Thủ tướng nói về nghi án in tiền polymer

20/11/2009 00:27 GMT+7

Sáng qua, sau khi dành 90 phút đọc 24 trang báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời 11 chất vấn trực tiếp của các đại biểu (ĐB) Quốc hội trong 75 phút. Dù ĐB không trực tiếp hỏi về vụ tiền polymer nhưng Thủ tướng đã chủ động thông báo về vấn đề này.

Nóng bỏng chuyện tham nhũng

ĐB Lê Văn Cuông, Thanh Hóa mở màn: "Tình hình tham nhũng, lãng phí thời gian qua không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ án trọng điểm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử quá chậm và có biểu hiện "đầu voi đuôi chuột". Trong khi đó hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu không quyết liệt như thời gian đầu, nhiều ban chỉ đạo ở địa phương hoạt động còn mờ nhạt, kém hiệu quả gây thất vọng và nghi ngờ trong nhân dân. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp giải quyết?".

Thủ tướng khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu được nhân dân đồng tình. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhận định: "Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp". Theo Thủ tướng, khi xác định vấn đề này Đảng ta cũng đã khẳng định vấn đề tham nhũng chúng ta phải đấu tranh một cách kiên trì, kiên quyết, đồng bộ với các giải pháp từ giáo dục nâng cao đạo đức, trách nhiệm, từ việc hoàn thiện thể chế, từ việc công khai, minh bạch, từ việc kiểm tra, giám sát, từ việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, từ việc từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, công chức... 

Trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhiều trường đại học chưa đạt chuẩn chất lượng mở ra tràn lan là của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Chính chúng tôi đã thấy và đã hành động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

ĐB Lê Văn Cuông tiếp tục chất vấn: Hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang còn hạn chế có liên quan đến công tác tổ chức của ban chỉ đạo này hay không bởi vì Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh "vừa đá bóng vừa thổi còi", như thế có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động hay không?

Thủ tướng thẳng thắn: "Ủy ban nhân dân phải làm theo chức năng, phải làm theo pháp luật, việc như thế nào là đá bóng, như thế nào là thổi còi trong chức năng này có lẽ chúng ta phải trao đổi thêm".

Tiếp mạch về công tác chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn đặt câu hỏi: "Vụ PCI và một số nghi án tương tự trong thời gian vừa qua cho thấy đang lộ diện dần một số biểu hiện mới của tội phạm tham nhũng. Cụ thể là nhận hối lộ của tổ chức cá nhân nước ngoài, hối lộ tổ chức cá nhân nước ngoài, rửa tiền ở nước ngoài. Đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chuẩn bị như thế nào về mặt tư pháp cho hội nhập và sắp tới sẽ áp dụng những biện pháp như thế nào để phòng chống loại tội phạm này?".

Thủ tướng đáp: "Khi được thông tin này chính tôi cũng đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng của chúng ta, rất có trách nhiệm, tìm hiểu vấn đề này, phối hợp với bạn về vấn đề này theo đúng pháp luật của VN".

Thủ tướng cũng chủ động nói về nghi án đưa hối lộ liên quan đến hợp đồng in tiền polymer cho VN: "Báo chí đưa tin về việc có một doanh nghiệp của Úc hối lộ để được in tiền cho VN, một mặt chúng tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng của VN tìm hiểu vấn đề này, nắm tình hình vấn đề này, đi vào kiểm tra vấn đề này, đồng thời một mặt giao cho Bộ Ngoại giao của chúng ta làm việc với cơ quan chức năng bên bạn, bạn cũng trả lời chính thức với ta là: chúng tôi đang điều tra và sẵn sàng khi nào có kết luận chính thức thì mới cung cấp được cho VN".

Đề nghị lập ủy ban điều tra thủy điện xả lũ

ĐB Nguyễn Đình Xuân, Tây Ninh đặt câu hỏi: Về vấn đề thủy điện A Vương và một số công trình thủy điện khác có những cáo buộc hết sức nghiêm túc trên báo chí và có những nhà khoa học đã đồng tình rằng thủy điện có lỗi, nhưng ngành thủy điện và Bộ trưởng Bộ Công thương hôm qua đã nói rằng thủy điện vô tội. Đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến và có nên chăng mở cuộc điều tra rõ ràng để có kết luận thỏa đáng?

Thủ tướng khẳng định chủ trương đầu tư phát triển thủy điện là rất cần thiết. Mỗi công trình thủy điện đều phải đảm bảo phát điện, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và tham gia cắt lũ, giảm lũ, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Về những thiệt hại lớn trong bão lũ vừa qua, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân lớn là do biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thiên tai. Bởi thế, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại quy hoạch, căn cứ trên điều kiện thực tiễn, những thông số mới về khí hậu, thủy văn vừa diễn ra để có điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Nguyễn Đình Xuân tiếp tục: Chúng ta hiện nay có rất nhiều mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Chúng ta vừa muốn giữ rừng để giữ sinh mạng cho đồng bào, chống hạn hán, lũ lụt, chúng ta lại vừa muốn trồng cà phê, cao su, chúng ta lại muốn làm thủy điện và cũng muốn khai thác quặng mỏ. Như vậy thì trong số những mục tiêu mâu thuẫn nhau như thế này thì Thủ tướng sẽ chọn những mục tiêu nào là mục tiêu ưu tiên? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Thủ tướng thì luôn luôn chọn mục tiêu nào có lợi nhất, lợi ích tổng hợp. Về rừng, chúng ta quy hoạch 3 loại rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng kinh tế". Theo Thủ tướng, VN đề ra mục tiêu đến năm 2020, chúng ta có 16 triệu ha rừng (đạt độ che phủ 45%) trong đó rừng phòng hộ khoảng 6 triệu ha, rừng đặc dụng khoảng 2 triệu ha, còn 8 triệu ha là rừng kinh tế. Thủ tướng cho rằng quan trọng là bố trí loại rừng nào, ở đâu để đạt hiệu quả tối đa. Ví dụ, chất đất rừng có thể trồng cây cao su hiệu quả hơn ta nên lựa chọn trồng cao su nhằm đạt hiệu quả kinh tế.

"Chính phủ đúng là cái gì cũng phải đa mục tiêu, một vấn đề có nhiều mối quan hệ nhưng khi lựa chọn phải lựa chọn lợi ích tổng hợp, lợi ích có lợi nhất và hạn chế thấp nhất mặt trái của nó", Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng chưa kỷ luật ai

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết vì sao Thủ tướng chưa thực hiện hết nhiệm vụ quyền hạn được pháp luật giao cho (khi cần thiết) là quyền miễn nhiệm, cách chức một số lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên nhằm tăng cường kỷ cương hành chính? Thủ tướng có gặp khó khăn gì hay Thủ tướng còn ngại xử lý cán bộ lãnh đạo cấp dưới có sai phạm?

Thủ tướng nói: "Về xử lý kỷ luật, trong pháp luật thì Thủ tướng có quyền như thế nhưng xử lý kỷ luật cũng phải theo trình tự quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ của từng sự việc, theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Việc này Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ hết sức cố gắng làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình". Ông tâm sự: "Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng, người có lẽ làm Thủ tướng lâu nhất của đất nước, có lần nói đồng chí chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào từ chủ tịch xã, phường trở lên. Hơn 3 năm nay tôi làm Thủ tướng, tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng".

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.