“Bà đỡ” của sinh viên quốc tế ở Singapore

24/09/2009 17:00 GMT+7

Cảm kích và tri ân gia đình người Mỹ đã đỡ đầu cho mình trong thời gian đi du học, Boey làm tiếp công việc này với những sinh viên quốc tế sang học ở Singapore, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam.

Đại sứ thân thiện với sinh viên

Năm 2005, Nguyễn Xuân Hương Mai sang Singapore học cử nhân ngành xã hội học tại Đại học quốc gia Singapore (NUS) theo học bổng của Bộ Ngoại giao nước này (MFA) dành cho sinh viên các quốc gia Đông Nam Á. Ngày MFA mở tiệc mừng các tân sinh viên, Hương Mai gặp bà Boey Suit Yim, người theo thỏa thuận với MFA sẽ bảo trợ mình trong suốt 4 năm học tại NUS. Nói là theo thỏa thuận, nhưng trên thực tế công việc của bà Boey là hoàn toàn tự nguyện, nhằm “giúp đỡ những sinh viên xa nhà như chính mình từng được một gia đình Mỹ giúp đỡ vậy”, Boey chia sẻ.

Những ngày đầu, Boey đưa Hương Mai đi thăm thú chỗ này chỗ khác, thưởng thức món nọ món kia, hướng dẫn tân sinh viên cách đi lại bằng phương tiện công cộng, chỉ cho những nơi mua sắm, vài mẹo vặt để thích nghi... Có được sự chỉ dẫn tận tình ban đầu của người địa phương, Hương Mai thấy mình mạnh dạn hẳn. Vài ba bữa, Boey điện thoại thăm hỏi chuyện học hành, trường lớp, chuyện ứng xử với thầy cô, bạn bè, chuyện nhớ nhà, nhớ bạn. Thi thoảng, hai người lại hẹn gặp nhau, khi thì tại nhà Boey, khi thì ở ký túc xá, lúc hẹn đi ăn nhà hàng Nhật, đi xem triển lãm, đi mua sắm... Bao giờ Boey cũng giành trả hết chi phí, bởi Boey bảo “sinh viên làm gì có tiền”, Hương Mai kể. Có học kỳ hai bên gặp nhau đến 9-10 lần, nhưng vào những học kỳ bận rộn thì chỉ được 1 lần.

Mỗi dịp lễ lạt, Boey đều tặng quà và mời sinh viên đến nhà dự tiệc, gặp gỡ với người thân, bạn bè cũng như những sinh viên khác mà bà bảo trợ. Đổi lại, mỗi khi hội sinh viên Việt Nam tại NUS tổ chức lễ hay sinh hoạt cộng đồng, Hương Mai lại mời Boey đến dự. Dần dà, mối quan hệ giữa họ trở nên như một tình bạn. Hương Mai có thể kể với bà chuyện tình cảm riêng tư, Boey cũng không ngần ngại chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình.

Boey dạy marketing và quản trị kinh doanh ở trường Cao đẳng Temasek Polytechnic, và kiêm luôn công tác quan hệ quốc tế của trường. Từ năm 2004, Boey đã làm “bà đỡ” cho rất nhiều sinh viên học bổng ASEAN, từ Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, cho đến Pakistan..., trong đó có 4 sinh viên Việt Nam. Những đứa “con” đầu tiên của bà thì học tại trường Temasek từ năm 2000. Bà đi cùng chúng vào trường đại học, tốt nghiệp ra trường, đi làm, lấy vợ lấy chồng...

Bà Tan Jee Chin là đồng nghiệp của Boey ở Temasek Polytechnic, bà Violet Wan có con gái đi du học Mỹ cùng Boey trước đây cũng tham gia công việc này. Họ thường cùng nhau tổ chức tiệc tại nhà người này hoặc người kia, và những đứa “con đỡ đầu” của cả ba người cùng về dự. Anh rể của Boey hồi đầu thấy vậy chỉ lắc đầu “Chi cho mệt vậy!” nhưng dần dà, ông nhận ra niềm vui và sự gắn bó giữa những người tuy không có quan hệ máu mủ ruột rà, nên cũng “xung phong” bảo trợ hai sinh viên Việt Nam.

Con nuôi Út Huệ

Niềm vui của Boey không chỉ là nhìn thấy những đứa “con đỡ đầu” của mình xúng xính áo mũ trong ngày ra trường hay dự đám cưới của chúng, mà còn trở thành người bạn thân thiết của gia đình sinh viên. Mỗi khi ba mẹ cùng anh chị của Chan Myae Lwin, một học sinh Myanmar, sang Singapore thăm cậu, họ đều mời Boey đến chơi, thưởng thức những món ăn do chính tay họ nấu. Từ tháng 6 năm nay, Chan về ở tại nhà Boey luôn. Ngày cậu tốt nghiệp, cả gia đình từ Myanmar kéo sang dự lễ. Căn hộ chung cư vốn chỉ có Boey sinh sống kể từ ngày mẹ qua đời, trở thành một khách sạn mini. Năm ngoái, Boey đi du lịch bên Lào cũng đến ở nhà Khattanam. Cậu này ra trường và đang làm việc ở Singapore. Mỗi khi người nhà sang chơi, cậu lại đưa đến thăm Boey.

Nội ngoại Hương Mai cũng đều đã sang thăm Boey. Ông bà nội Hương Mai nhận Boey làm con nuôi từ năm 2006 và đặt tên Út Huệ. “Út nghĩa là con nhỏ nhất; Huệ là một loài hoa. Ông nội Hương Mai cũng viết tặng tôi một bài thơ về tình yêu và lòng chân thành. Tôi cảm thấy thật sự vinh hạnh được làm con trong gia đình họ”, Boey kể với phóng viên Thanh Niên. Hôm Hương Mai tốt nghiệp, bố mẹ, em gái và hai người em họ cô cũng sang Singapore và ở lại nhà Boey một đêm. “Hôm đó, anh Dũng (ba của Hương Mai) đã trao cho tôi món quà của bố mẹ anh ấy. Đó là 3 bức tượng Phước, Lộc, Thọ. Tôi thật sự xúc động bởi tình yêu và món quà mà ông bà dành cho mình. Anh Dũng cũng chuyển lời mời tôi sang Hà Nội dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới của ông bà”, Boey phấn khích nói về kế hoạch đi dọc Việt Nam đầu năm tới. Điểm đến đầu tiên là gia đình Hương Mai tại TP.HCM, tiếp theo là Nha Trang, Đà Nẵng, rồi Hà Nội đúng dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm đám cưới của bố mẹ nuôi.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.