Làm quen với thể thao

06/10/2013 03:00 GMT+7

Bạn cần có một kế hoạch hợp lý khi bắt đầu tập thể thao để tránh tình trạng “cả thèm chóng chán”.

Bạn cần có một kế hoạch hợp lý khi bắt đầu tập thể thao để tránh tình trạng “cả thèm chóng chán”.


Thể dục thể thao đều đặn giúp duy trì sức khỏe - Ảnh: Shutterstock 

Chơi thể thao để giải trí, để có dáng đẹp, để... hợp mốt hoặc thậm chí để “chứng tỏ đẳng cấp”. Có 1.001 lý do để một người vốn chỉ biết đến thể thao qua màn ảnh truyền hình bắt đầu làm quen với vận động thể chất. Tuy nhiên, muốn thật sự đạt hiệu quả tốt cho sức khỏe, bạn phải duy trì việc tập luyện một cách đều đặn và lâu dài. Thực tế cho thấy có không ít người chơi thể thao theo phong trào, chỉ dăm bữa nửa tháng là bỏ. Để tránh điều này, bạn nên có những bước đệm để quen dần với việc tập luyện.

Thay đổi lối sống

Lâu nay quen sống thụ động, nếu đùng một cái bạn tập luyện hăng hái quá mức có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu như: mệt mỏi, “rêm” toàn thân, thậm chí chấn thương do cơ thể không kịp thích nghi với khối lượng vận động cao. Để tránh bị tác dụng ngược khi bắt đầu chơi thể thao, bạn nên đặt ra những mục tiêu vừa tầm, chẳng hạn như thay đổi các thói quen thường nhật, năng động hóa cuộc sống. Theo Viện Giáo dục sức khỏe quốc gia Pháp (Inpes), vận động thể chất không chỉ có thể thao dạng nặng. Bạn hoàn toàn có thể “giãn gân giãn cốt” qua những sinh hoạt hằng ngày: đi bộ hoặc xe đạp nếu không quá gấp gáp và đoạn đường cần đi dưới 1 km; dùng thang bộ thay cho thang máy, nếu ở nhà cao tầng thì dừng thang máy sớm hơn từ 2-3 tầng và sau đó đi bộ; khi dùng phương tiện công cộng như xe buýt nên xuống sớm hơn 1 trạm; tăng cường làm việc nhà (tưới cây, hút bụi, sơn sửa nhà cửa)... Thời gian đầu, bạn không cần gắng sức đi bộ hay đạp xe một mạch 30 phút, vì đi 3 lần 10 phút cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Một điều quan trọng khác là, với những công việc đòi hỏi ngồi lâu, sau mỗi 45 phút, bạn nên giải lao vài phút để làm một số động tác thể dục nhẹ nhàng. Với những người bị bệnh về cột sống thì điều này càng quan trọng và cần đến khám tại các chuyên khoa vật lý trị liệu để được hướng dẫn bài bản. Nghiên cứu của Hội Ung thư Mỹ công bố năm 2010 cho thấy, ngồi quá 6 giờ/ngày sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên 37% với nam giới và 17% với nữ giới. Một nghiên cứu khác đăng tải trên chuyên san British Medical Journal hồi tháng 7.2012 xác nhận những người ngồi ít hơn 3 giờ/ngày có thể tăng tuổi thọ lên 2 năm.

Chọn môn thể thao phù hợp

Phần lớn các trung tâm thể thao tại Việt Nam không yêu cầu có chứng nhận đảm bảo sức khỏe khi đăng ký, nhưng với những người lần đầu chơi thể thao hoặc tập luyện trở lại sau một thời gian dài gián đoạn thì nên khám tổng quát và hỏi ý kiến bác sĩ trước. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị các bệnh tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp... không những có thể chơi mà cần phải chơi một môn thể thao phù hợp để cải thiện bệnh tình, với điều kiện phải được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và theo dõi kỹ lưỡng.

Sau khi đã an tâm về điều kiện sức khỏe, thời gian đầu bạn có thể chọn một chương trình tập luyện “tổng hợp” để thăm dò sở thích, khả năng vận động của bản thân: tập những môn giúp “củng cố” hệ cơ xương khớp (chẳng hạn thể dục thẩm mỹ) xen kẽ với những môn thiên về cải thiện hệ tim mạch (chạy bộ, đá banh, quần vợt...). Hiệu quả những môn này mang tính bổ trợ cho nhau. Quá trình thử nghiệm giúp bạn không thấy nhàm chán và chọn được môn thật sự thích hợp để tập luyện lâu dài. Một điểm cần lưu ý là bạn nên khởi đầu với nơi tập luyện gần nhà, thậm chí có thể mua một số dụng cụ đơn giản để tập tại nhà. Nhiều người chọn phòng tập nổi tiếng nhưng không thuận tiện đi lại, nên rất dễ bỏ ngang giữa chừng vì chưa thật sự yêu thích thể thao để theo tới cùng. 

Lan Chi

>> 94 tuổi vẫn chăm chỉ rèn luyện thể thao
>> Tập thể dục 30 phút có hiệu quả giảm cân hơn tập 1 giờ
>> Giảm nguy cơ bị động kinh nhờ tập thể dục
>> Ăn gì trước khi tập thể dục ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.