Loạn dịch vụ tư vấn điều trị trầm cảm: Nguy hiểm nếu kê toa không đúng

Thúy Liễu
Thúy Liễu
30/04/2024 06:58 GMT+7

Trầm cảm là bệnh lý rối loạn cảm xúc có thể chữa khỏi, tuy nhiên việc điều trị phụ thuộc vào quá trình khám đúng bác sĩ, đúng chuyên khoa và người bệnh phải nhận thức được họ cần sự hỗ trợ của y tế.

Khi có các dấu hiệu như mất hứng thú trong công việc, bất an quá mức khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, có dấu hiệu tự hại như cắt tay giải tỏa cảm xúc, để nỗi đau tinh thần chuyển thành nỗi đau thể xác..., người bệnh cần đến bác sĩ (BS) chuyên khoa tâm thần để điều trị.

Phải hiểu đúng chuyên gia tâm lý và bác sĩ

Có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh trầm cảm, BS CKII Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 TP.HCM, cho biết trầm cảm là bệnh lý rối loạn về cảm xúc, có biểu hiện đặc trưng như khí sắc trầm buồn, mất tập trung, khó suy nghĩ lâu, suy giảm sở thích và mất năng lượng; cơ thể mệt mỏi, cảm thấy chán nản, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ; suy nghĩ bi quan về cuộc sống, trường hợp xấu nhất là có ý định tự sát, kết thúc cuộc đời.

"Trong não người có những hormone "hạnh phúc" như serotonin, dopamine giúp con người thư giãn, vui vẻ, làm việc hiệu quả. Nếu cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, stress kéo dài thì những hormone này sẽ suy giảm, làm nảy sinh cảm giác trầm buồn, tiêu cực. Trước đây, bệnh trầm cảm xuất hiện ở độ tuổi 17 - 28, nhưng gần đây tôi cũng tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân đang học cấp 2, nguyên nhân xuất phát từ áp lực gia đình, bạo lực mạng, bạo lực học đường...", BS Khuyên cho biết.

BS CKII Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 TP.HCM, cảnh báo người bệnh trầm cảm không được ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của BS

BS CKII Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 TP.HCM, cảnh báo người bệnh trầm cảm không được ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của BS

THÚY LIỄU

Tương tự, TS-BS Ngô Tích Linh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn tâm thần, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thông tin: "Bệnh trầm cảm có những tiêu chuẩn chẩn đoán theo mã số, theo mùa, có các mức độ nặng, nhẹ, trung bình. Khi đến bệnh viện khám, người bệnh sẽ được làm bài test dựa theo bảng hỏi PHQ-9 để xác định mức độ bệnh. Điểm quan trọng để quá trình điều trị đạt kết quả thành công cao là người bệnh trầm cảm nhận thức được họ cần điều trị y tế".

Việc điều trị trầm cảm bằng thuốc, đặc biệt là thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm thì chỉ BS có giấy phép hành nghề của chuyên khoa tâm thần mới được quyền kê toa, phải đăng ký chữ ký với sở y tế.

BS CKII Trần Minh Khuyên

Với những bệnh nhân được kê toa thuốc, BS Khuyên cho biết thuốc chống trầm cảm có tác dụng tốt nhất sau 2 - 3 tuần sử dụng, khi các triệu chứng giảm đến 80 - 90% thì BS mới giảm liều và bệnh nhân phải tái khám thường xuyên. Khi giảm tới liều nhẹ nhất mà vẫn ổn thì BS mới lên kế hoạch dừng thuốc. Bệnh nhân không được ngưng thuốc đột ngột hay tự ý mua thuốc bên ngoài vì sẽ gặp tác dụng phụ, không thể hết bệnh.

Cho ý kiến về các dịch vụ tư vấn trầm cảm online, BS Khuyên cho hay những dịch vụ này không mang tính chất điều trị, những người thực hiện dịch vụ chỉ được gọi là chuyên gia tâm lý chứ không phải BS.

"Tại Việt Nam không có chức danh "BS tâm lý", những trung tâm này có thể dùng đội ngũ cử nhân tâm lý, thạc sĩ tâm lý để tổ chức tư vấn, song họ chỉ dừng ở mức tư vấn về tâm lý giáo dục, tâm lý xã hội… Còn việc điều trị trầm cảm bằng thuốc, đặc biệt là thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm thì chỉ BS có giấy phép hành nghề của chuyên khoa tâm thần mới được quyền kê toa, phải đăng ký chữ ký với sở y tế", BS Khuyên nói.

