Nguyên tắc 4: Thực thi đạo đức kinh doanh

28/01/2013 06:00 GMT+7

Thực thi đạo đức kinh doanh là hành vi có tính tự nguyện và không hoặc ít bị điều chỉnh bởi luật pháp. Tuy nhiên, nếu các chủ thể có hưởng lợi từ khai thác cà phê nhân có tầm nhìn dài hạn thì cần thực hiện đạo đức kinh doanh.

Nhà nước, các cơ quan truyền thông cần có kênh tuyên truyền nhằm thực thi đạo đức kinh doanh đối với các chủ thể liên quan khai thác lợi ích từ cà phê. Chính doanh nghiệp - cơ quan quản lý - người nông dân cũng cần nhận diện và có cách thức phòng tránh và khắc phục vi phạm đạo đức kinh doanh. Đề nghị 3 biện pháp chính yếu có tính tích hợp nhằm thực thi đạo đức kinh doanh:

Thứ nhất: Thực thi đạo đức kinh doanh trên hoạt động phối hợp truyền thông và thương mại

Trên thực tế tại Việt Nam có khả năng diễn ra chiêu thức phối hợp tuyên truyền nói xấu chất lượng cà phê nhân của Việt Nam với chiến lược thu mua theo công thức sản lượng cao - chất lượng thấp - giá rất thấp để áp đặt dài hạn vị thế giá trị thấp của ngành cà phê Việt Nam. Để có thể khắc phục trường hợp này, đề nghị 3 giải pháp.

Thứ nhất, cần tổ chức tuyên truyền bằng nhiều kênh truyền thông cho dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ thủ thuật này, thuyết phục các nhà thu mua, nhà rang xay quốc tế thực thi đạo đức kinh doanh. Thứ hai, cần áp dụng triệt để kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt từ khâu thu hoạch đến khâu xuất cảng cà phê. Thứ ba, bản thân ngành cà phê của Việt Nam bằng nhiều giải pháp phải nâng cao nhanh chóng chất lượng cà phê nhân Việt Nam thông qua chiến lược và chương trình hành động khả thi.

 

Thứ hai: Thực thi đạo đức kinh doanh trong các chương trình hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê

Thực tế, cách đây hai năm có tập đoàn quốc tế đứng ra tổ chức một dự án dạng thức “Tài trợ cho nông dân thực hiện cà phê bền vững” với quy mô 3 xã ở tỉnh Đắk Lắk và 3 xã ở Lâm Đồng, tổng cộng khoảng hai, ba trăm nông hộ tham gia và dự tính kéo dài 2 năm. Nhưng mọi người đều thấy rõ tổng số nông hộ trồng cà phê là hơn hai trăm ngàn hộ thì trong bao nhiêu lâu chương trình mới thực sự ảnh hưởng? Rõ ràng những chương trình kiểu như trên hướng đến PR để xây dựng thương hiệu là mục đích chính, hiệu quả tài trợ cho nông dân ở mức vô cùng nhỏ. Vậy nên, với tầm nhìn dài hạn, các doanh nghiệp đang hưởng lợi từ cà phê nhân cần cộng tác thiết kế những chương trình thực sự có tầm vóc và tạo những bước đột phá cho cà phê Việt Nam thay vì sử dụng các chương trình rất nhỏ lẻ để đánh bóng thương hiệu của mình.

Thứ ba: Thực thi đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực thu mua nguyên liệu trên nguyên lý hài hòa lợi ích giữa các tập đoàn quốc tế với các doanh nghiệp trong nước

Luật pháp Việt Nam không cho phép doanh nghiệp nước ngoài thực hiện thu mua trực tiếp từ nông dân trồng cà phê (Nghị định 23/2007 - NĐ/CP) nhưng các doanh nghiệp này đã sử dụng nhiều thủ thuật để giao dịch thu mua trực tiếp hộ nông dân. Kết quả là trên 60% sản lượng cà phê hiện đã nằm trong tay doanh nghiệp FDI, hàng ngàn doanh nghiệp cà phê Việt Nam phá sản, thu hẹp quy mô hoạt động, hàng trăm ngàn người làm việc trong ngành cà phê Việt Nam gánh chịu khó khăn.

Để thực thi đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực thu mua nguyên liệu và đảm bảo an ninh nguyên liệu, thiết tưởng chúng ta cần tiến hành liên hợp các hành động như sau. Một là, nhà nước cùng với chính quyền địa phương và doanh nghiệp xây dựng cơ chế kiểm soát và xử lý pháp lý nghiêm khắc các vi phạm trực tiếp và gián tiếp Nghị định 23/2007 và các định chế quản lý bổ sung. Hai là nhà nước tạo cơ chế đối thoại trực tiếp trên tinh thần hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt, đại diện nông dân trong quy hoạch sản lượng - giá cả thu mua theo niên vụ.

Ba là từng doanh nghiệp trong toàn chuỗi cung ứng phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, thiết lập liên minh - liên kết các doanh nghiệp đang hoạt động đơn lẻ trong các phân đoạn của chuỗi cung ứng cà phê để có thể đối trọng hiệu quả từ khai thác nguyên liệu cho đến khâu phân phối. Bốn là xây dựng các mô hình hợp tác của nông dân, áp dụng nguyên lý “chiến tranh nhân dân” trong quản lý khai thác nguyên liệu vì mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện đạo đức kinh doanh trong bảo vệ an ninh nguyên liệu, an ninh lương thực. (Còn tiếp)

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.