Bệnh nhân trẻ loạn thần vì rượu gia tăng

21/03/2009 10:29 GMT+7

Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội thời gian qua, lượng bệnh nhân trẻ mắc bệnh loạn thần do rượu phải nhập viện đang có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa H - khoa Loạn thần do các chất gây nghiện - cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua bệnh nhân tâm thần phải nhập viện do rượu quá đông khiến BV trở nên quá tải.

Khoa có 59 giường bệnh thì có tới 40 giường bệnh là dành cho các bệnh nhân loạn thần vì rượu.

Bị tâm thần vì uống rượu

Thông thường, những bệnh nhân tâm thần vì rượu phổ biến ở lứa tuổi 45- 50, tuy nhiên hiện nay các bệnh nhân trẻ có chiều hướng tăng lên. Tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng theo ước tính tỉ lệ bệnh nhân trẻ tuổi chiếm khoảng 40% các ca loạn thần do rượu.

Trung bình, phải mất khoảng 10 năm sau khi nghiện rượu các bệnh nhân mới thấy xuất hiện các hiện tượng của chứng loạn thần, cho nên những bệnh nhân ở độ tuổi dưới 35 được coi là trẻ. Bác sĩ Tuấn cho biết, nghiện rượu không chỉ xuất hiện ở những người lao động, có trình độ thấp mà ngày càng phổ biến trong giới trí thức và những bạn trẻ.

Cuộc sống hiện đại đã khiến cho những người trẻ tuổi ngày càng trở nên thoải mái hơn trong việc sử dụng bia rượu làm thú tiêu khiển hàng ngày. Và đây chính là lý do làm tăng cao các ca rối loạn tâm thần ở giới trẻ phải nhập viện điều trị.

Theo điều tra sơ bộ của BV Tâm thần Hà Nội, tỉ lệ lạm dụng rượu trong cộng đồng hiện đã ở mức báo động, chiếm hơn 10% dân số trưởng thành (trên 15 tuổi), trong đó tỉ lệ nghiện rượu (không uống không chịu được) chiếm khoảng 3% dân số.

Thân tàn ma dại vì rượu

Rượu không chỉ gây ra những tổn thương hầu hết các cơ quan nội tạng trong cơ thể như gan, dạ dày... mà còn để lại những hậu quả nặng nề trên não như rối loạn tâm thần, suy đồi về nhân cách... khiến cho con người mất khả năng lao động và học tập vốn có.

PGS-TS Cao Tiến Đức, BV Quân y 103 - cho biết: Rối loạn tâm thần do rượu thường gặp là sảng rượu, hoang tưởng, ảo giác... Và tỉ lệ tử vong ở sảng rượu lên tới 30% số trường hợp mắc bệnh. Tỉ lệ tự sát ở người nghiện rượu cao thứ ba sau bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm.

Bác sĩ Đức cho biết, BV 103 đã từng tiếp nhận 2 bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi, nhưng có "thâm niên" nghiện rượu 10 năm. Hai bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng bị rối loạn tâm thần, kèm theo bị tổn thương nặng các cơ quan nội tạng. Trong quá trình điều trị sảng rượu, cả hai đã bị tử vong.

Các rối loạn tâm thần thường xuất hiện đột ngột sau khi uống rượu nhiều, hoặc người nghiện rượu mà không uống rượu. Biểu hiện thường gặp là mất ngủ, nói nhảm, lo âu, sợ hãi, kích động, ảo giác,hoang tưởng, có những hành vi nguy hiểm mà không ý thức được.

Các bạn trẻ có thể tự do thể hiện bản thân, nhưng đừng bao giờ vì ham vui mà không kiềm chế được bản thân để rồi chuốc lấy bệnh tật vào mình.

Theo Duy Mến (Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.