Bắc Ireland trước nguy cơ xung đột mới

09/03/2009 22:22 GMT+7

Vụ một doanh trại quân đội Anh ở Bắc Ireland bị tấn công hồi cuối tuần qua đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bạo lực bùng phát trở lại ở xứ sương mù.

Vụ tấn công vào doanh trại quân đội Anh đã xảy ra tối 7.3 tại phía tây bắc Belfast, thủ phủ Bắc Ireland khi các binh sĩ ở đây đang nhận bánh pizza đặt mua từ một cửa hàng ở hạt Antrim. Theo BBC, khi hai xe chở bánh pizza đến doanh trại Massereene thì bốn binh sĩ ở đây đã ra cổng chính để nhận bánh. Liền sau đó, hai tay súng từ một chiếc xe hơi đậu gần đó đã nã súng liên hồi vào họ làm hai binh sĩ thiệt mạng và bốn người khác bị thương nặng, trong đó có cả hai nhân viên giao bánh. Dường như chưa tin tưởng lắm vào một loạt đạn được bắn ra ban đầu, các tay súng tiếp tục tiến đến gần nạn nhân, khi đó đã ngã gục xuống đất và lạnh lùng xả súng tiếp. Hai lính Anh bị sát hại nói trên thuộc nhóm sắp được điều tới Afghanistan. BBC cho biết hai chiếc xe giao bánh dính đầy đạn vẫn còn ở hiện trường trong khi một chiếc xe Vauxhall Cavalier, được xem là của các tay súng, đã được phát hiện ở đường Ranaghan gần thị trấn Randalstown, cách không xa nơi xảy ra vụ tấn công. Đây là vụ gây thương vong lớn nhất cho quân đội Anh ở Bắc Ireland kể từ sau vụ một lính Anh bị bắn chết hồi năm 1997. Vụ việc này đã làm tăng những lo ngại về nguy cơ bạo lực bùng phát trở lại ở Bắc Ireland.

Real IRA

Một ngày sau vụ tấn công Massereene, nhóm Real IRA (tạm dịch: Quân đội Cộng hòa Ireland Đích thực) đã đứng ra nhận trách nhiệm, theo hãng tin AFP. Real IRA là nhóm tách ra từ tổ chức bán quân sự Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). AFP cho hay một người đàn ông tự nhận là thành viên Real IRA đã gọi điện tới tòa soạn Báo Sunday Tribune của Ireland nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Suzanne Breen, phóng viên Báo Sunday Tribune, thừa nhận bà đã nhận một cuộc điện thoại vào tối 8.3 từ một người đàn ông và người này tuyên bố không xin lỗi vì đã tấn công vào các binh sĩ. "Một người đàn ông cho hay ông ta là đại diện của Lữ đoàn Nam Antrim thuộc Real IRA và đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công kể trên", Đài BBC dẫn lời bà Breen. Theo AFP, hiện cảnh sát Bắc Ireland đang khẩn trương truy lùng ba người liên quan đến vụ tấn công, bao gồm hai tay súng và một tài xế đã chạy trốn.

Tổ chức Real IRA đã tách ra từ IRA hồi năm 1997 để phản đối vai trò của Sinn Fein, cánh chính trị của IRA, trong tiến trình khôi phục hòa bình ở Bắc Ireland. Nhóm này từng gây ra vụ tấn công đẫm máu nhất tại thị trấn Omagh thuộc hạt Tyrone ở Bắc Ireland vào năm 1998 làm 29 người thiệt mạng. Real IRA cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm đối với nhiều vụ tấn công khác tại các thành phố lớn của Anh là London và Birmingham.

Đe dọa tiến trình hòa bình

Vụ tấn công mới đây đã làm tăng những lo ngại nguy cơ bạo lực có thể bùng phát trở lại ở Bắc Ireland, làm đe dọa tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland. "Những kẻ chịu trách nhiệm vụ tấn công tối qua (7.3) rõ ràng muốn khởi động lại cuộc chiến tranh (cuộc xung đột kéo dài 3 thập niên ở Bắc Ireland)", quan chức Martin McGuinness của Sinn Fein nói. Chủ tịch Sinn Fein là Gerry Adams đã mô tả vụ sát hại trên là một cuộc tấn công vào tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland và khẳng định việc làm này là sai trái. Và theo AFP, giới chức của tất cả các đảng chính ở Bắc Ireland đều cam kết vụ tấn công vào doanh trại Massereene sẽ không làm lung lay hệ thống chính trị ở đây. Bắc Ireland là một khu vực thuộc Vương quốc Anh (tên đầy đủ là Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) và hiện được điều hành bởi một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa hai đảng chính của người Tin lành và Thiên Chúa giáo. Ông Martin McGuinness tuyên bố những ngày xung đột trước đây "có thể sẽ không bao giờ trở lại nữa", theo AFP. Còn nhà lãnh đạo Peter Robinson của đảng Hợp nhất Dân chủ Tin lành cũng cho biết thêm những kẻ giết người không "có viễn cảnh thành công trong chiến dịch của mình". "Không có kẻ giết người nào có thể phá vỡ tiến trình hòa bình (ở Bắc Ireland)", Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng đã lên tiếng cam kết.

Mặc dù các nhân vật chủ chốt của các đảng chính ở Bắc Ireland đều cam kết sẽ không để cho tiến trình hòa bình ở đây bị lung lay song nhiều người vẫn lo ngại vụ việc trên có thể sẽ châm ngòi cho một làn sóng bạo động mới. Bằng chứng là thời gian gần đây, nhiều kẻ chống đối đã thực hiện ít nhất bốn vụ tấn công bằng súng và bom nhằm vào quan chức cảnh sát ở nhiều nơi tại Bắc Ireland, theo Báo Telegraph.

Bắc Ireland đã rơi vào cuộc xung đột kéo dài 30 năm giữa những người theo đạo Tin lành, vốn ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập vào Anh, với những người Thiên Chúa giáo muốn Bắc Ireland hợp nhất với nước Cộng hòa Ireland. Cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và đã chấm dứt sau khi hai bên ký Thỏa thuận Belfast (hay còn gọi Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành) năm 1998.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.