Báo động giấy phép lái ô tô khách giả

27/06/2005 21:51 GMT+7

Thời gian gần đây, hàng loạt giấy phép lái xe (GPLX) giả của tài xế chạy xe khách đường dài đã bị phát hiện. Sự kiện này đang khiến dư luận giật mình đặt câu hỏi: Có bao nhiêu tài xế chưa qua một lớp đào tạo lái xe nào đang nắm giữ sinh mạng của hành khách trên các nẻo đường xuyên Việt?

Bằng hai bánh "lên đời"

Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2004 TP.HCM phát hiện có 67 trường hợp sử dụng GPLX bất hợp pháp, trong đó 80% là GPLX ô tô (C, D, E) được "lên đời" từ GPLX hai bánh. Mới đây, Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTCC đã tiến hành xác minh hàng loạt GPLX của công an các địa phương gửi đến. Kết quả cho thấy hầu hết là GPLX giả. Điển hình từ ngày 13 - 21/6, Sở GTCC đã xác minh có đến 6 GPLX giả do Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện. Đáng chú ý là trường hợp do Công an tỉnh Ninh Thuận phát hiện. Đương sự tên Nguyễn Văn Bản (53 tuổi, quê ở Thừa Thiên - Huế) có 2 GPLX, đã "lên đời" GPLX hai bánh (do Sở GTCC TP.HCM cấp) thành GPLX ô tô khách trên 30 chỗ ngồi. Sau khi kiểm tra, ngày 22/6, Sở GTCC đã xác định GPLX trên thuộc hạng A1, cấp cho Nguyễn Văn Sanh (43 tuổi, cũng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông Bản đã thú nhận mua GPLX giả trên với giá 2 triệu đồng.  Ông Dương Tự Lực - Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTCC TP.HCM bức xúc: "Tôi chỉ được phép ký GPLX hai bánh nhưng GPLX ô tô khách trên 30 chỗ ngồi do Công an tỉnh Ninh Thuận phát hiện lại có chữ ký của tôi !".

Mua bằng giả để "vô tư" phạm luật

Kiểm tra GPLX tài xế xe buýt

Ông Dương Hồng Thanh - Phó giám đốc Sở GTCC TP.HCM cho biết: "Qua công tác xác minh GPLX do công an các tỉnh, thành chuyển đến, Sở đã phát hiện nhiều GPLX bất hợp pháp, trong đó có cả trường hợp GPLX giả. Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách cũng như người đi đường, Sở quyết định đồng loạt kiểm tra GPLX của tài xế xe buýt. Nếu phát hiện, Sở sẽ xử lý nghiêm đối với các lái xe sử dụng GPLX bất hợp pháp".

Theo một cán bộ của Sở GTCC, ở một số địa phương thời gian tổ chức đăng ký thi GPLX ô tô có thể kéo dài cả năm (từ ngày nộp đơn cho đến ngày thi) cho nên cánh tài xế đổ về TP.HCM mua GPLX giả.  Ông Nguyễn Trọng Mạnh - Tổ trưởng Tổ làm GPLX cho biết: "Hầu hết GPLX giả đều được các tài xế mua với giá từ 2 triệu đồng trở lên. Công nghệ làm giả GPLX khá tinh vi: dùng máy xóa điện hoặc hóa chất để tẩy xóa, sau đó đưa lên máy vi tính xử lý...". Ông Mạnh cho biết thêm, có trường hợp GPLX sai rất cơ bản. Ví dụ: GPLX của ông Lý Châu (43 tuổi, ngụ ở Q.10) do Sở GTCC cấp ngày 21/8/1997 và hết hạn ngày 14/8/2000 nhưng sau đó GPLX này được cạo sửa ngày tháng "biến" thành GPLX được cấp vào năm 2003 và đến ngày 14/8/2006 mới hết hạn. Chữ ký của ông Võ Hoàng Tách - nguyên Phó giám đốc Sở GTCC và chữ ký nháy của ông Nguyễn Văn Phú - nguyên Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX vẫn còn y nguyên trong GPLX năm 2003, trong khi ông Tách và ông Phú đã nghỉ hưu từ năm 2002 !

