Hệ thống siêu nhà tù lớn nhất hành tinh

21/04/2006 23:13 GMT+7

Số phạm nhân trong các nhà tù tại Mỹ hiện nay gần gấp 5 lần dân số Luxembourg. Để giải quyết gánh nặng về quản lý, nhà chức trách Mỹ đã cho xây dựng hệ thống siêu nhà tù Supermax.

Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu nhà tù quốc tế có trụ sở tại London (Anh), Mỹ hiện giam giữ trên dưới 2.135.000 người, chiếm khoảng 23% tổng số tù nhân toàn thế giới. Không những đứng đầu hành tinh về số lượng tù nhân, nước này còn giữ kỷ lục thế giới về tỷ lệ người ngồi tù trên tổng dân số. Tại Mỹ, cứ trung bình 100 ngàn dân thì có 724 người phải bóc lịch sau song sắt, cao hơn nhiều so với con số 581 của "á quân" Nga. Điều đáng nói là "dân số" tại các nhà tù Mỹ không ngừng tăng trong 20 năm qua, hệ quả của việc thực thi chính sách cứng rắn nhằm đối phó với tình trạng gia tăng tội phạm.

Số phạm nhân tăng với tốc độ chóng mặt tạo ra một gánh nặng cho công tác quản lý. Từ khó khăn này, người Mỹ đã cho ra đời Supermax nhằm giải quyết bài toán về nhân lực. Supermax là khái niệm chỉ những nhà tù được thiết kế đặc biệt với hệ thống giám sát công nghệ cao nhằm giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ quản lý. Ở thời kỳ cao điểm, nước Mỹ có khoảng 60 nhà tù kiểu này. Hệ thống trại giam Florence tại tiểu bang Colorado được coi là đỉnh cao của Supermax. Xây dựng từ năm 1994 với tổng kinh phí 190 triệu USD, nhà tù này có khoảng 1.400 cửa sắt điều khiển từ xa, hàng trăm máy phát hiện chuyển động, máy quét laser và hàng chục tháp canh gắn súng và camera. Ngoài ra, nhà tù còn có đội ngũ chó nghiệp vụ có khả năng tấn công trong thầm lặng. Hệ thống Supermax tại Florence được sách kỷ lục Guinness công nhận là nhà tù được canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới. Tại các Supermax như thế, tù nhân thường bị nhốt trong xà lim chật hẹp 23 giờ mỗi ngày. Khi ra ngoài, chân tay họ luôn bị còng lại.

Sự ra đời của Supermax đã gây nhiều tranh cãi trong lòng nước Mỹ. Người ủng hộ thì cho rằng hệ thống nhà tù công nghệ cao là cần thiết để giam giữ số tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, người chống đối thì cho rằng Supermax là mảnh đất màu mỡ cho tội ác nảy sinh. Tại đó, vấn đề cải tạo, giáo dục, hướng nghiệp hoàn toàn biến mất, tất cả còn lại chỉ là những phòng giam lạnh lùng và những con người ngồi chờ ngày mãn hạn. Tổ chức Corrections USA, đại diện cho 120.000 nhân viên quản tù Mỹ, không ngừng kêu gọi giảm bớt số lượng Supermax. Theo tổ chức này thì việc giam giữ phạm nhân trong các nhà tù "tự động" sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho tương lai. Do không được chăm sóc về mặt tâm lý, phạm nhân sau khi rời khỏi Supermax sẽ rất khó trở lại cuộc sống bình thường. Họ có thể chịu "hội chứng nhà tù" trong thời gian dài và điều đó là đặc biệt nguy hiểm cho toàn xã hội. "Điều đáng buồn là các nhà tù ngày nay thường được thiết kế và trang bị hệ thống công nghệ hiện đại nhằm giảm sức người trong quản lý. Điều đó khiến tính nhân văn dần biến mất. Theo tôi, chúng ta cần tạo ra một môi trường nhà tù trong đó nhân viên quản giáo tiếp xúc, trao đổi thường xuyên với tù nhân hơn", ông G.Harkins, đại diện của Corrections USA, nói.

Trong vài năm qua, lính Mỹ đã dính vào hàng loạt vụ ngược đãi tù nhân tại Iraq, Afghanistan và nhà tù Guantanamo ở Cuba. Theo giới chuyên môn, cội rễ của loại tội phạm này xuất phát từ ngay trong lòng nước Mỹ, nơi các nhà tù đang "mất dần tính nhân văn". Gần đây, chính quyền một số tiểu bang đã bắt đầu "hạ cấp" hệ thống Supermax nhằm giúp không khí nhà tù bớt phần lạnh lùng. Có một chân lý tưởng chừng giản đơn nhưng không phải ai cũng hiểu: nhà tù không chỉ là nơi giam giữ, trừng phạt mà còn là công cụ để giáo dục, cải tạo phạm nhân. (BBC, Wikipedia)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.