Người thách các nhà sưu tầm cổ vật

01/07/2010 14:10 GMT+7

(TNTS) Ông Phan Tấn Nam là dân chơi đồ cổ sành điệu ở Tây Đô. Hiện ông lưu giữ 2 cổ tượng độc bản hóa thân của thần Vishnu - vị thần bảo hộ chúng sinh vĩ đại trong thần thoại Ấn Độ.

Những cổ vật ngàn năm

Giới sành đồ cổ đều biết chuyện ông Nam luôn thách đố tặng  2.000 USD cho những ai sưu tập bán cho ông được 4 cây đèn Lục Triều, Tùy Đường, hoặc 2 tượng đồng, tượng đá thuộc văn hóa Phù Nam và Angkor như trưng bày. Tính ra đã tròn 6 năm, bao người tới rồi đi nhưng thủy chung những cổ vật ông thách đố vẫn chưa hiện diện.

Nhà ông Nam nằm trên con đường trung tâm của quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, luôn rộng mở đón khách tham quan. Những cổ vật trưng bày trong tiền sảnh được giới sành sỏi trong nghề tấm tắc đánh giá là cổ vật ngàn năm hiếm hoi.  Đó là các lệnh bài, gối nằm, các ấm rượu bạch định đời Tống, bộ ngọc lễ khí cổ xưa, viên đá đo độ sâu nước biển thời Tống. Viên đá ngàn tuổi này được trục vớt ở biển sâu trên thân còn bám đầy rêu phong và một cây san hô màu đỏ. Các bộ đèn cổ hình người và thú vô cùng “độc” như đèn tam không, đèn chim điểu, đèn rùa, đèn sư tử… với màu sắc bắt mắt cùng những hoa văn chạm trổ khéo léo thể hiện tài hoa của người xưa. Riêng đèn tượng người cưỡi cá côn thuộc loại hiếm hoi mang nhiều truyền kỳ. Theo thần thoại Trung Quốc, cá côn sống ở biển, ngày bơi vạn dặm. Khi tu hành đắc đạo cá lột xác biến thành chim bằng, vỗ cánh một cái bay vạn dặm. Ông Nam cho biết trong các tượng cổ ông đặc biệt tâm đắc tượng thần voi Ganesa làm bằng đồng thuộc văn hóa Phù Nam. Đây là cổ tượng độc bản thuộc thế kỷ 9-10. Thần voi là vị thần tài được người dân sùng kính như thần tài lộc, tượng thể hiện tay phải tư thế bắt ấn  bình yên, tay trái cầm lẵng hoa phát ban tài lộc cho người.


Tượng thủy thần Masuya

Hai cổ tượng độc nhất Việt Nam

Từ năm 1997 đến nay ông Nam đã lưu giữ hàng trăm cổ vật của các nền văn hóa Phù Nam, Trung Quốc, Campuchia. Trong các cổ vật ông Nam tự hào nhất là được sở hữu 2 cổ tượng  thuộc nền văn hóa Phù Nam gồm tượng thủy thần và thần Vikrama - một trong hai hóa thân của thần Vishnu. Theo truyền thuyết, thần Vishnu là vị thần vĩ đại bảo vệ cho thế giới, thần đã đo vũ trụ bằng ba bước chân khổng lồ của mình và xây dựng nơi đây thành nơi ở của thần linh và loài người. Mỗi khi thế giới loài người bị  ác thần đe dọa, thần lại từ trời xuống trần gian dưới hình hài các hóa thân khác nhau giúp loài người… 

Ông Nam cho biết qua tra cứu tư liệu cổ xưa cho thấy thủy thần Masuya là kiếp hóa thân đầu tiên của thần Vishnu. Đây là cổ tượng làm bằng đá đen - loài đá xuất xứ từ Ấn Độ. Khác với người cá, thủy thần trong truyền thuyết phương Tây, thủy  thần Masuya ngồi hình chữ S tóc xõa hai vai, tay phải cầm con ốc thể hiện trí tuệ, tay trái xòe ra thể hiện sự vỗ về, che chở. Theo ông Nam, xưa các thủy thủ, ngư dân khi ra khơi trên thuyền đều đặt tượng thần Masuya với niềm tin được thần trì hộ. Còn tượng thần Vikrama bằng đồng là một trong hóa thân của thần Vishnu, tượng được tạc trong tư  thế vô cùng độc đáo, đầu cắm xuống hai tay nâng linga lên như nâng sự sống trên trái đất. Hai bàn tay xòe ra ôm lấy linga như ngọn lửa bùng cháy thể hiện sự sống mãnh liệt vô tận. Theo ông Nam, thần Vishnu có 10 hóa thân nhưng tìm được trọn bộ cổ tượng này quả là chuyện kỳ công.


Tượng thần Vikrama

Hai cổ tượng hóa thân độc bản tại Việt Nam của thần Vishnu được ông Nam mua lại từ những  người bình dân ở xã  Vọng Thê, Thoại Sơn, An Giang. Năm 2003 và 2007, từ một thông tin mơ hồ có vài hộ dân Vọng Thê  lưu giữ các tượng cổ  Óc Eo, ông Nam lần mò tìm tới. Trải qua bao thất vọng, cuối cùng ông Nam mới thở phào khi mục kiến cổ vật xưa. Nhìn nét chạm trổ, ông biết đó là báu vật nên không ngại ngần giá cả. Ông Nam nói: "Tôi thích các tượng cổ Phù Nam bởi sự bí ẩn của vương quốc này cùng nét độc đáo trong hoa văn chế tác. Như tượng thủy thần, nhìn đường nét chạm trổ tinh kỳ, sắc sảo, xem mãi không chán, còn tượng thần ôm linga  rất quái với tư duy chế tác đầu chúc ngược. Thần voi phong cách sang trọng, nét điêu khắc có thần, linh động, nhìn tượng thần hiền từ nhưng uy nghiêm".

Ông Nam phân trần việc ông thách đố tiền thưởng không phải tự đề cao bản thân mà là thực lòng muốn  mua các tượng trên cho có đôi có cặp để xem cho thỏa chí - điều này bất cứ nhà cổ vật nào cũng có "máu" như thế. Có người hờ hững nhìn cổ tượng của ông Nam như sắt vụn nhưng có người nâng niu xem đó là báu vật trần gian.  Ông Nam nói mỗi cổ tượng bao hàm thông điệp của người xưa về một nền văn hóa ngàn năm đầy bí ẩn. Như tượng thủy thần Masuya mang phong cách Hy Lạp Bắc Ấn chế tác khoảng thế kỷ 1-3. Còn tượng thần Vikrama mang phong cách Swatte Bắc Ấn chế tác muộn hơn ở thế kỷ 7,  tượng thần voi mang phong cách nghệ thuật Srivijaya- Sumatia Indonesia... Điều này minh chứng qua biến thiên lịch sử vương quốc Phù Nam xa xưa chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa trong quá trình giao thoa.

Bài & ảnh: Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.