SCIC quản lý vốn bằng cách... gửi ngân hàng lấy lãi!

18/12/2009 01:43 GMT+7

Theo báo cáo tài chính năm 2008, tính đến 31.12.2008, tổng tài sản, nguồn vốn của SCIC là 40,718 nghìn tỉ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 27,3 nghìn tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 13,4 nghìn tỉ đồng...

Sử dụng vốn thiếu hiệu quả

Điển hình của việc sử dụng nguồn vốn thiếu hiệu quả của SCIC xảy ra ở Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp T.Ư, quỹ này được Thủ tướng Chính phủ giao SCIC quản lý. Ở thời điểm 31.12.2008, theo tính toán của KTNN, quỹ có số vốn là 26,7 nghìn tỉ đồng, trong khi báo cáo của SCIC chỉ có 25,7 nghìn tỉ đồng.

SCIC đã mang vốn của quỹ này đi gửi tại các ngân hàng thương mại lấy lãi. Số tiền lãi thu được sau đó bị SCIC chủ động tách ra khỏi quỹ. Qua kiểm tra, KTNN đã đưa toàn bộ số tiền lãi ngân hàng bổ sung vào quỹ. Sự điều chỉnh này đã giúp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp T.Ư tăng thêm 1.006 tỉ đồng (trong đó, lãi dự thu 838 tỉ đồng, lãi tiền gửi ngân hàng hạch toán nợ phải trả 167 tỉ đồng), đạt số vốn lên tới 26,762 nghìn tỉ đồng. 

Theo KTNN, việc “gửi ngân hàng lấy lãi” của SCIC “chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của SCIC được Nhà nước giao”. Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: “Việc đem toàn bộ vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp T.Ư giao cho SCIC quản lý gửi vào các ngân hàng thương mại thu lãi hằng tháng làm cho hiệu quả khai khác, sử dụng vốn chưa cao”.

Quản lý yếu kém, lỏng lẻo

Việc quản lý, điều hành tại SCIC bộc lộ nhiều yếu điểm. Báo cáo kết quả giám sát của UB Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra một tồn tại khác của SCIC, đó là việc giao cho SCIC quản lý phần vốn nhà nước tại 892 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ, phân bổ ở nhiều địa phương trong cả nước là chưa phù hợp với nguồn lực và khả năng của SCIC.

KTNN đã kiểm tra, chọn mẫu việc quản lý và hạch toán doanh thu cổ tức tại 55/100 doanh nghiệp nhóm B, qua đó phát hiện việc hạch toán thiếu tại 7 doanh nghiệp 44,6 tỉ đồng.

Đối với công tác tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, việc phân phối tiền thù lao và tiền thưởng của cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT, ban kiểm soát tại doanh nghiệp với tỷ lệ 60% vào quỹ công đoàn, 40% cho người kiêm nhiệm là chưa đủ cơ sở.

Về quản trị điều hành, SCIC chưa thực hiện xây dựng định mức lao động đối với từng loại công việc và chưa có giải trình cụ thể cơ sở xây dựng đơn giá tiền lương. Trong quá trình thực hiện, chỉ tiêu về hệ số cấp bậc và mức lao động định biên có sự thay đổi lớn, vượt quy định nhưng SCIC chưa báo cáo giải trình. SCIC cũng chưa kê khai và nộp kịp thời thuế thu nhập cá nhân...

Lê Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.