Long đong đời du mục

12/09/2012 10:02 GMT+7

Nay triền đồi, mai góc núi; khi cắm trại trên những đồng cỏ mênh mông, lúc di chuyển đàn gia súc hàng chục cây số để tìm kiếm thức ăn. Cuộc sống lang bạt của dân du mục ở vùng đất Ninh Thuận ngày nối ngày như vậy

Đầu tháng 9-2012, những cơn mưa đã trải dài ở các tỉnh phía Nam nhưng trên vùng cát nóng Ninh Thuận, nắng vẫn như đổ lửa. Trong gió bụi oi bức, chúng tôi theo chân anh em Thành Văn Kiểm - Thành Văn Hóa về Phước Ninh, một xã vùng xa của huyện Thuận Nam - Ninh Thuận, nơi có đàn bò, dê, cừu đang “cắm núi” lên đến hàng ngàn con.

Thất học truyền đời

Theo những lối mòn quanh co, dày đặc gai xương rồng, lùm bụi và gập ghềnh đá cuội, chúng tôi cắt đường lớn, từ trung tâm xã nhắm về hướng núi Chà Vin. Chỉ mới hơn 3 km, đôi chân tôi đã mỏi nhừ, trong khi anh em Kiểm vẫn bước đều, thậm chí mỗi lúc càng nhanh hơn. Hóa bảo phải về lán trại trước khi trời sập tối để còn phụ cha mẹ kiểm đếm bầy gia súc.

Cha mẹ Kiểm - Hóa là người Chăm, gốc ở Phước Nhơn, huyện Ninh Hải - Ninh Thuận, sau đó chuyển về huyện Ninh Phước sinh sống từ hơn 10 năm trước để chăn bò thuê. Ngày theo cha mẹ lên núi sống đời du mục, Hướng 11 tuổi, Hóa lên 8 và cô em út tên Mên chỉ mới chập chững biết đi.

Đàn bò hơn 70 con được một chủ trang trại ở huyện Ninh Phước khoán cho gia đình Kiểm chăn dắt với giá 15 triệu đồng/năm. Gần 7 năm qua, cả gia đình 5 người của Kiểm đùm túm đưa nhau lên núi rong ruổi trên lưng bò khắp vùng núi Chà Vin. Sống đời du mục long đong, khốn khó buộc Kiểm phải nghỉ học khi vừa xong lớp 4, Hóa lớp 2, còn bé Mến nay đã lên 9 tuổi nhưng chưa một ngày đến trường.

“Sang năm, tui cho con Mến về làng học bổ túc ban đêm để biết đọc, biết viết kẻo lại như cha mẹ nó”- ông Thành Văn Sình, cha của anh em Kiểm, tâm sự. Người đàn ông 46 tuổi đời này vẫn hiểu rằng thất học cũng đồng nghĩa với chuyện không thoát nổi cảnh đói nghèo. “Nhưng mà gia đình tui lo ăn hằng ngày còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền cho tụi nhỏ học hành đàng hoàng. Đành chấp nhận vậy thôi, biết sao được…” – ông trải lòng.

Dưới rặng núi Chà Vin có gần 20 hộ sống đời chăn dắt gia súc thuê như gia đình ông Sình. Gia đình ít nhất cũng 30 chục con bò, cừu, dê; nhiều thì đến 150 con. Con cái họ nếu may mắn được ông bà nội ngoại cưu mang, ở lại làng thì còn có cơ hội cắp sách đến trường. Tuy nhiên, số trẻ được đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phải lang bạt núi đồi cùng cha mẹ.

Quanh năm luẩn quẩn núi rừng

Cuộc sống du mục đã gắn với nhiều thế hệ người Chăm ở Ninh Thuận. Ông Hán Văn Toán, một lão nông 74 tuổi ở làng Chăm Lương Tri, huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận, cho biết từ mấy trăm năm trước, tổ tiên ông chọn dải đất từ Ninh Sơn kéo dài sang Ninh Phước, ước hơn 20 km, để lập nghiệp. Thuở ấy, vùng  này chỉ toàn là rừng già, núi đá mênh mông. Để tồn tại, họ đã phải gắng sức khai thác vùng bán sơn địa này. Người Chăm lúc bấy giờ sinh sống chủ yếu bằng nghề săn bắt, hái lượm men theo các triền đồi, núi khộp. Cuộc sống du mục cũng ra đời từ đó.

