Khi Thủ tướng đối thoại với dân

08/02/2007 23:45 GMT+7

Lần đầu tiên một trong những người lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - trả lời trực tuyến những câu hỏi của mọi người dân Việt Nam. Lần đầu tiên đã có hàng chục nghìn câu hỏi được gửi qua đường internet đến Thủ tướng.

Tôi cảm thấy có hai nỗi vui trong sự kiện này: một là, khi dân đặt câu hỏi với Thủ tướng nghĩa là dân đã rất trăn trở, rất suy nghĩ và cũng rất bức xúc mới đặt. Và cũng vì dân còn tin vào người lãnh đạo của mình, của đất nước mình mới gửi. Và khi Thủ tướng chấp nhận trả lời những câu hỏi của dân, là Thủ tướng đã muốn trực tiếp hiểu rộng hơn và sâu hơn những nguyện vọng, những khát khao, những hy vọng và cả những thất vọng của dân. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ có những tổng kết những đặt định và cả những quyết sách vì dân và cho dân, cũng là vì nước và cho đất nước trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này của lịch sử dân tộc. Hai là, tôi thấy rất vui vì nhân dân ta bây giờ đã sử dụng rộng rãi một phương tiện thông tin hữu hiệu nhất, lợi hại nhất, cần thiết nhất là internet. Có thể nói không quá rằng dân chủ bắt đầu bằng quyền nhận thông tin và được thông tin. Độ trung thực và phổ rộng của thông tin đo được mức độ của dân chủ trong một quốc gia. Khi người dân gửi được những thông tin những suy nghĩ gan ruột của mình về vận mệnh đất nước cho người đứng đầu Chính phủ, thì hiển nhiên kênh đối thoại đã được thiết lập. Cái được khi mở kênh đối thoại ấy là cái được từ cả hai phía, và cuối cùng, là cái được của dân tộc, của đất nước. Không phải trong lịch sử chúng ta chưa từng có những trường hợp nhân dân đối thoại với người lãnh đạo tối cao. Hội nghị Diên Hồng ở thời nhà Trần là một ví dụ đẹp và sinh động về việc Vua muốn nghe tiếng nói của quốc dân để đề ra quyết sách: nên hòa hay nên chiến trước quân xâm lược nhà Nguyên. Bây giờ, sau ngót 800 năm, không phải một "hội nghị" mà một cuộc đối thoại trực tuyến qua internet - điều ngày xưa chưa thể có - đang diễn ra giữa hàng chục vạn người dân Việt với Thủ tướng của nước mình. Internet đã làm được điều kỳ diệu là khiến Thủ tướng như đang trò chuyện trực tiếp với từng người dân đặt câu hỏi. Tất cả diễn ra công khai, cởi mở, thân mật, với độ tin cậy cao đặt vào cách hỏi và cách trả lời của những người đối thoại. Trong khoảng thời gian hạn hẹp, có thể nói Thủ tướng khó lòng trả lời hết, trả lời một cách rốt ráo tất cả các câu hỏi. Nhưng với cách làm việc khoa học, với một hệ thống giúp việc tốt, Thủ tướng có thể phân loại tất cả những câu hỏi thành những nhóm câu hỏi, những vấn đề "nóng" và những câu hỏi cần được ưu tiên trả lời. Đúng như tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nói, toàn bộ hàng chục nghìn câu hỏi được gửi tới Thủ tướng là cả một vốn quý, một hồ sơ quan trọng cần được phân loại và phân tích một cách khách quan, khoa học. Chính hồ sơ này sẽ giúp cho những người lãnh đạo hiểu được nhân dân của mình. Mà chỉ có thực hiểu lòng dân thì mới làm được những điều tốt đẹp cho dân, và mới tìm được tiếng nói chung với nhân dân trong mọi quyết sách lớn của đất nước. Đó cũng chính là chìa khóa của thành công. Trong lịch sử không hiếm những người lãnh đạo đất nước rất tài năng nhưng chỉ vì không thực hiểu lòng dân mà cuối cùng phải thất bại. Hồ Quí Ly là một ví dụ. Tôi không nghĩ chỉ qua một lần đối thoại trực tuyến với dân mà Thủ tướng có thể trả lời mọi câu hỏi bức xúc của dân hay giải quyết được mọi vấn đề được đặt ra từ những câu hỏi ấy. Đây chỉ là mở đầu cho một hoạt động thường xuyên hằng ngày hằng tháng hằng năm của Thủ tướng: đối thoại với nhân dân. Nhưng phải có cuộc đối thoại mở đầu này, phải có những câu trả lời trực tiếp đầu tiên này, mà mọi cuộc đối thoại tiếp theo mới được mở ra, mới dần hoàn thiện.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.