Di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

20/12/2012 10:11 GMT+7

Khoảng 300 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai thuộc diện phải di dời ra khỏi khu dân cư đang than khó thực hiện vì thiếu vốn…

Di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Tiêu độc khử trùng tại 1 cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm - Ảnh KC

Thiếu vốn, thiếu hạ tầng

Từ khi nhận được thông tin trang trại chăn nuôi heo của mình nằm trong danh sách phải di dời ra khỏi khu dân cư, ông Nguyễn Văn Thuận (thị trấn Gia Ray, H. Xuân Lộc) hết sức lo lắng. Theo ông Thuận, toàn H.Xuân Lộc có khoảng 50 hộ chăn nuôi thuộc diện phải di dời, chủ trương này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc di dời một cơ sở chăn nuôi với quy mô trung bình gần 200 con heo đến khu khuyến khích chăn nuôi tập trung không phải là điều đơn giản. “Quy định thì phải chấp hành nhưng có cái khó cho chúng tôi là nguồn vốn. Bởi như trang trại tôi hiện nay mà di dời đi thì kinh phí rất nặng. Do đó, nhà nước cần phải có hỗ trợ cho vay ưu đãi thì mới có khả năng di dời được nếu không thì chịu chết thôi vì nguyên cả gia đình tôi phụ thuộc vào đàn heo”. Bà Lê Thị Hiệp – Phó trưởng phòng Nông nghiệp H. Xuân Lộc chia sẻ: “Các trang trại băn khoăn về kinh phí di dời là đúng. Bởi hiện tại người ta đã đầu tư cho trang trại rất lớn, mà khi di dời thì phải xây dựng lại từ đầu”.

 

Ghi nhận những khó khăn của các cơ sở chăn nuôi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh vừa yêu cầu các sở ngành, địa phương nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp hỗ trợ các cơ sở để họ đủ điều kiện sớm di dời ra khỏi khu đô thị đảm bảo không ô nhiễm môi trường. 

Còn theo ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp H. Thống Nhất: “Việc di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh là yêu cầu bức thiết. Đây là nhiệm vụ mà các địa phương, ban ngành của huyện đang khẩn trương thực hiện”. Cũng theo ông Bưởi, mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phòng TN–MT phối hợp với UBND các xã đã gặp mặt thông báo chủ trương di dời hoặc ngưng nuôi của một số hộ chăn nuôi trong dân cư, nhất là khu vực gần trường học, bệnh viện, gần nguồn nước. “Đến nay các hộ đã có sự cam kết trong một thời gian ngắn giải quyết những vấn đề và xây dựng lộ trình giảm đàn. Tuy nhiên, để các hộ vào khu vực chăn nuôi tập trung thì vấn đề đầu tiên phải tháo gỡ là kết cấu hạ tầng, cũng như các chính sách hỗ trợ kèm theo”, ông Bưởi nói.

Xin lùi thời điểm di dời

Theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 1 (năm 2012-2014) có khoảng 300 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn buộc phải di dời ra khỏi khu dân cư. Ông Phan Minh Báu – Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Di dời đi đâu?.Lúc nào?...Sở phải có trách nhiệm. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi gặp khó khăn bởi vì nhiều địa phương chưa xác định được khu chăn nuôi tập trung nào đầu tư trước, khu nào đầu tư sau. Ngoài ra, do thiếu hạ tầng tại các khu chăn nuôi tập trung, nên chúng tôi phải phối hợp với các huyện để xác định một cách chi tiết đầu tư hạ tầng bằng phương pháp lồng ghép với các chương trình khác như giao thông nông thôn, làm đường giao thông cho các nông thôn mới… thì mới đáp ứng được hạ tầng hoàn chỉnh để di dời theo lộ trình”.

Sở NN-PTNT cũng thừa nhận, do gặp nhiều khó khăn trong đầu tư hạ tầng nên vẫn chưa thu hút được nhiều các hộ chăn nuôi. Trong khi đó, các hộ thuộc diện di dời phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc di dời các hộ này là điều rất khó. Bởi để vào được các khu tập trung đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để mua đất và đầu tư trang trại. Chính vì thế, các cơ sở cũng kiến nghị cho kéo dài thời gian di dời thêm 1 năm (tức đến cuối năm 2015).

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.