Một án lệ nhân văn về chấm dứt việc nuôi con nuôi

07/03/2023 17:47 GMT+7

Án lệ số 61/2023 do TAND tối cao công bố được đánh giá là mang tính nhân văn, mở ra hướng giải quyết cho tình huống bị "bỏ sót" trong việc chấm dứt nuôi con nuôi.

TAND tối cao mới đây công bố 7 án lệ mới. Trong số này, có án lệ 61/2023 về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên.

Chấm dứt nuôi con nuôi ngay khi chưa thành niên

Nội dung vụ án cho thấy, năm 1999, ông Tuấn và bà Quỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi) kết hôn, có 2 người con chung. Đến năm 2015, vợ chồng em trai ruột của bà Quỳnh do khó khăn về kinh tế nên đồng ý để một người con của mình (khi ấy cháu 2 tuổi) làm con nuôi của vợ chồng bà Quỳnh.

Vợ chồng bà sau đó đến UBND xã làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi; đồng thời thay đổi họ của cháu từ Nguyễn sang Trần (theo họ chồng bà Quỳnh).

1 án lệ nhân văn về chấm dứt việc nuôi con nuôi - Ảnh 1.

TAND tối cao công bố án lệ số 61/2023 về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên

ẢNH MINH HỌA

Quá trình nuôi dưỡng, cháu bé được hai vợ chồng chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Tuy nhiên, hiện nay cháu bé (chưa đủ 18 tuổi) có nguyện vọng được về sống cùng cha mẹ ruột, vợ chồng bà Quỳnh có đơn đề nghị tòa án tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Tại bản tự khai, vợ chồng em trai bà Quỳnh xác nhận từng đồng ý để một người con của mình làm con nuôi vợ chồng chị gái. Nay, cháu bé muốn trở về sống với cha mẹ ruột nên anh chị đồng ý nhận lại con.

Tương tự, cháu bé trình bày sau khi được vợ chồng bà Quỳnh nhận làm con nuôi đã được nuôi dạy tốt, hiện học lớp 10. Quá trình sinh sống, cháu vẫn giữ liên lạc với cha mẹ ruột. Hiện cháu đã lớn, mỗi lần về nhà thấy có đông anh chị em ruột nên thấy vui, muốn được về sống cùng.

Sau khi ghi nhận ý kiến các bên, TAND H.Trảng Bom (Đồng Nai) nhận định, việc vợ chồng bà Quỳnh nhận nuôi con nuôi là hợp pháp, đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Đến nay, con nuôi của ông bà có mong muốn về ở với cha mẹ ruột để có điều kiện chăm sóc và hỗ trợ các em ăn học và được cha mẹ ruột của cháu đồng ý. Việc vợ chồng bà Quỳnh làm đơn đề nghị chấm dứt nuôi con nuôi là tự nguyện và phù hợp với quy định.

Từ những căn cứ trên, tòa án quyết định tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa vợ chồng bà Quỳnh với "cháu bé" nay đã lớn. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật.

Bổ sung cho sự "bỏ sót"

Theo tìm hiểu, án lệ 61/2023 do GS - TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ, trực tiếp đề xuất. Ông đánh giá đây là một án lệ mang tính nhân văn, mở ra một hướng giải quyết mới trong việc nuôi con nuôi.

1 án lệ nhân văn về chấm dứt việc nuôi con nuôi - Ảnh 2.

GS - TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ, người đề xuất án lệ số 61/2023

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM

Điều 25 luật Nuôi con nuôi nêu 4 trường hợp có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi: con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; con nuôi bị kết án vì xâm phạm tính mạng hoặc ngược đãi cha mẹ nuôi; cha mẹ nuôi bị kết án vì xâm phạm tính mạng hoặc ngược đãi con nuôi; vi phạm các hành vi bị cấm khi nhận con nuôi.

Đối chiếu quy định trên, GS - TS Đỗ Văn Đại cho rằng pháp luật đã "bỏ sót" tình huống con nuôi chưa thành niên nhưng cha mẹ nuôi muốn chấm dứt việc nuôi con nuôi, bản thân con nuôi muốn về với cha mẹ đẻ và cha mẹ đẻ đồng ý nhận lại con.

Ông dẫn chứng, thực tế có rất nhiều trường hợp sau khi nhận con nuôi thì đứa trẻ không thể hòa hợp với gia đình mới, khi ấy cả cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ đều muốn để đứa trẻ quay lại gia đình cũ, nhưng luật lại không quy định.

"Vì luật không quy định nên sẽ phải đợi đứa trẻ đến tuổi thành niên thì mới có thể chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi. Nhưng nếu vậy thì cuộc sống của đứa trẻ sẽ không trọn vẹn, bấp bênh. Về mặt pháp luật, cháu đã là con của cha mẹ nuôi, nhưng trên thực tế, cháu vẫn quay lại sống với cha mẹ đẻ. Cách tốt nhất là chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi. Mà để làm vậy thì cần có một căn cứ pháp lý cho tòa áp dụng, tốt nhất là bằng một án lệ", GS - TS Đỗ Văn Đại nói.

Với án lệ số 61/2023 được thông qua, ông Đại nhận định sẽ giúp bổ sung cho sự "bỏ sót" vừa nêu. Tới đây, thẩm phán khi giải quyết các tình huống tương tự đã có thể áp dụng để tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, ông Đại cũng lưu ý rằng để áp dụng án lệ này thì phải có 3 điều kiện cần và đủ. Thứ nhất, cha mẹ nuôi đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi. Thứ hai, bản thân con nuôi đồng ý về với cha mẹ ruột. Thứ ba, cha mẹ ruột đồng ý nhận lại con.

Nếu thiếu một trong 3 điều kiện trên, án lệ không thể áp dụng, việc chấm dứt nuôi con nuôi lại phải thực hiện theo quy định tại điều 25 luật Nuôi con nuôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.