Mưa ngập lụt bất thường ở Đà Lạt

28/04/2010 23:19 GMT+7

Một cơn mưa lớn kèm sấm sét, lốc xoáy và mưa đá đã gây ngập lụt cục bộ một số địa bàn ở thành phố Đà Lạt.

Chiều 28.4, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Lạt (PCLB&TKCN) vẫn chưa thống kê đầy đủ được thiệt hại do trận mưa lũ chiều 27.4 gây ra. Theo thống kê ban đầu thì các phường 5, 6, 7 và 8 bị thiệt hại nhiều nhất. Hàng chục héc-ta rau hoa và nhiều nhà dân ở các phường trên bị ngập. Vườn hoa Đà Lạt bị ngập hơn 50cm, một số cây xanh trong thành phố bị ngã đổ. Sấm sét còn làm hỏng máy tính, ti vi, tủ lạnh...

Nghiêm trọng nhất là hệ thống cáp điện ngầm 22Kv bị nổ tại 2 điểm ở đầu đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn và Trần Phú (Đà Lạt) khiến việc cung cấp điện cho TP Đà Lạt bị ngưng trệ trong ngày 28.4. Ngành điện lực đang dồn lực lượng để khắc phục sự cố, đến tối 28.4 mới khắc phục được 1 điểm bị đứt cáp. Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Công ty điện lực Lâm Đồng, cho biết ngành sẽ tập trung cán bộ, công nhân sửa chữa điểm còn lại để kịp cung cấp điện ổn định cho Đà Lạt trước ngày 30.4.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Lâm Đồng, trong những ngày lễ 30.4 và 1.5, thời tiết TP Đà Lạt khá tốt, thuận lợi để du khách tham quan nghỉ dưỡng. Từ chiều 2.5 sẽ có mưa nhiều.

Ông Trần Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Lâm Đồng, cho biết: Bình thường từ nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5 ở Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung thường có mưa giông, mưa đá và lốc xoáy, trận mưa lớn chiều 27.4 là do hiện tượng suy yếu áp cao cận nhiệt đới, đúng lúc Đà Lạt đang chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Theo số liệu thống kê nhanh thì từ ngày 1-27.4, lượng mưa trên địa bàn Đà Lạt và huyện Lạc Dương trên 200 mm, cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm, riêng chiều 27.4 tại Đà Lạt là gần 80 mm.

Ngược lại các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng như Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Hoai... lượng mưa lại thấp hơn năm trước từ 20-50 mm. Theo ông Hiền, hiện tượng ngập lụt cục bộ ở Đà Lạt do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tốc độ đô thị hóa khá nhanh trong khi hệ thống thoát nước chưa được quy hoạch đồng bộ. Không loại trừ việc nông dân dựng nhà plastic để canh tác rau, hoa nhiều cũng làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên.

Để phòng chống thiệt hại cho người dân, ngày 28.4 Ban PCLB&TKCN Đà Lạt đã cho chặt hạ một số cây thông trên các đường Đặng Thái Thân, Pasteur, Yersin. Ban cũng đã trình UBND TP Đà Lạt đề nghị cho chặt hạ 68 cây khác có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa tới.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.