Giá nước sạch TP.HCM: tính đúng, tính đủ để… tăng giá!

06/09/2007 15:19 GMT+7

(TNO) Ngày 6.9, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội thảo về giá thành nước sạch trên địa bàn TPHCM. Theo ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM: “ Phải điều chỉnh tăng giá nước, không thể để như cũ. Tăng giá nước là cần thiết, nhưng phải tăng như thế nào đó là điều người dân quan tâm. Phải tính toán giá nước trên cơ sở phù hợp với mức sống của người dân đặc biệt là người nghèo có thu nhập trung bình và thấp…”

Tăng giá để tránh bù lỗ nhiều? 

Theo ông Lý Chung Dân, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, trong suốt thời gian dài, giá tiêu thụ nước sạch bị chi phối quá lớn bởi các yếu tố xã hội, công ích, ít quan tâm đến ảnh hưởng của nó đối với đơn vị hoạt động cấp nước trong việc bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là sau khi cổ phần hoá, bảo đảm tích luỹ để đầu tư. Giá tiêu thụ nước sạch hiện tại đối với số đông khách hàng sử dụng nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt chỉ mới bằng 60% giá bán bình quân. Đơn vị cấp nước phải áp dụng cơ chế bù chéo giá nước giữa các đối tượng sử dụng nước (sinh hoạt và không sinh hoạt), áp dụng định mức và vượt định mức… tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc này không đảm bảo được nhu cầu tái đầu tư sản xuất, mở rộng nâng cấp…Chính điều này khiến Sawaco không đảm bảo được tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phần lớn còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp phát, khoản vay ưu đãi. Theo đó, trong năm 2006, nếu vốn tự có của công ty là 472.791 triệu đồng, vốn ngân sách phải bỏ thêm 28.667 triệu đồng và phải vay thêm vốn nước ngoài 44.902 triệu đồng để phục vụ nhu cầu nước cho người dân TP.


Người dân Nhà Bè chưa có hệ thống cấp nước phải mua nước sạch từ các xe bồn - Ảnh: Ngọc Hậu

Cũng theo ông Dân, vấn đề giá nước sạch cần thiết được xem xét giải quyết lại để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, phấn đấu giảm chi phí, giảm thất thoát nước, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm nước.

Ông Bùi Sĩ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cũng cho biết, Sawaco tính đúng tính đủ chi phí nhằm đảm bảo có lợi nhuận tích luỹ và phát triển…

Vẫn chưa thống nhất cách áp giá

 Sawaco đưa ra 2 phương án tính tiền nước là tính theo hộ (có hỗ trợ hộ nghèo) và tính theo định mức. Đối với cách tính theo hộ thì giá nước hỗ trợ cho đối tượng sinh hoạt là hộ nghèo 4.000 đồng/m3(trong định mức 20m3); sinh hoạt 6.000 đồng/m3; và giá bán cho các đối tượng không sinh hoạt từ 6.700 đồng đến 11.400 đồng/m3. Đối với cách tính theo định mức, hộ sử dụng dưới 10m3 sẽ tính giá 3.600 đồng/m3; trên 10m3 bị tính giá 6.500 đồng/m3; và giá bán cho các đối tượng không sinh hoạt giá từ 7.200 đồng đến 13.400 đồng/m3.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM đồng tình với cách tăng giá. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có lộ trình tăng giá một cách hợp lý. Theo ông Hoàng, định mức 4m3 nước/người tháng là mức tiết kiệm tối thiểu nếu thay đổi thì ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Nếu mức 10m3/hộ/tháng như cách tính của Sawaco là không hợp lý. Cần thiết, Sawaco nên chăng tính đến quản lý chặt chẽ nguồn nước ngầm, các cơ sở khai thác nước ngầm đóng chai… có thể lấy nguồn thu này để bù vào giá thành nước. Theo ông Hoàng, Sawaco không phải lo về việc cấp bù, vì quy định địa phương sẽ bù vời tiền nước hỗ trợ giá cho sinh hoạt và người nghèo.

