Dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nghiêm cấm sử dụng ngân sách để tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành

04/08/2005 00:17 GMT+7

Chiều qua 3.8, các đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách bắt đầu thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều vấn đề lớn trong số 26 vấn đề được các đại biểu QH quan tâm tại kỳ họp thứ 7. Ngay phạm vi điều chỉnh của dự luật cũng được sửa đổi: thời gian lao động cũng được coi là một đối tượng phải tiết kiệm và chống lãng phí.

 

Rất nhiều ý kiến đại biểu QH cho rằng cấm hẳn việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành các công trình xây dựng là không khả thi và không phù hợp với tập quán Á Đông. Tuy nhiên vì các buổi lễ như vậy là sự phô trương, lãng phí tiền ngân sách ghê gớm nên Ủy ban Thường vụ QH ủng hộ quy định nghiêm cấm sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước để tổ chức các buổi lễ kể trên, trừ các công trình trọng điểm quốc gia và công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị của địa phương. Đa số đại biểu QH chuyên trách ủng hộ quan điểm này cũng như đồng tình với việc siết chặt định mức chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, lễ kỷ niệm...

 

Trong phiên thảo luận hôm qua, các đại biểu QH chuyên trách không những không đồng ý bỏ quy định về quản lý, sử dụng hoa hồng trong mua sắm của dự thảo mà còn đòi hỏi phải quy định chặt chẽ, chi tiết hơn. Đại biểu Hà Đức Lệnh (Bắc Kạn) nói: "Không minh bạch các khoản hoa hồng mua sắm chính là nội dung gây mất đoàn kết nội bộ ở nhiều đơn vị. Ai cũng biết, nếu mua một chiếc ô tô 500 triệu đồng sẽ được trích hoa hồng 20-30 triệu, đa phần bỏ túi riêng, thành ra ai cũng thích đi mua sắm công cả". Ông đồng ý việc các khoản hoa hồng phải được kê khai, nộp lại cơ quan để quản lý và sử dụng chung.

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu chuyên trách đã kết thúc phần thảo luận về dự án Luật Chống tham nhũng. Trả lời đề nghị của nhiều đại biểu về việc phải tăng thêm quyền lực cho Ban Chỉ đạo chống tham nhũng (trực tiếp điều tra và xử lý), Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu nói rằng nhất thiết sẽ phải có cơ quan là Ban Chỉ đạo chống tham nhũng do Chủ tịch nước đứng đầu (khác với dự thảo là do Thủ tướng đứng đầu) nhưng cơ quan này chỉ chỉ đạo chung chứ không làm thay các cơ quan bảo vệ pháp luật.

 

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.