Mô hình nào cho gia đình VN ?

28/06/2009 00:30 GMT+7

Nhân ngày Gia đình VN 28.6, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Mời nghe đọc bài

Tiến sĩ Hồng cho rằng: "Xã hội dù phát triển và hiện đại đến đâu thì gia đình vẫn cứ là giá trị thiêng liêng với mỗi con người. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy thực sự lo lắng là nhu cầu của mỗi người và của gia đình càng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng đang tạo sức ép rất lớn đối với gia đình VN. Kết quả nghiên cứu cho thấy người phụ nữ trong gia đình chính là người phải gánh chịu nặng nề nhất sức ép ấy".

 

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

* Dựa vào những yếu tố nào để bà có thể đưa ra những nhận định như thế?

- Trong phần lớn các gia đình, phụ nữ có thu nhập không kém đàn ông. Trong một số gia đình, phụ nữ thậm chí còn là người tạo ra thu nhập chính. Điều đó giúp củng cố và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Nhưng trong bối cảnh những dịch vụ xã hội như giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã được giao lại cho gia đình hoàn toàn, người phụ nữ bị đặt trong tình thế rất khó khăn, vừa phải làm kinh tế, mặt khác lại phải chịu trách nhiệm về công việc nội trợ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong phần lớn các gia đình, việc nhà hầu hết dồn lên vai người phụ nữ. Từ bao đời nay, họ đã phấn đấu hết sức để xứng đáng với những mỹ từ: “vợ đảm”, “mẹ hiền”... nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ đang phải chịu sức ép triền miên về sức khỏe, thời gian, tâm lý... Gồng lên để cáng đáng gánh nặng của hoạt động kinh tế và việc nhà khiến cho người phụ nữ bị mất đi cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển nhân cách. Thời gian làm việc của người phụ nữ ở nông thôn thậm chí kéo dài 16-18 tiếng/ngày. Trong khi đó, các cuộc điều tra, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy số thời gian mà những người đàn ông trong gia đình dành ra để làm việc nhà chỉ chưa bằng 1/3 so với phụ nữ.

Ở khía cạnh khác, trong một nghiên cứu phối hợp giữa Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) gần đây cho thấy, trong hàng nghìn cuộc gọi vào đường dây tư vấn của CSAGA khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ gọi đến xin tư vấn về các vấn đề bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục cao hơn gấp nhiều lần so với nam giới. Một điều đáng chú ý là những người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng thường là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Trên các diễn đàn chia sẻ mang tính chất đại chúng hoặc cá nhân, ngày càng dễ dàng nhận thấy sự mệt mỏi và căng thẳng của người phụ nữ do họ luôn phải làm việc quá sức mình. Lấy một ví dụ nhỏ, ngày Tết đối với người phụ nữ thậm chí trở thành nỗi sợ khi họ phải lo lắng tất cả mọi thứ. Trong khi, nếu ở đâu đó, người đàn ông phải gánh trách nhiệm lo toan việc nhà, việc ăn học của con cái thì lại trở thành đề tài mới lạ, được mọi người xúm lại ngợi ca. Đó là điều nghe qua tưởng không có gì đáng phàn nàn nhưng thực ra lại hết sức bất công và phi lý.

Trong gia đình hiện đại, quan niệm về người chủ gia đình rất đa dạng: người đàn ông/người chồng; người phụ nữ/người vợ hay cả hai vợ chồng cùng làm chủ tùy thuộc vào phẩm chất năng lực và đóng góp của họ trong gia đình. Nhưng nhìn chung, đàn ông vẫn được coi là chủ gia đình. Theo điều tra quốc gia về gia đình VN công bố năm 2008, đàn ông/người chồng đứng tên trên các giấy tờ sở hữu tài sản lớn của gia đình cao hơn rất nhiều so với phụ nữ/người vợ: có đến 81% người chồng đứng tên nhà ở, đất đai; 76,4% đứng tên sở hữu ô tô. Điều tra cũng cho thấy, còn quan niệm rất rõ về “phân công lao động theo giới”: vẫn còn 80-90% ý kiến cho rằng “Phụ nữ thích hợp hơn với các công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già ốm. Và phần lớn, trong gia đình, người vợ thường chỉ quyết định những công việc nhỏ, liên quan đến những khoản tiền nhỏ”. Tuy nhiên, xu hướng phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào những công việc vốn chỉ được coi là dành cho nam giới cũng đã bắt đầu tăng lên: hơn 60% người được hỏi ý kiến đã cho rằng “Công việc sản xuất kinh doanh là phù hợp với cả nam và nữ”.

Nam Sơn

* Nhưng nhiều người quan niệm phụ nữ lo việc nhà như là một nét truyền thống và nhiều phụ nữ vẫn cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được chăm sóc gia đình?

- Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn nhận: thế nào là truyền thống và thế nào là hiện đại. Truyền thống có phải là cứ khoác cho phụ nữ những mỹ từ đó và họ cứ phải tiếp tục như mẹ, như bà, như cụ... mình, cam chịu hy sinh. Hiện đại có phải là rũ bỏ truyền thống hay không?

Chúng ta hay nói kết hợp truyền thống và hiện đại nhưng kết hợp như thế nào cần phải rõ ràng. Dù giữ vai trò trọng trách gì trong xã hội thì người phụ nữ cũng luôn là người phải biết cách “giữ lửa” trong mỗi gia đình, tuy nhiên không phải bằng cách họ tự tay làm tất cả. Ngọn lửa đó có cháy mãi, có tạo ra được sự ấm áp thân thương hay không cần có sự đóng góp của tất cả mọi thành viên. Ví dụ, bữa cơm gia đình là một nét văn hóa đẹp cần gìn giữ nhưng cũng phải rất thận trọng khi nói tới điều này, bởi lẽ nếu việc nấu cơm, rửa bát chỉ trông vào đôi tay của người phụ nữ thì chẳng còn đẹp nữa vì nó hàm chứa sự ích kỷ và bất công.