Những năm gần đây, nhiều gia đình người Chăm làm ăn thất bại, vườn rẫy mất mùa. Kinh tế gia đình lâm cảnh túng thiếu, họ đành chấp nhận chăn dắt thuê gia súc cho các trang trại lớn ở Ninh Thuận.

Thiên Thị Anh Hoàng, một “digan” ở vùng núi Tà Vum thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái - Ninh Thuận, cho biết nếu không bị tai vạ mất cừu, mỗi năm chị cũng dành dụm được vài triệu đồng làm vốn. Cha mẹ Hoàng ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân - Ninh Phước nhận chăn thuê gần 200 con cừu thả núi cho 3 chủ trang trại tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải từ 5 năm qua. Nghe tôi hỏi chuyện chồng con, cô thôn nữ Chăm vừa bước qua tuổi 24 này cười buồn e thẹn: “Quanh năm cứ luẩn quẩn giữa núi rừng, lâu lâu mới về làng mua chút cá, mắm cải thiện bữa ăn, đâu có cơ hội tiếp xúc nhiều với ai nên chưa nghĩ đến chuyện ấy”.

Anh Trượng Hồng, dù mới 36 tuổi nhưng có đến 17 năm sống đời du mục trên nhiều vùng đất ở Ninh Thuận, cho rằng khổ nhất là những năm hạn hán. Cũng như hàng trăm gia đình du mục khác, cha mẹ và 4 anh em Hồng phải di chuyển đàn bò, cừu hàng trăm con đi mỗi ngày 15-20 km để tìm nguồn nước, rơm rạ và chút cỏ tươi cho chúng.

“Tui nhớ mãi đợt hạn hán năm 2005 rồi 2008. Gần 10 tháng, Ninh Thuận không có một giọt mưa. Hầu hết các đàn gia súc mấy chục ngàn con từ những trang trại trên núi được lùa hết về đồng bằng. Tụi tui phải tranh nhau từng vạt cỏ, gàu nước cho bầy gia súc của mình” - Hồng kể.

Theo anh Hồng, dù sao thì dân du mục “nội tỉnh” vẫn đỡ vất vả hơn nhiều so với những “đồng nghiệp” của họ. “Như vợ chồng Phích - An bạn mình đó, phải đưa khoảng 60 con bò và 50 con cừu vào tận huyện Bắc Bình - Bình Thuận chăn thả. Nhiều khi cả năm, vợ chồng nó mới về quê một lần. Con tụi nó chỉ có thằng út ở với ông bà ngoại được đi học, còn 2 đứa lớn theo cha mẹ phụ chăn dắt bò, cừu” – Hồng cho biết.

Nay triền đồi, mai góc núi; khi cắm trại trên những đồng cỏ mênh mông, lúc lại phải di chuyển đàn gia súc hàng chục cây số để tìm kiếm thức ăn. Những nhọc nhằn của cuộc sống lang bạt, ngày nối ngày, năm tiếp năm như cột chặt các phận đời du mục trên vùng đất khát Ninh Thuận.

250.000 con bò, dê, cừu

Ninh Thuận có diện tích tự nhiên trên 3.360 km2, chủ yếu là núi đá, rừng và sa mạc cát. Đây là địa phương khô hạn nhất nước, lượng mưa hằng năm chỉ bằng 1/3 lượng mưa bình quân cả nước. Chăn nuôi gia súc là thế mạnh của Ninh Thuận với trên 250.000 con bò, dê, cừu, chủ yếu được chăn thả trên các đồi núi và những vùng đất bán sơn địa mênh mông. Đi theo bầy gia súc mà mình nhận chăn thuê, dân du mục Ninh Thuận sống phần lớn thời gian ở những vùng núi đồi, bán sơn địa đó.

Theo Lê Trường / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.