Nhỏ nước chanh vào mắt ngày Tết Đoan Ngọ liệu có tốt cho mắt?

Bá Cường
Bá Cường
23/06/2023 14:23 GMT+7

Một số người dân ở Quảng Bình đã nhỏ chanh vào mắt và nhìn lên mặt trời vào trưa ngày Tết Đoan Ngọ (22.6), họ cho rằng hành động này sẽ khiến mắt khỏe hơn theo... lời đồn dân gian.

Ngày 23.6, bác sĩ Trần Ánh Dương (khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết: Một số người dân tin theo cách chữa bệnh dân gian, nhỏ chanh vào mắt và nhìn lên mặt trời vào ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) sẽ tốt cho mắt. Nhưng họ không biết hành động đó sẽ gây ảnh hưởng rất xấu cho mắt.

Quảng Bình: Bác sĩ giải thích về việc nhỏ nước chanh vào mắt ngày Tết đoan ngọ - Ảnh 1.

Một số người dân tại Quảng Bình nhỏ nước chanh vào mắt ngay giữa trưa dịp Tết Đoan Ngọ

B.H

Trước đó, vào trưa 22.6, một số người dân ở Quảng Bình đã theo nhau nhỏ chanh vào mắt rồi nhìn thẳng lên mặt trời vào đúng 12 giờ trưa. Theo quan niệm dân gian, việc làm này sẽ giúp cho đôi mắt khỏe mạnh, ít gặp bệnh tật về mắt.

'Nhìn lên trời vào 12 giờ trưa Tết Đoan Ngọ giúp sáng mắt', bác sĩ nói gì?

Giải thích cho hành động trên, bác sĩ Dương cho biết, nước quả chanh chứa nhiều thành phần gồm vitamin B, C, một số khoáng chất và đặc biệt có acide citric. Loại acide này có nồng độ cao dẫn đến bỏng mắt, nhất là trên những mắt có tổn thương từ trước nó sẽ làm tổn thương đó trầm trọng thêm.

"Mắt nhìn thẳng mặt trời sẽ bị tia cực tím và tia hồng ngoại gây tổn thương từ kết mạc, giác mạc, thủy tinh thể. Đặc biệt là tổn thương đáy mắt (chủ yếu là điểm vàng), thời gian nhìn trên 30 giây có thể dẫn đến mù vĩnh viễn", bác sĩ Dương nói.

Để dễ hình dung, bác sĩ Dương lấy ví dụ về việc trong thực tế để tạo ra lửa, người ta dùng kính lúp (thấu kính lồi) đặt dưới ánh nắng mặt trời, sau đó dùng giấy, bông, hoặc gỗ để vào vị trí hội tụ ánh sáng ở phía dưới, một lúc sau các vật đó sẽ bốc cháy.

Con mắt cũng tương tự khi là phức hợp của chuỗi thấu kính lồi để hội tụ ánh sáng lên đáy mắt giúp ta nhìn rõ các vật thể. Khi nhìn vào mặt trời, ánh sáng trực tiếp của mặt trời sẽ hội tụ lên điểm vàng gây bỏng các tế bào nón và tế bào que (hai tế bào cảm thụ ánh sáng). 

Có thể ngay lúc đó người nhìn vào mặt trời chưa thấy cảm giác mờ, nhưng về sau, ngoài bỏng nhiệt nó còn biến đổi sinh học của các tế bào làm cho nó mất hoàn toàn chức năng dẫn đến mù.

Bác sĩ Dương cũng khuyên người dân cần xem xét kỹ các quan niệm về chữa, phòng bệnh dân gian để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.