Đại diện MTTQVN Q.3 đồng tình với cách tăng giá của Sawaco, tuy nhiên, theo bà, hiện, mức 4m3/người/tháng là đã quá tiết kiệm. Trung bình, một gia đình 4 người mà Sawaco đưa ra định mức là 10m3 thì sẽ xáo trộn cuộc sống của người dân. Hơn thế, giá nước hiện tại là 2.900 đồng tăng lên 3.600 đồng/m3 đã vấp phản ứng của người dân rồi.

Đừng biến thành độc quyền!

Sau khi tán thành chủ trương tăng giá nước sạch của Sawaco, ông Đinh Phong, Hội nhà báo TP.HCM đưa ra điển hình của sự phục vụ độc quyền trong phục vụ dân của ngành cấp nước. “Tại sao có chuyện xả nước đục vào đường nước sinh hoạt nhà tôi… Thu nước, ghi nước, người dân nợ tiền thì cơ quan cấp nước khoá nước đi. Tại sao nhân viên không sửa đựơc, đến khi áp lực tăng, nước tràn cả nhà hư máy bơm…Đừng để cấp nước sạch biến thành độc quyền để rồi không quan tâm đến đời sống nhân dân”.

Theo một đại biểu HĐND TP trên địa bàn quận Gò Vấp, Sawaco bảo 90% người dân được cung cấp nước sạch là không đúng. Hiện ở Q.Gò Vấp chỉ mới có vài tuyến đường chính nhưng Nguyễn Kiệm và Quang Trung còn hầu hết đều không có nước máy. Người muốn sử dụng nước sạch lại phải đến công ty để đăng ký. Tại sao Sawaco không để sẳn có hồ sơ chuyển tổ dân phố để người dân đến đăng ký cho dễ dàng…


Trong khi nước sạch vẫn còn đang thiếu thì tình trạng thất thoát nước vẫn đang diễn ra hằng ngày trên địa bàn TP. Đường ống cấp nước trên đường Cách Mạng Tháng 8 bị vỡ, nước tràn lan trên đường - Ảnh: Ngọc Hậu

Đại diện UBMTTQVN huyện Hóc Môn cũng bức xúc: “Không hiểu cách làm của Sawaco như thế nào, đơn vị này đã bảo rút gọn thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn 7 ngày, thế nhưng, cơ quan chúng tôi đăng ký mắc đồng hồ nước đến nay 2 tháng vẫn chưa được”.

Đại diện UBMTTQVN Q.3 cho biết, Sawaco bán nước sạch nhưng phục vụ nhân dân không kịp thời. Khi sử dụng nước sạch, có chổ bị nước đục, nước dơ nhưng người dân vẫn bị tính tiền. Cũng vậy, đại diện người dân Q.10, một cán bộ MTTQVN Q.Bình Thạnh cho rằng đường ống nước ở khu vực Sở Thùng, P.11 quá cũ, áp lực nước quá yếu nên có hộ dân phải thức sáng đêm để hứng 1 thau nước để nấu ăn. Hơn thế, nhân viên cấp nước Sawaco còn bất cập trong việc thay lắp đồng hồ nước mới, có nhà đoạn đường đập dời nhà vào xong, xin 2 tháng mới được thay dời đồng hồ nước. Thế nhưng, đến khi thay xong chỉ vài ngày sau có cán bộ đến thay tiếp đồng hồ nước mới.

Tiếp thu nhưng ý kiến này, ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Sawaco xin lỗi khách hàng đã bị phiền hà và hứa sẽ yêu cầu các chi nhánh cấp nước ghi nhận phản ánh của khách hàng không để tái diễn các trường hợp trên. Ông Phú cho biết, Sawaco không phải bảo vệ giá nước được điều chỉnh tăng lên mà tính toán để không dựa vào cơ chế xin cho ngân sách của TP. Sawaco quan tâm đến việc điều chỉnh giá nước nhưng ngành cấp nước cũng sẽ nâng cao chất lượng phục vụ. Sawaco sẽ xây dựng một lộ trình tăng giá nước phù hợp với mức chi trả của bình quân thu nhập một người.

Ông Lê Hiếu Đằng cũng yêu cầu Sawaco điều chỉnh giá nước tăng hợp lý để sớm trình UBND TP trong thời gian tới.

Ngọc Hậu

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.