Nói về nạn sử dụng GPLX bất hợp pháp, một cán bộ của Sở GTCC cho biết, không loại trừ đó là cách đối phó với CSGT của các tài xế. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp tài xế có 2 GPLX, trong đó có một GPLX giả và 1 GPLX thật. Khi bị CSGT thổi phạt thì tài xế đưa GPLX giả cho CSGT bấm lỗ. Mới đây, một tài xế nhặt được GPLX của ông Nguyễn Văn Long (ngụ ở Q.Gò Vấp), sau đó về thay hình ảnh rồi "vô tư" vi phạm và bị CSGT bấm 3 lỗ. Khi ông Long đến Sở GTCC xin cấp phó bản (vì bị mất) mới té ngửa ra rằng GPLX của mình đã bị CSGT bấm đến 3 lỗ...

GPLX của ông Long đã được thay ảnh khác, ảnh bên trái là của ông Long.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Cục phó Cục Đường bộ:

"Có hẳn đường dây tiêu thụ GPLX giả"

Ảnh: X.T

Trao đổi với  PV Thanh Niên xung quanh việc xuất hiện giấy phép lái xe (GPLX) ô tô giả, ông Nguyễn Văn Quyền - Cục phó Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (ảnh) cho biết:

- Không phải đến bây giờ mà lâu nay chúng tôi đã biết tình trạng giấy phép lái xe giả lưu hành là có thật. Có hẳn những đường dây sản xuất và tiêu thụ loại GPLX giả. Không chỉ được sản xuất ở trong nước, GPLX giả còn được sản xuất từ Trung Quốc rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Gần đây công an cũng đã điều tra phát hiện và xử lý một số trường hợp ở TP.HCM, Bắc Ninh, Tiền Giang.

* Biết, nhưng vì sao chưa có biện pháp ngăn chặn, thưa ông ?

- Theo tôi việc chấm dứt hẳn tình trạng sử dụng GPLX ô tô giả là rất khó, chúng ta chỉ có thể hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng này, và một mình Cục Đường bộ cũng không làm được, cần phải có sự phối hợp của các cơ quan khác. Chúng tôi là người cấp bằng nhưng để phát hiện được GPLX giả thì phải qua tuần tra kiểm soát công an mới phát hiện được. Từ trước đến nay khi phát hiện ra chúng ta mới tập trung vào việc xử lý người sản xuất chứ chưa xử lý đúng mức người dùng. Với xe mô tô thì người dân có thể do cả tin bị lừa mua phải bằng giả, nhưng với ô tô thì tất cả những trường hợp sử dụng GPLX giả họ đều biết. Biết mà vẫn vi phạm tức là coi thường pháp luật. Việc này cũng phải xử lý nghiêm mới có tính giáo dục.

Về phần mình, chúng tôi đang triển khai đề án nghiên cứu thay đổi mẫu GPLX. GPLX mới sẽ có tính bảo mật cao hơn. Việc này đã được Cục Đường bộ làm thí điểm và sẽ trình Bộ Giao thông vận tải trong thời gian tới.

* Có nghĩa là tất cả các GPLX ô tô sẽ phải đổi ?

- Nếu được Bộ đồng ý thì chúng tôi sẽ tiến hành đổi mẫu mới cho những trường hợp nào đã đến hạn (3 năm hoặc 5 năm), các trường hợp còn hạn trên một năm thì chưa tính đến. Dựa trên giá thành của mẫu GPLX mới, chúng tôi sẽ trình Bộ Tài chính mức phí đổi GPLX.

*  Có ý kiến cho rằng thủ tục học và thi lấy GPLX quá rườm rà khiến người dân tìm đến giấy phép giả ?

- Việc làm này rất nguy hiểm, nó không chỉ liên quan đến tính mạng của người điều khiển phương tiện mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác tham gia giao thông. Chúng ta không thể cùng một lúc đáp ứng được mọi nhu cầu, nhu cầu học lái xe có lúc tăng, lúc giảm theo thời điểm. Đông thì phải đợi chứ không được làm bừa. Biết sai mà vẫn làm tức là coi thường luật pháp. Những vi phạm này đều phải xử lý hình sự.

* Còn những trường hợp giấy phép thật nhưng học giả thì sao ?

- Thời gian gần đây Cục Đường bộ thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở đào tạo lái xe nhưng chưa phát hiện được trường hợp nào không học mà được cấp GPLX. Với quy trình hiện nay thì tôi tin rằng không có hiện tượng không học mà vẫn được cấp GPLX. Tất cả các trường hợp học lái xe đều được quản lý từ đầu vào. Sau khi hoàn thành khóa học, thí sinh phải qua kiểm tra và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Có chứng chỉ đào tạo nghề, thí sinh đó mới được đứng trong danh sách những người thi sát hạch.

Xuân Toàn
(thực hiện)

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.