Nhân viên đi chữa lành, đồng nghiệp và sếp ‘lãnh đạn’

20/05/2024 13:27 GMT+7

Có trường hợp nhân viên nghỉ phép đi 'chữa lành', đồng nghiệp và sếp ở lại hoang mang với núi công việc.

Chị Phương Huyền (29 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) kể trước đây chị làm trong một công ty hoạt động ở lĩnh vực giáo dục. Khi công ty triển khai một dự án mới, chị làm việc nhóm với 4 người. Các đầu việc đã được phân công, chia đều cho mỗi thành viên. Nhưng rất bất ngờ, khi gần tới hạn chót trình sản phẩm thì 1 người trong nhóm xin nghỉ phép 2 tuần để đi chữa lành.

Bỏ hết tất cả công việc để đi chữa lành

“Thành viên này có xin lỗi chúng tôi, nói vì quá áp lực nên không thể làm tiếp tục được. Bạn cần đi chữa lành để ổn định lại tinh thần. Sau tin nhắn thông báo nghỉ phép thì bạn ấy bặt vô âm tín. Chúng tôi cố liên lạc để biết bạn đã làm các đầu việc tới đâu nhưng không được”, chị Huyền nói.

Thế là, 3 người còn lại trong nhóm chị Huyền phải làm việc cả ngày lẫn đêm để bù vô các nhiệm vụ dang dở cho kịp lộ trình đã hứa với lãnh đạo. Cấp trên biết chuyện lo sốt vó, buổi nào cũng đều điện thoại, nhắn tin với chị để đảm bảo công việc.

Chị Huyền cho rằng việc đồng nghiệp bỏ hết tất cả đi chữa lành là hành động ích kỷ, chưa có tinh thần trách nhiệm chung. Chị nói: “Ai cũng đều có những áp lực riêng cho mình cả. Đồng nghiệp có thể giúp đỡ nhau để công việc không gián đoạn, nhưng đó là khi mọi người được thông báo trước chứ không phải là đùng một phát bỏ ngang”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chị làm trong ngành nghiên cứu, thường xuyên làm việc trong phòng thí nghiệm và có những quy trình không thể ngừng. Có thời gian, nhóm chị làm rất nhiều thí nghiệm nên phải đi làm cả thứ bảy và thỉnh thoảng làm luôn vào ngày chủ nhật để đảm bảo tiến độ và chất lượng.

“Vì làm trong một thời gian dài như vậy nên cả nhóm rất mệt. Sếp cũng hiểu mọi người rất vất vả, tuy nhiên cả đội vẫn phải đảm bảo tiến độ, không thể gián đoạn. Không chịu nổi áp lực, có lần 10 người trong nhóm chúng mình nói với lãnh đạo là sẽ ngưng việc vào cuối tuần để đi xả stress, chữa lành", chị Ngọc kể lại.

"Sếp không ngăn được. Vậy là phần còn lại công việc sếp phải tự làm hết. Tuy nhiên mình đi chơi cũng không ổn, vì sếp liên tục hỏi về nơi cất trữ, cách sắp xếp của hóa chất, thiết bị… Sau lần đó, mình cũng thấy có lỗi với sếp nên mình nghĩ sau này muốn đi chữa lành thì nên chia thời gian ra", chị Ngọc nói tiếp.

Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân chính làm xuất hiện trào lưu

Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân chính làm xuất hiện trào lưu "chữa lành"

ẢNH MINH HỌA: PEXELS

Xây dựng môi trường làm việc linh hoạt

Chị L.H.L, lãnh đạo phòng nhân sự tại công ty chuyên cung cấp dịch vụ về công nghệ tại Q.1 (TP.HCM) than thở rằng, mới đây trong cùng 1 ngày, chị nhận đơn nghỉ phép và đơn nghỉ việc của 4 nhân viên. Trước đó, phòng kế toán của công ty cũng có vài người nghỉ. Thế nên khi khối lượng công việc bên phòng kế toán quá tải, chị phải đích thân làm các đầu việc tính lương cho nhân viên.

Chị L. cho biết không chỉ các nhân viên, mà chính bản thân chị cũng thấy rằng khối lượng công việc quá nhiều và điều này là bất cập để có được nguồn nhân lực bền vững. Khi nghỉ việc, nhiều đồng nghiệp nói với chị họ sẽ không đánh cược sức khỏe để kiếm tiền. Họ sẽ chữa lành bằng việc đi du lịch hoặc về quê vài tháng để tận hưởng cuộc sống.

“Không thể nào bàn cãi về quyết định cá nhân của người lao động. Họ có quyền rời đi. Từ sau dịch Covid-19, vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng được người lao động quan tâm hơn. Vì sự bấp bênh và khó đoán trước, tâm thế của người lao động ngày nay là sống hết mình với những cảm xúc cá nhân của họ, bao gồm việc từ chối công việc. Tôi cũng đang nhìn nhận lại vấn đề này và nhiều lần muốn nghỉ việc, cứ tưởng tượng đã một quý trôi qua mà ngày nào tôi cũng làm việc từ lúc 9 giờ sáng cho tới 21 giờ đêm”, chị L. nêu quan điểm.

Do đó, chị L. cũng từng kiến nghị và cho rằng công ty nên hướng đến một môi trường làm việc linh hoạt hơn, ví dụ làm việc từ xa hay cho phép người lao động được nghỉ nửa ngày của một ngày nào đó trong tuần để giúp nhân viên có thêm thời gian nghỉ ngơi.

“Các chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy 'dí người' có năng lực để làm hết các đầu việc. Họ cần biết chi tiền để tuyển người, cần thường xuyên đánh giá khối lượng công việc để có sự điều chỉnh kịp thời. Nếu không làm điều này, các nhân viên đang làm quá tải sẽ dễ nghỉ ngang, còn những người mới vào thì bị sốc văn hóa. Đến cuối cùng, không còn ai làm việc nữa, tất cả đều đi chữa lành hết như xu hướng ngày nay thì lại nguy to", chị L. cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.