BS Khuyên kể, đã từng gặp trường hợp những người học thạc sĩ tâm lý nhưng khi làm việc lại giới thiệu là BS, gây hiểu lầm cho người bệnh. "Khi bệnh nhân mất ngủ, họ tự kê đơn có thuốc ngủ cho bệnh nhân, điều này rất nguy hiểm vì họ không học về dược, không biết cách kê toa. Những người học về tâm lý chỉ trò chuyện, chia sẻ, giải tỏa khúc mắc với người bệnh, hỗ trợ BS chứ không thể trực tiếp điều trị", BS Khuyên nhấn mạnh.

Việc điều trị trầm cảm bằng thuốc, đặc biệt là thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm thì chỉ BS có giấy phép hành nghề của chuyên khoa tâm thần mới được quyền kê toa, phải đăng ký chữ ký với sở y tế.

BS CKII Trần Minh Khuyên

Bên cạnh đó, TS-BS Ngô Tích Linh thông tin thêm, tâm lý lâm sàng khác hẳn tâm lý xã hội, tâm lý giáo dục, người học các chuyên ngành này được gọi là chuyên viên tâm lý. Chuyên viên tâm lý không gọi người được tham vấn là bệnh nhân mà gọi là thân chủ (client).

BS Khuyên cảnh báo: "Người có dấu hiệu trầm cảm đến tham vấn mà người thực hiện tham vấn không phát hiện được người đó muốn tự sát, gặp ảo giác... sẽ rất nguy hiểm. Lúc này vẫn sử dụng biện pháp lắng nghe thông thường thì không phù hợp vì bệnh nhân đã lệch lạc về tư duy, nhận thức. Những vấn đề đời sống thì có thể tham vấn, còn khi đã trầm cảm nặng, xuất hiện ý nghĩ tự hại, loạn thần, làm tổn thương bản thân thì phải tiến hành điều trị bởi BS".

Rất cần sự thấu hiểu của gia đình

Quá trình điều trị bệnh trầm cảm, người bệnh rất cần sự đồng hành hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Với những bệnh nhân có ý định tự sát hoặc đã từng thực hiện hành động làm đau bản thân, BS sẽ xin số điện thoại người nhà để thông báo tình trạng, đồng thời hướng dẫn cách đối xử phù hợp, tránh làm bệnh nhân căng thẳng. Đối với bệnh nhân có dấu hiệu ảo giác, xuất hiện giọng nói trong đầu, cần có thuốc chống loạn thần để điều trị.

"Với những bệnh nhân được kê toa có thuốc ngủ, người nhà nên hỗ trợ chia thuốc để bệnh nhân dùng đúng cữ, tránh kích động bệnh nhân vì họ có thể lấy thuốc điều trị để tự sát. Tránh để người bệnh ở một mình trong không gian hẹp như phòng ngủ vì dễ nảy sinh ý nghĩ bi quan, tiêu cực. Bệnh nhân nên kết hợp tập thể dục để kích thích hormone "hạnh phúc", tăng cường trao đổi chất...", BS Khuyên cho hay.

TS-BS Ngô Tích Linh (giữa) thông tin, bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi nhưng dễ tái phát, người bệnh cần thực hiện đúng theo chỉ định của BS chuyên khoa tâm thần

TS-BS Ngô Tích Linh (giữa) thông tin, bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi nhưng dễ tái phát, người bệnh cần thực hiện đúng theo chỉ định của BS chuyên khoa tâm thần

THÚY LIỄU

Theo BS Linh, nhiều người gán trầm cảm cho suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, chỉ cần nghỉ ngơi nhưng việc này không giải quyết được vấn đề. Lúc này, người bệnh sẽ suy nghĩ nhiều hơn do bị chi phối bởi suy nghĩ tự động trong đầu, điển hình như nghĩ bản thân không có giá trị. Người nhà nên kiên nhẫn đồng hành trong suốt quá trình điều trị, thấu hiểu đúng vấn đề mà bệnh nhân gặp phải.

BS Linh thông tin: "Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi hẳn nhưng dễ tái phát, người bệnh cảm thấy hết triệu chứng bệnh nhưng thật ra chưa hết hoàn toàn. Bệnh trầm cảm tái phát 1 lần phải điều trị tối thiểu 2 năm, tái phát lần 2 gần như điều trị vĩnh viễn. Trẻ em mắc trầm cảm dễ dính vào tệ nạn lạm dụng chất kích thích, phát triển rối loạn lưỡng cực, dẫn đến tự sát".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.