Dưới cánh máy bay không người lái

30/08/2009 00:31 GMT+7

Trong một căn phòng ở giữa vùng sa mạc miền tây nam nước Mỹ, những quân nhân dán mắt vào màn hình. Họ đang điều khiển một cuộc chiến ở cách xa hàng ngàn dặm.

Lúc bấy giờ là 13 giờ 15 tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, Arizona, một viên phi công và người điều khiển thiết bị cảm ứng đang chăm chú nhìn vào màn hình. Trên đó hiện ra cảnh một góc đường ở Afghanistan do máy ghi hình hồng ngoại gắn trên máy bay không người lái gửi về trực tiếp. Nhóm quân nhân ở Tucson đang dò tìm những kẻ khả nghi cài bom bên vệ đường hoặc những ổ mai phục nào đó ở Afghanistan, nơi lúc ấy đang là ban đêm. Từ độ cao khoảng 5.000 mét, máy ghi hình gắn trên máy bay soi rõ một khúc đường, bất kỳ chuyển động khả nghi nào dưới đất đều không ra khỏi tầm quan sát.

Khoảng cách từ căn cứ

Davis-Monthan tới nơi máy bay hoạt động vào khoảng 14.000 km. Những hình ảnh do máy bay không người lái thu được sẽ truyền cùng lúc tới căn cứ bên trong lòng nước Mỹ hoặc các căn cứ ở Afghanistan và Iraq. Khi có dấu hiệu khả nghi và thấy cần phải tiêu diệt, người ta có thể điều một tốp máy bay chiến đấu tới, nếu mục tiêu lớn và phức tạp. Trong trường hợp mục tiêu nhỏ, thì từ căn cứ ở Mỹ, viên phi công điều khiển máy bay ngồi trước màn hình chỉ cần nhấn nút. Một quả tên lửa AGM-114 Hellfire lao xuống mục tiêu, y như trò chơi điện tử vậy.

Trên đây là cách thức vận hành các máy bay không người lái mà Mỹ đang sử dụng ngày một rộng rãi tại Afghanistan, Iraq và Pakistan do báo New York Times thuật lại.

Sấm sét ở Pakistan

Ngày 1.1.2009, hai viên chỉ huy của al-Qaeda là Usama al-Kini và Sheikh Ahmed Salim Swedan thiệt mạng trong một vụ không kích do máy bay không người lái Mỹ thực hiện ở vùng Nam Waziristan thuộc Pakistan, giáp biên với Afghanistan.

Ngày 23.1, hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đầu tiên do Mỹ thực hiện kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức làm 14 người chết ở Bắc Waziristan.

Ngày 14.2, lễ Tình nhân, máy bay không người lái của Mỹ đã phóng hai phát tên lửa xuống một địa điểm khả nghi gần thị trấn Makeen ở Nam Waziristan. Ít nhất 30 người chết.

Ngày 12.3, 24 người thiệt mạng trong một đợt oanh kích của máy bay không người lái tại thị trấn Berju thuộc vùng thung lũng Kurram, miền tây Pakistan.

Ngày 16.5, vụ oanh kích xuống làng Sarkai Naki thuộc vùng Bắc Waziristan làm 25 người chết.

Ngày 23.6, lại một đợt nã tên lửa xuống thị trấn Makeen, 80 người thiệt mạng, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là Baitullah Mehsud - thủ lĩnh Taliban ở Pakistan - lại thoát chết.

Nhiều người tử vong trong số này đang dự đám tang những người chết trong một trận không kích trước đó.

Ngày 8.7, ít nhất 50 người thiệt mạng khi máy bay không người lái nã tên lửa xuống một căn cứ của Taliban và một đoàn xe ở Nam Waziristan.

Ngày 5.8.2009, tại vùng Nam Waziristan, trong khi Baitullah Mehsud đang nằm điều trị bệnh thận ở nhà bố vợ thì hai quả tên lửa nhào tới. Những tiếng nổ vang lên. Thông tin ban đầu cho hay Mehsud cùng vợ, bố vợ và một số người khác thiệt mạng. Sau đó, hãng tin AP dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Mehsud bị trọng thương. Tới ngày 23.8, thông tin từ chính

Taliban cho hay Mehsud đã chết sau một thời gian chống chọi với vết thương.

