Thử thách của kinh tế Việt Nam

09/06/2009 01:04 GMT+7

* IMF nhận định tăng trưởng năm 2009 của VN khoảng 3,5% * Những bất lợi khi chậm giải ngân ODA * Không được coi nhẹ nguy cơ tái lạm phát! Kinh tế Việt Nam đứng vững, trong khi kinh tế thế giới suy thoái, nhưng còn nhiều thử thách phía trước. Đó là nhận định chung được đưa ra tại cuộc họp không chính thức của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2009) diễn ra hôm qua 8.6 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Nghe đọc bài

Tại cuộc họp, cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết những khó khăn kinh tế gần đây, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế ở một vị thế cao hơn.

Những đánh giá khả quan

Ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định số liệu kinh tế mới đây cho thấy mặc dù đã bị ảnh hưởng nặng nề song VN đang đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay khá tốt. Dự báo mới đây nhất của IMF là tăng trưởng sẽ chậm lại còn khoảng 3,5% trong 2009, nhưng hoạt động kinh tế sẽ dần hồi phục khi kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục. Theo đại diện IMF, mặc dù mức tăng trưởng này thấp hơn dự báo của Chính phủ VN, song xu hướng này là khá thuận lợi so với nhiều nước khác trong khu vực đã chuyển sang suy thoái mạnh.

 
“Có dấu hiệu cho thấy lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai đang tăng trở lại và chúng tôi ủng hộ cách quản lý chính sách tiền tệ chặt chẽ, chú trọng tới sự ổn định và nỗ lực bình ổn tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” - Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam AYUMI KONISHI

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tại VN, diễn biến kinh tế những tháng đầu 2009 cho thấy sức dẻo dai của nền kinh tế VN. Trong khi người lao động và hộ gia đình chắc chắn đã bị ảnh hưởng, các cân đối vĩ mô của VN về cơ bản là tốt hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Thành tích này đạt được là do các chính sách kích cầu của Chính phủ đồng thời cũng phản ánh các điều kiện ban đầu là vững chắc.

Không được coi nhẹ nguy cơ tái lạm phát

Mặc dù đang có những dấu hiệu tích cực trên quy mô toàn cầu và trong nước, Việt Nam cũng cần thận trọng trước những ý kiến lạc quan cho rằng tình trạng tồi tệ nhất có thể đã qua và sự phục hồi sẽ đến sớm. Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi, sự thận trọng này là cần thiết vì “nguy cơ bị tổn thương đang tăng lên do thâm hụt ngân sách nhiều hơn”.

Trước ý kiến của một số tổ chức lo ngại về khả năng tái lạm phát trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định VN nhận thức rõ cần phải đề phòng nguy cơ này. Theo ông, khả năng dẫn đến tái lạm phát là có thể và VN đang xem xét các chỉ tiêu liên quan như mức tăng tổng giá trị thanh toán, tăng dư nợ tín dụng... Ông Phúc cho biết, dư nợ tín dụng đến tháng 5.2009 này tiếp tục tăng gần 15%. Theo Bộ trưởng Phúc, mức tăng trưởng tín dụng sẽ được khống chế ở mức 27% và tối đa là 30%.

Nhật Bản sẽ công bố gói ODA mới cho Việt Nam

 
Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho biết: "Có thể trong tuần tới chúng tôi sẽ công bố gói ODA tiếp theo mới của Nhật Bản cho VN. Phía Nhật Bản hiện vẫn đang tìm kiếm những dự án mới. Ưu tiên sẽ được dành cho những dự án như xây dựng nhà ga mới tại sân bay quốc tế Nội Bài hoặc một số dự án đường cao tốc. Dự kiến trong tháng 7 chúng tôi sẽ công bố gói ODA tiếp theo dành cho VN. Mức ODA của Nhật Bản dành cho VN trong nửa kỳ sau 2009 sẽ lên tới 830 triệu USD".

Những khuyến nghị từ bên ngoài

IMF ước tính là kế hoạch kích thích kinh tế hiện tại đã trình Quốc hội có khả năng làm tăng nhu cầu tài trợ của Chính phủ lên 12,5% GDP trong năm 2009. Khó có thể tài trợ lớn như vậy mà không làm tăng áp lực lên cán cân thanh toán, đại diện IMF nhận định như thế. Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, IMF khuyến nghị nhu cầu tài trợ cho ngân sách của Chính phủ chỉ nên giới hạn tới mức 8,5% GDP trong 2009.

