Hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới

15/09/2015 07:59 GMT+7

Sự kiện triển lãm vũ khí DSEI do Anh đăng cai tại London sẽ giới thiệu những khí tài hiện đại nhất thế giới đến các khách hàng tiềm năng.

Sự kiện triển lãm vũ khí DSEI do Anh đăng cai tại London sẽ giới thiệu những khí tài hiện đại nhất thế giới đến các khách hàng tiềm năng.
UAV Harop phiên bản mới được phóng thử nghiệm - Ảnh: IAI

Từ ngày 15 - 18.9, thủ đô London của Anh trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới với sự kiện Triển lãm thiết bị và an ninh quốc phòng quốc tế (DSEI). Diễn ra 2 năm/lần, DSEI được xem là hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới và là “sân khấu” hoàn hảo để các nhà sản xuất trình làng những sản phẩm chủ lực của mình.

Theo tờ The Independent, triển lãm năm nay có sự tham dự của phái đoàn đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những “đại gia” ngành công nghệ quốc phòng như Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản… Ngoài ra, dự kiến hội chợ sẽ thu hút khoảng 30.000 quan khách, bao gồm nhiều tướng lĩnh và bộ trưởng, thứ trưởng quốc phòng các nước.

Đài RT dẫn lời các chuyên gia dự báo các khí tài trọng tâm thu hút sự chú ý của giới quan sát và khách hàng tại DSEI 2015 bao gồm thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công tự sát do Israel sản xuất; đạn có thể tự điều chỉnh hướng trước mục tiêu di động...
UAV “kamikaze”
Hãng Israel Aerospace Industries (Israel) vừa công bố nâng cấp thành công UAV mang tên Harop chuyên được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công tự sát.
Được giới chuyên gia đặt biệt danh “kamikaze”, theo tên đội chiến đấu cơ cảm tử của Nhật Bản thời Thế chiến 2, Harop mang theo đầu đạn 15 kg có khả năng lao thẳng vào mục tiêu và phát nổ khi tiếp xúc. Phiên bản Harop mới được củng cố năng lực quan sát và di chuyển nên có thể lượn lờ trên không trong nhiều giờ đồng hồ để truy tìm, định vị chính xác mục tiêu tĩnh lẫn động ở tầm xa, nhờ đó tránh được nguy cơ sai sót. Giới chuyên gia vũ khí đánh giá UAV Harop cực kỳ hữu dụng trong các chiến dịch chiến tranh đô thị và chống khủng bố.
Laser chống UAV
Hệ thống vũ khí laser nén của Tập đoàn Boeing (Mỹ) được cho là sẽ gây sốt đối với các khách hàng tham gia sự kiện DSEI năm nay.
Thiết bị phóng tia laser di động này nằm gọn trong 4 thùng chứa có kích cỡ như các va li thông thường và có thể nhanh chóng được lắp ráp trong thời gian khá ngắn. Cường độ của tia laser phóng ra vào khoảng 2 kilowatt, khá yếu so với các thiết bị “to xác” gắn trên tàu chiến hay xe quân sự (thông thường khoảng 30 kilowatt) nhưng vẫn đủ sức xuyên thủng thân UAV một cách dễ dàng. Thế mạnh khác của thiết bị này là nhỏ gọn, dễ sử dụng và không cần nhiều nhân sự để vận hành.
Một góc triển lãm DSEI năm 2013 - Ảnh: Asian Military Review
Đạn tự điều hướng
Nghe qua giống như một dạng vũ khí chỉ xuất hiện trong các phim khoa học viễn tưởng, nhưng đạn tự chỉnh hướng đã xuất hiện trong thực tế nhờ dự án hợp tác giữa nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới Lockheed Martin và hãng Teledyne Technologies.
Trong đoạn phim vừa được công bố trước thềm DSEI 2015, những viên đạn khai hỏa từ hệ thống EXACTO phô diễn khả năng tự điều chỉnh hướng trong lúc lao về mục tiêu di động. Với hệ thống này, một “tay mơ” cũng dễ dàng trở thành thiện xạ. Đến nay vẫn chưa rõ cách thức hoạt động của loại đạn đặc biệt này, do công nghệ sản xuất EXACTO được Lockheed Martin và Teledyne Technologies giữ tuyệt đối bí mật.
Kính ảnh nhiệt nhìn xuyên đêm
Trong khi đó, nhà sản xuất vũ khí lớn thứ 3 thế giới BAE Systems dự kiến sẽ giới thiệu những thông tin đầu tiên về một thiết bị kết hợp ảnh nhiệt với tầm nhìn xuyên đêm tối mang tên Kính củng cố tầm nhìn xuyên bóng đêm III. Với thiết bị này, khả năng quan sát các mục tiêu di chuyển trong bóng tối của binh sĩ sẽ được nâng cao rõ rệt. Trước đây, binh lính phải sử dụng kính hồng ngoại chuyên dụng kết hợp với thiết bị chụp ảnh nhiệt gắn trên súng để tìm kiếm mục tiêu. Dự kiến, loại kính mới sẽ chính thức trình làng vào cuối năm 2016, nhưng bản mẫu của nó sẽ xuất hiện tại London.
Internet trên chiến trường
Một sản phẩm mới khác của BAE Systems sẽ được công bố tại DSEI 2015 là hệ thống mạng quân sự Falcon, hứa hẹn cung cấp kết nối internet băng thông rộng tốc độ cao ở bất cứ nơi đâu. Falcon sử dụng các trạm mặt đất, vệ tinh và mạng lưới UAV để kết nối các đơn vị trên chiến trường với các căn cứ vùng và trung tâm chỉ huy đầu não ở nước đó. Hệ thống sử dụng giao thức internet (IP) tiêu chuẩn nhưng ở mức độ an ninh và bảo mật cao gấp nhiều lần hệ thống mạng thông thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.