Nuôi yến trong nhà ở đất Mũi

29/03/2009 22:44 GMT+7

Năm 2004, một đàn yến từ đâu bay về cư ngụ trên tầng nóc của Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu. Chỉ trong một thời gian, đàn yến từ vài chục cá thể đã tăng lên hàng ngàn con.

Sự hiện diện bất ngờ của loài chim quý này khiến nhiều người dân ở Bạc Liêu vô cùng phấn khích. Nhiều người đã đầu tư cải tạo ngôi nhà mình để "rủ" yến đến ở. Ông Bành Văn Đằng (phường 1, thị xã Bạc Liêu) là một trong những người tiên phong và khá thành công trong việc đầu tư nuôi chim yến trong nhà. Đầu năm 2008, ông tận dụng sân thượng của căn nhà đang ở, đầu tư gần 80 triệu đồng mua máy phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương để tạo độ ẩm... Sau một thời gian dẫn dụ, yến bắt đầu về cư ngụ, làm tổ. Hiện đàn yến đã phát triển lên đến gần 2.000 con, làm tổ và cho thu hoạch bước đầu cả trăm tổ yến.

 Hiện ở Bạc Liêu đã có nhiều hộ đầu tư nuôi yến và hầu hết đều thành công bước đầu. Một số trụ sở cơ quan ở Bạc Liêu, như: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm lưu trữ... đã có nhiều đàn chim yến về trú ngụ, làm tổ. Ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) thời gian gần đây cũng xuất hiện ngày càng nhiều hộ dân sử dụng một phần ngôi nhà ở để nuôi yến. Ông Thái Tử Văn là người đầu tiên nuôi yến ở Sông Đốc.

 

Công ty Hải Yến xây dựng nhà nuôi yến - Ảnh: T.T.P

Theo lời ông kể thì sau cơn bão số 5, rất nhiều chim yến không biết từ đâu bay về Sông Đốc, rồi cư ngụ tại nhà kho của một công ty. Sau đó chúng bắt đầu làm tổ, đẻ trứng và sinh sôi nảy nở. Thế là ông Văn và người em trai là Thái Trường Danh tìm tòi học hỏi, tra cứu tài liệu nói về chim yến. Ông bắt đầu tu bổ, thiết kế lại nhà cửa theo đúng quy cách và phù hợp với tập tính sinh hoạt của yến, rồi ra tận Nha Trang (Khánh Hòa) tìm đến những nhà nuôi yến để học cách dẫn dụ và giữ chân chim yến lâu dài để khai thác. Hiện đàn yến của ông Văn và người em đã phát triển lên đến hàng ngàn con.   

Yến sinh sống tại Bạc Liêu, Cà Mau làm tổ không khác gì yến sống trên các hốc đá ven biển. Tổ do nước bọt của chúng tiết ra rồi kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò, gọi là yến sào. Ông Đằng cho biết, theo kinh nghiệm nuôi yến các nơi, cứ 1.000 con yến có thể làm 400 tổ/mùa, mỗi tổ được 10g yến sào. Giá yến sào hiện nay khoảng từ 30 - 40 triệu đồng/kg.

Thấy lợi nhuận cao và điều kiện nuôi yến ở đây khá tốt nên năm 2007, một Việt kiều ở Malaysia là ông Quách Văn Tòng đã về Bạc Liêu thành lập Công ty Hải Yến, hoạt động trong lĩnh vực nuôi chim yến trong nhà, chế biến và kinh doanh yến sào, kết hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí và du lịch.

Theo ông Tòng, với điều kiện thiên nhiên thuận lợi như hiện nay, trong tương lai không xa, ở Bạc Liêu và Cà Mau "nhà nhà đều có thể nuôi yến". Còn theo ông Bành Văn Đằng: "Chim yến đã trú ngụ tốt trên môi trường Bạc Liêu - Cà Mau. Nếu được Nhà nước quan tâm, chắc chắn nghề nuôi chim yến sẽ phát triển mạnh, mở ra hướng đi mới và sự đa dạng cho nền nông nghiệp và du lịch của địa phương".

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.