Theo ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc, điều quan trọng là Chính phủ phải rõ ràng và minh bạch hơn trong sáng kiến chống khủng hoảng liên quan đến các mục tiêu dự định thuộc về chính sách, vấn đề tài chính, các khu vực hưởng lợi và thời gian thực hiện để tránh sử dụng sai các quỹ của các gói kích cầu.

Đại diện của ADB cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh thực hiện các dự án đã được phê duyệt có thể sẽ là một trong những cách thúc đẩy nền kinh tế hiệu quả nhất, nhất là kinh tế nông thôn.

Chậm giải ngân ODA: Bất lợi!

Tốc độ giải ngân vốn ODA thấp đang gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam.

5 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đạt mức tổng vốn ODA được ký khá lớn với hơn 1,46 tỉ USD (cao hơn 9% so với 6 tháng đầu năm 2008). Trong đó, vốn vay đạt 1,48 tỉ USD và viện trợ không hoàn lại đạt 19,45 triệu USD. Các dự án có giá trị lớn được ký thời gian này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước và phát triển đô thị, như dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trị giá 410,20 triệu USD; Thoát nước TP Hà Nội giai đoạn 2 trị giá 299,97 triệu USD; Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngành ngân hàng trị giá 60,83 triệu USD...

“Trong thời gian tới, tôi nghĩ việc các nhà tài trợ có tăng cường vốn cho Việt Nam hay không không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là chúng ta quản lý các dự án như thế nào cho hiệu quả. Đó mới là lâu dài, chứ không phải nhận được bao nhiêu” - Tiến sĩ NGUYỄN QUANG A

Nhìn vào danh mục các dự án, công trình nhận được nguồn vốn ODA ở Việt Nam hầu hết đều phục vụ cho mục đích dân sinh và phát triển đô thị. Thế nhưng, việc giải ngân nguồn vốn này đang rất chậm. 5 tháng đầu năm 2009, giải ngân vốn ODA đạt khoảng 720 triệu USD, bằng 38% kế hoạch năm. Theo đánh giá của WB, các dự án ngành điện được giải ngân khá nhất; các dự án giao thông, nâng cấp đô thị, giáo dục đào tạo có mức giải ngân thấp; còn dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin là... kém nhất.

Bộ Y tế hiện đang “sở hữu” nhiều chương trình, dự án ODA nhất với 61 dự án (9 dự án vốn vay, 46 dự án viện trợ không hoàn lại và 6 dự án hỗn hợp). Theo kế hoạch, năm 2009 Bộ này phải thực hiện 2.626 tỉ đồng vốn ODA, nhưng đến nay chỉ giải ngân được 732 tỉ đồng, bằng 27,9%. Tuy có số dự án ODA ít hơn Bộ Y tế, với 38 dự án, nhưng Bộ Giao thông vận tải trong năm nay phải thực hiện 4.865 tỉ đồng và hiện cũng chỉ giải ngân được 1.848 tỉ đồng (tương ứng 38%). Trong số 38 dự án trên, có đến 27 dự án có mức giải ngân so với kế hoạch năm dưới 20%. Các dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông được giải ngân thấp, tương ứng lần lượt là 32% và 19% so kế hoạch.

 

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới

Tại nhiều địa phương, gánh nặng giải ngân vốn ODA đang đè lên vai lãnh đạo, trong khi người dân thì vật vã chờ đợi các dự án hoàn thành. TP.HCM hiện đang quản lý 20 dự án ODA (3 dự án đã hoàn thành và đang theo dõi trả nợ, 17 dự án đang triển khai). Trong 17 dự án này, 14 dự án có mức giải ngân so với kế hoạch năm dưới 20%. Tình trạng giải ngân vốn ODA thấp cũng xảy ra ở các dự án của TP Hà Nội, TP Hải Phòng... Cá biệt, có nơi như TP Đà Nẵng giải ngân chỉ đạt 6,66% kế hoạch năm; TP Cần Thơ giải ngân 10% kế hoạch.

Giải thích của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các địa phương, cho thấy có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, các nhà tài trợ vốn ODA thì có cái nhìn khác. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tuần trước (chuẩn bị cho Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ đang diễn ra tại Đắk Lắk), các nhà tài trợ đã chỉ ra thực trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần của Việt Nam. Thomas Siebert, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) lý giải những điểm yếu này xuất phát một phần từ quản lý yếu kém và cả tham nhũng.

N.Trần Tâm

Ngọc Quyền - Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.