Mập mờ trong đăng kiểm tàu cá ở Phú Yên

02/10/2015 08:59 GMT+7

Một số ngư dân ở P.6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) bức xúc vì nhận thấy có sự mập mờ trong việc đăng kiểm tàu cá.

Một số ngư dân ở P.6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) bức xúc vì nhận thấy có sự mập mờ trong việc đăng kiểm tàu cá.

Trên máy tàu cá của ông Trần Kim Hoa ký hiệu ghi rõ là máy Cummins KTA19G4 có công suất 750 CV nhưng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên chứng nhận là máy tàu N14-435E có công suất 435 CV - Ảnh: Đức HuyTrên máy tàu cá của ông Trần Kim Hoa ký hiệu ghi rõ là máy Cummins KTA19G4 có công suất 750 CV nhưng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên chứng nhận là máy tàu N14-435E có công suất 435 CV - Ảnh: Đức Huy
Ông Trần Kim Hoa cùng ông Trần Phược, Nguyễn Văn Tiến đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên nhờ can thiệp giải quyết. Ông Hoa cho biết, ông vừa đóng mới tàu cá với vốn tự có của gia đình. Để đảm bảo trong việc đăng kiểm, ông đã làm tất cả thủ tục và ký hợp đồng thuê Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) Phú Yên giám sát quá trình đóng tàu.
“Hồ sơ thiết kế là loại máy Cummins KTA19G4 có công suất 750 CV. Tôi cũng đã hỏi thăm ngư dân đã mua loại máy này trước đó và cũng đã hỏi ý kiến của ông Võ Văn Thu, Trưởng phòng Đăng kiểm của Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên. Việc mua máy này cũng đã báo với Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên để cử kiểm định viên đến giám sát”, ông Hoa trình bày.
Theo ông Hoa, tất cả giấy tờ từ thiết kế, phê duyệt hồ sơ hoàn công, đến biên bản kiểm định kỹ thuật lần đầu đều xác định máy lắp đặt trên tàu cá của ông có công suất 750 CV. Thế nhưng, khi Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá thì công suất chỉ còn 435 CV. Ông Hoa ngạc nhiên: “Cùng một loại máy như nhau, nhưng vì sao Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên lại chứng nhận công suất máy của tàu cá của tôi chỉ còn 435 CV, trong khi là loại máy đó của tàu cá ngư dân khác lại công nhận 750 CV? Bên cạnh đó, trên máy ghi rõ là loại máy tàu Cummins KTA19G4, nhưng đăng kiểm lại ghi máy tàu N14-435E. Việc đăng kiểm này ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi”.
Trả lời thắc mắc của ngư dân, ông Đào Quang Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên cho rằng, việc đăng kiểm viên Võ Văn Thu lập biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu ghi ký hiệu máy tàu cá của ông Hoa và 2 ngư dân khác là ghi theo ký hiệu trên máy. Nhưng quyết định sau cùng vẫn là lãnh đạo Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên, vì khi kiểm tra lại thì thấy máy này không phải là loại máy Cummins KTA19G4 đã ghi trên máy, mà thực chất là máy N14-435E.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với ngư dân, nhưng do tâm linh họ không đồng ý tháo máy để kiểm tra. Vì để ngư dân sớm đưa tàu cá hoạt động, chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo kiểm tra của Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên là loại máy tàu có công suất 435 CV. Nếu ngư dân cùng chúng tôi đến cơ sở mà họ đã mua máy, kiểm tra máy loại máy tàu này tại cơ sở, đúng là công suất 750 CV thì chúng tôi điều chỉnh lại”, ông Quang nói.
Không đồng tình với cách trả lời của ông Quang, ngư dân Trần Kim Hoa đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vì sao cũng loại máy tàu nhưng Chi cục KT-BVNLTS Phú Yên lại có 2 kết quả đăng kiểm trái ngược nhau.
Thiếu vốn đối ứng đóng tàu mới
Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vừa làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, UBND tỉnh này đã duyệt 18 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, 1 chủ tàu cải hoán và 9 chủ tàu vay vốn lưu động với tổng số tiền hơn 166 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có Ngân hàng BIDV Phú Yên ký 5 hợp đồng tín dụng với hơn 49 tỉ đồng. Qua khảo sát, ngư dân phản ánh là việc vay vốn theo Nghị định 67 bị khó từ ngân hàng. Theo ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, vướng mắc trong việc cho vay theo Nghị định 67 là ngư dân thiếu vốn đối ứng. Ông Trúc phân tích: “Việc vay vốn đối ứng đóng tàu mới là ngư dân thế chấp tài sản để vay. Tài sản này phải sinh lãi, chứ nếu không sinh lãi thì ngân hàng không cho vay. Chúng ta bế tắc tại đây”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.