Trên đây là một số vụ oanh kích do người Mỹ thực hiện bằng máy bay không người lái bên trong lãnh thổ Pakistan từ đầu năm tới nay và được các hãng tin phương tây như BBC, Reuters, CNN thuật lại. Các thống kê cho thấy số vụ oanh kích kiểu này đang ngày một dày. Mục tiêu của tất cả các vụ tấn công nói trên là al-Qaeda, Taliban và các nhóm vũ trang cực đoan khác. Nhưng khó mà nói được bao nhiêu phần trăm trong số những người thiệt mạng là dân thường, bao nhiều phần trăm là tay súng cực đoan.

MQ-1 Predator
Hãng sản xuất: General Atomics. Dài: 8,22m. Sải cánh: 14,8m. Cao: 2,1m. Trọng lượng không tải: 512 kg. Trọng lượng tối đa khi cất cánh: 1.020 kg. Tốc độ tối đa: 217 km/giờ. Tầm bay: 3.704 km. Trần bay: 7.620m. Vũ khí: 2 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire; 2 tên lửa không đối không AIM-92 Stinger.

MQ-9 Reaper
Hãng sản xuất: General Atomics. Dài: 10,9728m. Sải cánh: 20,1168m. Cao: 3,8m. Trọng lượng không tải: 2.223 kg. Trọng lượng tối đa khi cất cánh: 4.760 kg. Tốc độ tối đa: 482 km/giờ. Tầm bay: 5.926 km. Trần bay: 15 km. Vũ khí: 14 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire; hoặc 2 tên lửa Hellfire + 2 bom GBU-12 Paveway II loại 230 kg.

Cuộc chiến nhẹ tênh...

Tác giả của những màn không kích chớp nhoáng nói trên là máy bay không người lái, chính xác hơn, là những viên phi công ở cách xa mục tiêu hàng ngàn cây số. Mỹ hiện có một số căn cứ không quân chuyên trách điều khiển máy bay không người lái, trong đó có căn cứ Davis-

Monthan như đã đề cập ở đầu bài viết và căn cứ Creech ở Indian Springs, tiểu bang Nevada.

Tại các căn cứ này, từng nhóm phi công và chuyên viên ngồi trước màn hình. Họ điều khiển những nút bấm, cần đẩy, như cách người ta chơi trò chơi điện tử. Thông thường, máy bay không người lái sẽ làm nhiệm vụ quan sát. Sau khi định vị được mục tiêu khả nghi, mệnh lệnh tấn công sẽ được ban ra và chỉ cần một động tác bấm nút đâu đó ở Nevada hoặc Arizona là một cơn bão lửa dội xuống đâu đó ở Afghanistan, Iraq hoặc

Pakistan. Tại các chiến trường Iraq và Afghanistan, đa phần các vụ tấn công đều do máy bay có người lái thực hiện. Báo New York Times dẫn thống kê của quân đội Mỹ cho hay trong số 10.949 vụ không kích tại hai chiến trường trên trong các năm 2007 và 2008, chỉ có 244 vụ do máy bay không người lái đảm trách. Tuy nhiên, máy bay không người lái được ưu tiên ở các khu vực hiểm nguy và nhạy cảm, chẳng hạn tại Pakistan.

Việc Mỹ tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Pakistan là hành động không được thừa nhận công khai. Sử dụng máy bay có người lái, nếu xảy ra trường hợp máy bay bị bắn rơi, phi công bị bắt sống, tình hình sẽ rất phức tạp. Những hệ lụy về ngoại giao và pháp lý rất khó mà hóa giải. Thế nên, sử dụng máy bay không người lái vừa đảm bảo không tổn thất về sinh lực, lại vừa đảm bảo tiêu diệt các mục tiêu một cách nhanh gọn, bí mật, tránh được những rắc rối ngoại giao và pháp lý.

