Mì Quảng

19/12/2005 21:44 GMT+7

Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng". Mì Quảng là món ăn bình dân, mộc mạc, vì thế cách chế biến cũng khá đơn giản. Gạo ngon sau khi đem ngâm, xay thật mịn rồi tráng để có những lá mì mềm mướt, trắng nõn. Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử chín lên lá mì, gấp lại rồi xắt thành từng cọng như cọng phở. Vậy là xong bước chuẩn bị mì.

Rau ăn mì khá phong phú, thường là rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm... Nước nhưng (nước lèo) thì tùy gia chủ giàu hay nghèo, giàu thì làm tôm thịt, gà, cua, cá... nghèo thì vài con cá nục cũng có thể nấu được tô nước nhưng thơm ngon.

Ăn mì Quảng mà thiếu bánh tráng nướng giòn là giảm đi ý vị. Có người cứ để nguyên nửa cái bánh tráng rồi cắn một miếng, lùa một đũa mì. Có người bóp bánh nhỏ ra, dùng đũa trộn đều, thêm tí ớt là vừa ăn vừa hít hà. Khác với ăn phở hay ăn bún bò, ăn mì Quảng phải ăn nhanh và càng đông người ăn càng ngon miệng, cách ăn ấy bộc lộ một phần cá tính của người Quảng là bình dị và có tính cộng đồng cao.

Nếu ở Quảng Nam, TP Đà Nẵng cọng mì thường màu trắng thì ở Quảng Ngãi, người ta thường thêm vào mì ít nghệ nên mì có màu vàng trông cũng khá hấp dẫn.

Ăn mì Quảng thì mỗi nơi mỗi khác, khác là khác ở rau và nước nhưng, ở Quảng Nam tại vùng Điện Bàn, Núi Thành thì thường có mì nước nhưng tôm, vùng Túy Loan thuộc huyện Hòa Vang có món mì gà, vùng Ái Nghĩa (Đại Lộc), Tiên Phước thì có món mì cá lóc, cá nục... Vì thế có nhiều vị khách sau khi ăn tô mì lại thốt lên sao ăn mì Quảng chỗ này thấy ngon, sao chỗ kia thấy lạ, chỗ nọ thấy kỳ kỳ, và đó cũng là cái thú vị khi thưởng thức món mì Quảng trên khắp xứ Quảng.

Nếu ở TP.HCM, bạn có thể thưởng thức hương vị của món mì Quảng tại khu Bàu Cát, quận Tân Bình hay tại các quán ăn miền Trung.

Đan Huyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.