* Theo bà, cách chung sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà có phải là tốt nhất để thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình?

- Gia đình VN truyền thống cũng phần lớn chỉ 2 thế hệ chung sống mặc dù mô hình gia đình 3-4 thế hệ vẫn được ngợi ca như một điều lý tưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cởi mở và thực tế hơn thì điều đó sẽ không phải là yếu tố quan trọng. Không nhất thiết phải sống cùng với nhau mới là hiếu thảo hay thực sự mới giữ được tôn ti trật tự. Tôi cho rằng, ý thức trách nhiệm và sự quan tâm đến nhau mới thực sự quan trọng, nếu thiếu những điều này thì dù sống cùng với nhau đầy đủ các thế hệ dưới một mái nhà thậm chí càng khiến cuộc sống nặng nề hơn.

Với sức ép của cuộc sống hiện nay, nếu xã hội có những dịch vụ chăm sóc người già và trẻ em tốt hơn thì không những không làm cho mối quan hệ gia đình bị ảnh hưởng mà ngược lại sẽ giúp cho cả cha mẹ và con cái đều cảm thấy thoải mái, chứ không phải tam tứ đại đồng đường mới là tốt. Xã hội khuyến khích bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng cũng nên tạo ra các loại hình dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các gia đình khác nhau.

Tôn vinh những Đám cưới vàng

Con cháu tham dự Ngày hội gia đình VN và lễ tôn vinh đám cưới vàng cùng cha mẹ - Ảnh: L.T

Xã Cổ Nhuế (Hà Nội) hiện có 40 cặp vợ chồng trên 50 năm và 2 cặp trên 70 năm. Phong trào tôn vinh những Đám cưới vàng ở xã Cổ Nhuế đang được khuyến khích nhân rộng ra nhiều nơi để tôn vinh giá trị văn hóa gia đình người thủ đô, nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hôm qua 27.6, tại Ngày hội gia đình VN với thông điệp "Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa gia đình", 17 cặp vợ chồng trên 50 năm ở Cổ Nhuế đã tham gia lễ mừng đám cưới vàng.

Cụ ông Phạm Quang Quý và cụ bà Trần Thị Dung chung sống với nhau 53 năm. Con của các cụ đều lập gia đình riêng, nghề nghiệp ổn định. Kể chuyện về mối tình của mình với giọng trẻ lại như tuổi đôi mươi, cụ Quý hóm hỉnh: “Khi đó mình 19 tuổi, còn “hắn” 18, ngày nay gọi là tảo hôn”. Lấy nhau rồi chồng đi học và công tác tại Đại học Mỏ địa chất (thời đó đóng tại Thái Nguyên), vợ ở nhà gánh vác việc gia đình, họ chỉ gặp nhau những dịp chồng nghỉ phép. Mãi tới năm 1982, hai cụ mới có dịp đoàn tụ khi về định cư ở xã Cổ Nhuế. “Tình yêu đầy ắp, nhưng là sự vun đắp qua tháng năm”, cụ Dung tâm sự.

Người vợ trở thành trụ cột gia đình trong thời gian chồng vào Nam chiến đấu là trường hợp của cụ Nguyễn Trung Cận và Nguyễn Thị Tân. “Áp tải” hai cụ đến Ngày hội gia đình Việt Nam là 12 con dâu, rể và 20 đứa cháu. Sau khi kết hôn năm 1957, chồng đi bộ đội, còn vợ ở nhà làm nông nghiệp. Hai trong số sáu người con của họ sinh sau năm 1973, khi người chồng dời mảnh đất Quảng Bình ra Bắc. “Dù khi tôi là lính hay sau khi thống nhất đất nước, vợ là người vừa nuôi con, vừa đảm bảo kinh tế cho gia đình”, cụ Cận hãnh diện nói về người bạn đời.

“Cuộc sống vợ chồng không thể thiếu đi tình yêu thương, sự chung thủy. Chung thủy sắt son là truyền thống từ lâu của dân tộc. Sự thông cảm, sẻ chia là những đức tính cần có để cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách”, cụ Hoàng Văn Hiểu, đến dự lễ mừng đám cưới vàng cùng người bạn đời Nghiêm Thị Xạ chung sống 61 năm qua, tâm sự và cho biết dù xã hội nhiều đổi thay nhưng các con cụ luôn thấm nhuần những điều này để gầy dựng gia đình hạnh phúc.

Lê Tùng

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình VN

 

Một gian hàng tại Ngày hội gia đình và tuổi thơ năm 2009 - Ảnh: L.N

Hàng loạt hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình VN 28.6 được tổ chức hôm qua (27.6) tại TP.HCM. Tại Công viên 23.9, Ban tổ chức những ngày lễ lớn của thành phố tổ chức Ngày hội gia đình và tuổi thơ năm 2009, gồm nhiều hoạt động sôi nổi chia làm 6 chủ đề, tạo sân chơi lớn cho các gia đình và trẻ em thành phố, như triển lãm tranh ảnh, hội sách, trò chơi, ẩm thực, tư vấn - giới thiệu sản phẩm và sân khấu ca múa nhạc hoành tráng. Theo ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngày hội gia đình là dịp để cha mẹ, con cái có thể tham gia vào các sinh hoạt trò chơi, thưởng lãm văn hóa ẩm thực, các chương trình văn nghệ mang chủ đề "Thắp sáng ngọn lửa gia đình" qua đó gắn kết và làm ấm thêm tình yêu thương trong mỗi gia đình... Các hoạt động này kéo dài đến hết ngày 28.6.

Lê Nga

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.