Sức hút của sơn mài

10/06/2009 00:10 GMT+7

Triển lãm Hành trình mới: Sơn ta tổng hợp diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97A Phó Đức Chính, từ 6 - 15.6) đang thu hút sự chú ý của công chúng quan tâm đến mỹ thuật.

140 tác phẩm sơn mài của các họa sĩ Đào Minh Tri, Dương Sen, Huỳnh Tuấn Bá, Lý Khắc Nhu, Nguyễn Thân, Trương Lộ, Nguyễn Huy Khôi, Chế Công Lộc, Nguyễn Minh Phương, Lê Kinh Tài, Siu Quý, Trần Văn Hải, Đỗ Minh Hiếu, Phan Đình Phúc tham gia Hành trình mới: Sơn ta tổng hợp. Triển lãm này được ban tổ chức xem như một hoạt động khuếch trương sơn mài.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí của trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây được xem là người có công đưa sơn mài trở thành một ngôn ngữ hội họa độc đáo. Nhưng thời kinh tế thị trường hiện nay, nhiều họa sĩ cảm thấy chùn tay trước sơn mài bởi thời gian vẽ mỗi bức rất lâu, phải mất nhiều tháng. Trong khi vẽ sơn dầu hay những chất liệu khác nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

"Những lần ra nước ngoài triển lãm, chứng kiến tranh sơn mài Việt Nam quyến rũ giới mỹ thuật, trong lòng tôi luôn trào dâng một cảm giác tự hào khó tả. Tôi nghĩ sơn mài là một di sản quốc gia mà ta có thể đem ra để "nói chuyện" với nước ngoài được"

 Họa sĩ Lý Khắc Nhu

Năm ngoái, các họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Đào Minh Tri, Dương Sen, Lý Khắc Nhu... có mang sơn mài sang Đài Loan triển lãm, gây được hiệu ứng tốt đối với giới mỹ thuật bản xứ. Các quốc gia và lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... đều có lịch sử sử dụng chất liệu sơn từ rất lâu đời, nhưng tất cả đều ứng dụng trong đồ mỹ nghệ. Nâng chất liệu sơn lên thành tranh, có thể nói mỹ thuật Việt Nam đóng vai trò tiên phong.

Họa sĩ Lý Khắc Nhu kể sau chuyến triển lãm đó, ông còn tham dự hội nghị thường niên toàn quốc về sơn mài của Trung Quốc, được nói chuyện với các giáo sư Trung Quốc, Nhật Bản... Từ đó ông mới nhận ra rằng các nước khác đang nhìn sơn mài mỹ thuật Việt Nam với một hứng thú đặc biệt. Họ đang tìm những hình thức hội họa vừa mới mẻ, vừa đặc trưng của châu Á, trong đó tranh sơn mài là một khám phá mới. Các sinh viên Trung Quốc, Đài Loan cũng đã bắt đầu sang Việt Nam học làm tranh sơn mài.

Từ năm ngoái, họa sĩ Lý Khắc Nhu đã tập hợp, bỏ tiền đầu tư cho các họa sĩ sáng tác triển lãm tại gallery Kỳ Long của ông tại quận 2, TP.HCM theo phương thức chia đôi. Chất lượng của triển lãm, như sự thừa nhận của họa sĩ Lý Khắc Nhu, mới ở mức thăm dò. Điều đáng ghi nhận ở triển lãm là động thái muốn đánh thức tiềm năng mỹ thuật sơn mài Việt Nam. Trong thời đại "thế giới phẳng", những giá trị văn hóa đặc trưng càng có ý nghĩa đặc biệt để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Thử lấy một ví dụ, những vị khách nước ngoài đến Việt Nam thường được tặng những bức tranh mỹ nghệ rất nhàm chán, đơn điệu, trong khi những bức tranh sơn mài đủ tầm để mang hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới lại bị bỏ quên. Tuy nhiên, những giá trị nghệ thuật của tranh sơn mài hôm nay vẫn cần được các họa sĩ tìm tòi, phát huy hơn nữa. Cũng như nếu không được định hướng tầm cao thì khả năng thương mại hóa làm ảnh hưởng đến những giá trị của nghệ thuật sơn mài là những nguy cơ có thể xảy ra.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.