô gồm 22 chiếc vào cửa biển Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điều quân ở nơi khác hội lại cùng đánh tan tác lũ giặc Tàu Ô, buộc chúng phải rút chạy bằng đường biển...
Những cuộc tìm kiếm châu báu đã từng diễn ra đầy bí mật tại hang Kẻ Cướp suốt nhiều thế kỷ qua nhưng chưa một lần thành công vì sau những biến động của dòng hải lưu, cát đã lấp kín miệng hang từ thuở nào. Thực ra, nếu có một hang châu báu thật thì việc đào miệng hang để tiếp cận chúng không quá khó khăn. Tuy nhiên, người dân đảo Bé muốn giữ sự vẹn nguyên mãi mãi cho câu chuyện nên hang Kẻ Cướp luôn luôn bí ẩn với tất cả những ai đã và sẽ tiếp cận nó.
Bây giờ, nhiều du khách ra đảo Bé rồi ghé hang Kẻ Cướp, không phải để tiếp cận kho báu mà để thưởng lãm một trong những địa danh trữ tình bậc nhất Lý Sơn, để được đắm mình trong những truyền thuyết vừa “ghê rợn” với hải tặc nhưng cũng rất lãng mạn từ mái tóc của các nàng tiên phải đành cắt bỏ để biến thành một loài rau thơm thảo đến hôm nay. Hàng ngàn du khách đã đặt chân đến Bãi Tiên cùng hang Kẻ Cướp mỗi mùa lễ hội ở Lý Sơn trong những năm qua. Nguồn thu từ các dịch vụ để phục vụ du khách chính là “kho báu” của người dân trên đảo vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.