Nhân tình hình điện hiện nay - nghĩ về vài khía cạnh của công nghiệp hóa nước ta

24/05/2005 23:04 GMT+7

Cụm điện Phú Mỹ, đặt tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa khánh thành 5 nhà máy - một số nhà máy đã hoạt động vài năm trước đây nhưng nay mới thành một cụm liên hoàn, bổ sung cho nhau, mà nhiên liệu là khí, nhất là khí đồng hành các mỏ dầu bấy lâu bị lãng phí. Tổng công suất của 5 nhà máy hiện nay đã gần gấp đôi công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tự nó đã gánh đến 30% sản lượng điện của cả nước.

Ai có đi qua vùng Phú Mỹ đều dễ nhận thấy một nguồn năng lượng lớn như thế mà các nhà máy chỉ chiếm một diện tích đất đai xây dựng tương đối hẹp, dĩ nhiên hẹp hơn rất nhiều so với một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ và so với những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hay dầu.

Tiến độ xây dựng cụm điện Phú Mỹ nhanh hơn tiến độ của các nhà máy thủy điện, điều này thật rõ ràng. Chúng ta không coi nhẹ thủy điện, song với khả năng cung cấp khí từ lòng đất, lòng biển của nước ta, đã cho phép mở thêm một hướng phát triển năng lượng quan trọng. Tuy nhiên, khí không là vô tận. Tiềm năng khí của ta khá lớn song vẫn không thể gánh vác đơn độc "thức ăn" cho điện quốc gia. Chắc chắn cần tính các nguồn điện khác nữa, như điện mặt trời, gió, v.v..., đa dạng hóa nguồn năng lượng vẫn cần được nghiên cứu thấu đáo - một ngành khoa học đáng đầu tư đúng mức.

Điện sử dụng nguyên liệu khí vốn được nhiều nước khai thác từ lâu, ta mới áp dụng gần đây. Do hoàn cảnh lịch sử, hàm lượng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong nền kinh tế đất nước nói chung còn thấp. Song, khi Việt Nam bắt đầu chiến lược đổi mới toàn diện, đã ngấp nghé 20 năm, còn hoàn cảnh cho phép triển khai khoa học kỹ thuật và công nghệ một cách tương đối toàn diện - tôi nói từ khi chiến cuộc Campuchia kết thúc - cũng đã 15 năm. Như vậy, sự trễ tràng có lẽ không là tất yếu nữa. Tôi nhớ, khi Nhà nước ta quyết định xây dựng đường dây 500 KV thành mạch máu chuyển và phân phối năng lượng cho cả nước, không phải ai cũng tán thành. Nhưng bây giờ, có người lại muốn làm thêm nhiều đường dây 500 KV nữa bởi hiệu quả nhãn tiền của nó. Nghiêm khắc mà xét, từ ngày chúng ta thu hồi trọn vẹn chủ quyền quốc gia sau đại thắng 30/4/1975, bước đi hình thành cơ sở kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế đầy gập ghềnh, do có phần khó khăn khách quan, nhưng chủ yếu do quan điểm bảo thủ cùng trình độ khoa học thấp của chúng ta. Lực lượng sản xuất chỉ mới được xem như là ưu tiên hàng đầu vào thời gian sau này, trong khi nhiều năm trước đó, quan hệ sản xuất là định chuẩn để xét sự chuyển động quốc gia. Hẳn là sự công bằng về mặt xã hội luôn nằm trong cương lĩnh của chế độ chúng ta, song công bằng xã hội chỉ có thể thực thi đúng nghĩa trên cơ sở một lực lượng sản xuất mạnh.

Chúng ta nói đến việc "đi tắt, đón đầu", vậy "đi tắt, đón đầu" bằng cái gì? Khoa học kỹ thuật và công nghệ thì thiên hình vạn trạng, hàng trăm cách để ứng dụng vì mỗi quốc gia có đặc thù về lịch sử, về tiềm lực, về địa lý. Trong khi đó, cái khoa học bao quát nhất chính là khoa học quản lý đất nước. Cũng con người đó, con người Việt Nam, như ông Trương Trọng Thi (vừa qua đời), được giới khoa học châu u cho là cha đẻ của vi tính - ông mang quốc tịch Pháp - những người như ông chắc không ít ở Việt Nam. Quản lý xã hội là quản lý những lực lượng tiềm ẩn, "bấm nút" bật dậy cho đúng nơi, đúng người cần bật dậy.
Tôi vừa đi xem triển lãm quốc tế lần thứ 15 ở khu Giảng Võ, Hà Nội và tôi sửng sốt trước xe tải nhẹ 1,5 tấn của một xí nghiệp Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc) giá chưa tới 150 triệu đồng. Tôi thầm nghĩ chiếc xe ấy mà sản xuất ở Việt Nam, thì chi phí lao động, nhất là quản lý, có thể vượt hơn giá bán, chưa tính nguyên liệu. Công nghiệp ô tô Trung Quốc tiến vọt trong thời gian gần đây, họ xông vào những "dinh lũy" sản xuất ô tô của thế giới, kể cả của Tây u, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Cạnh tranh, đúng rồi, song vai trò của công nghệ và của quản lý rất quyết định - quyết định chuyện "đi tắt, đón đầu".

Để khái niệm "đi tắt, đón đầu" không trong lời văn mà trên thực tế, chúng ta buộc phải nhìn lại bản thân trong phát huy tiềm lực tại chỗ, vận dụng tối đa trí tuệ của con người Việt Nam. Nếu không khắc phục những nhược điểm về tư duy quản lý và đào tạo, chúng ta sẽ rất khó có một nền kinh tế tri thức và "đi tắt, đón đầu" sẽ thuộc diện... "đố vui"!

5/2005
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.