Đa số các nước đều ủng hộ Việt Nam tham gia HĐBA LHQ

09/01/2006 23:51 GMT+7

Tuần qua, VN đã chính thức thông báo sẽ ra ứng cử chiếc ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) khóa 2008 - 2009. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Trưởng phái đoàn VN tại LHQ Lê Lương Minh từ trụ sở của tổ chức này tại New York.

* Thưa ông, vừa qua  VN đã chính thức tuyên bố ứng cử làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Ông có thể cho biết thêm về quyết định này?

- Chủ trương ứng cử chiếc ghế không thường trực HĐBA LHQ của chúng ta có từ năm 1997. Vừa qua, chúng ta đã chính thức có công hàm gửi tất cả các nước trong Đại hội đồng LHQ về việc ra ứng cử chính thức chiếc ghế thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009.

* Để trở thành thành viên không chính thức của HĐBA, chúng ta sẽ phải làm những gì, thưa ông ? 

- Nếu chúng ta trở thành thành viên không thường trực, nhiệm kỳ của chúng ta sẽ bắt đầu từ tháng 1/2008 - 12/2009. Dự kiến trong kỳ họp của Đại hội đồng khóa 62, tức là vào khoảng tháng 12/2007 sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu từ 191 thành viên Đại hội đồng để chúng ta trở thành thành viên, nếu đạt được số phiếu 2/3 thì chúng ta sẽ chính thức trở thành thành viên.

Hiện nay, chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho quá trình này. Đang có đề án thay đổi về nhân sự và bộ máy để đáp ứng cho các hoạt động của phái đoàn VN tại LHQ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước với nhau và trong nước với cơ quan đại diện tại LHQ. Bởi vì khi HĐBA họp theo đặc thù là không theo một chương trình có sẵn, có bất cứ tình hình nào khẩn cấp và đặc biệt là có thể nhóm họp ngay, bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả nửa đêm. Vì vậy, đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ và có những quyết định nhanh chóng, ví dụ như có một cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết quan trọng về tình hình khẩn cấp tại một điểm nóng nào đó trên thế giới. Nếu không có cơ chế ra quyết định nhanh thì sẽ gặp khó khăn, ngược lại nếu bên ngoài không báo cáo về kịp thời và chính xác tình hình thì cũng khó đưa ra một quyết định đúng đắn thích hợp.

* Tình hình sau khi chúng ta chính thức tuyên bố ứng cử chiếc ghế này như thế nào, thưa ông ?

Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, VN đã và đang chủ động tham gia và đóng góp nhiều vào các hoạt động của LHQ. VN sẽ kề vai chia sẻ trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế của LHQ. VN đang chuẩn bị để khi đủ điều kiện sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng)

- Trong HĐBA có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực luân phiên 2 năm một lần, mỗi một năm lại bầu 5 thành viên mới, chia theo tỷ lệ cho các khu vực trên thế giới, và không được ứng cử lại ngay lập tức.

Cho đến nay, chúng ta là ứng cử viên duy nhất đại diện cho châu Á ứng cử vào nhiệm kỳ tới. Hiện nay, châu Á đang có 2 đại diện tại HĐBA LHQ là Nhật Bản và Qatar thay Philippines vừa hết nhiệm kỳ. Không loại trừ vào phút chót sẽ có thêm các ứng cử viên khác tại châu Á, nếu như vậy cũng phải bỏ phiếu nhưng sẽ khó khăn hơn. Sau khi chúng ta tiếp xúc vận động và gửi công hàm, tình hình rất thuận lợi, phần lớn các nước cam kết sẽ ủng hộ VN. Theo tôi, đánh giá về khả năng VN trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ là khả quan. 

* Khi trở thành thành viên không chính thức của HĐBA, chúng ta cũng phải tham gia lực lượng gìn giữ hòa  bình LHQ ?

- Khi một nước muốn trở thành thành viên không thường trực HĐBA, tức là muốn đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động duy trì và gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Đương nhiên khi tham gia thì vai trò của VN sẽ lớn hơn, đóng góp sẽ nhiều hơn. Hiện nay, phần lớn các thành viên không thường trực của HĐBA đều tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình. LHQ đã mời chúng ta tham gia từ mấy năm nay rồi, hiện nay cũng có nhiều địa bàn họ đang thiếu lực lượng. Đối với VN, đây là hoạt động mới mẻ cần tìm hiểu thêm, trong những năm qua cả trong và ngoài nước cũng đã có nghiên cứu về vấn đề này. Nếu tham gia thì mình có nhiều lợi ích. Về mặt chính trị, mình có trách nhiệm hơn với cộng đồng quốc tế, nhất là trong công việc quan trọng nhất của LHQ là gìn giữ hòa bình an ninh quốc tế. Thứ hai là các binh sĩ của chúng ta làm quen với mảng công việc mới trong lĩnh vực quân sự. Thứ ba là nếu tham gia về kinh tế sẽ không thiệt thòi, các chi phí sẽ do LHQ trang trải. Còn về khả năng thì lĩnh vực này tuy mới nhưng chúng ta có thể tham gia được. Thủ tướng chúng ta cũng tuyên bố: chúng ta sẵn sàng tham gia khi điều kiện cho phép vào thời gian thích hợp.

Xuân Danh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.