Theo tạp chí Time trong bài Cuộc chiến âm thầm của CIA ở Pakistan, Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay không người lái bên trong không phận quốc gia vùng Nam Á từ năm 2004. Số vụ tấn công tăng theo thời gian. Từ năm 2007 trở về trước, mỗi năm có chưa đầy 10 vụ được ghi nhận. Nhưng trong năm 2008 và tính đến thời điểm này của năm 2009, đã có khoảng 50 vụ được báo cáo.

Trở lại với các vụ không kích do máy bay không người lái thực hiện, có thể thấy người Mỹ đang tiến hành chiến tranh một cách nhẹ nhàng như thế nào. Trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ, có đồ điểm tâm, các phi công quan sát màn hình và khi cần thì nhấn nút. Cách họ hàng ngàn cây số, vài quả tên lửa được phóng ra. Những tiếng nổ kinh thiên động địa. Máu, những cơ thể nát nhừ, tiếng kêu gào, rên rỉ, tất cả những thứ đó đều không hiển hiện trước mặt người vừa nhấn nút khai hỏa. Xong việc, chiến binh có thể đi uống cà phê, ăn bít-tết. Màu đỏ của đĩa tương cà chua trên bàn chẳng mảy may khiến họ liên tưởng tới máu của những kẻ vừa gục xuống sau cú phóng hỏa chết chóc của họ. Những cái mà người ta từng gọi là “hội chứng chiến tranh” sẽ không hiện diện nơi đây. Một cuộc chiến nhẹ nhàng, tất nhiên là với người Mỹ.

...và rẻ

Vào năm 2006, theo New York Times, mỗi ngày người Mỹ thực hiện trung bình 12 chuyến bay do thám bằng máy bay không người lái Predator và Reaper tại Afghanistan và Iraq. Năm nay, mỗi ngày họ thực hiện 34 chuyến bay, mỗi tháng truyền về hình ảnh có tổng thời lượng 16.000 giờ. Tại Pakistan, các chiến dịch bí mật của máy bay không người lái cũng tăng lên theo thời gian.

Thống kê của New York Times còn cho biết, nếu vào năm 2001 quân đội Mỹ chỉ có 167 chiếc không người lái thì hiện họ có tổng cộng 5.500 chiếc, bao gồm các loại siêu hiện đại như Predator, Reaper cũng như các loại “thô sơ” thường được binh sĩ dùng tay phóng lên để do thám các mục tiêu gần.

Xu hướng sử dụng ngày càng nhiều máy bay không người lái của quân đội Mỹ là điều dễ hiểu. Loại máy bay này có thể hoạt động bí mật, ở những khu vực nhạy cảm, hiểm nguy mà không khiến người Mỹ đối mặt với nguy cơ tổn thất về nhân lực. Một trong những lý do quan trọng không kém đó là máy bay có giá rất rẻ, nếu so với chiến đấu cơ có người lái. Một chiếc Predator, theo New York Times, có giá 4,5 triệu USD, một chiếc Reaper có giá chừng 10 triệu USD, trong khi phải mất 350 triệu USD mới mua được một chiếc F-22. Các loại chiến đấu cơ khác như F-15, F-16... thì cũng đã có giá vài chục triệu USD. Đó là chưa kể sinh mạng con người là vô giá.

Nhưng cũng chính việc sử dụng ngày càng nhiều loại vũ khí chết chóc này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, trong hoàn cảnh tỷ lệ bắn nhầm, tỷ lệ dân thường thiệt mạng trong các phi vụ của máy bay không người lái rất cao. Cứ đà này, chiến tranh sẽ đơn giản chỉ là việc ngồi trước màn hình và nhấn nút. Chiến tranh khi đó sẽ càng nhẹ tênh. Mạng người, phía dưới cánh của máy bay không người lái, khi đó cũng nhẹ tênh. Nhẹ và rẻ như những chiếc máy bay không người lái.  

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.