Vùng nuôi thủy sản ven biển bị xâm hại

05/03/2014 09:48 GMT+7

Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, tình trạng ghe cào khai thác trái phép xâm hại khu vực nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ven biển của ngư dân H.An Minh (Kiên Giang) liên tục xảy ra, vượt ngoài khả năng quản lý, kiểm soát, xử lý của chính quyền địa phương.

Tại vùng biển thuộc ấp Minh Giồng, xã Vân Khánh Đông (H.An Minh), mỗi ngày có hàng chục ghe cào lớn nhỏ từ nhiều nơi đổ về khai thác trái phép sò huyết, vẹm xanh, nghêu lụa… Cao điểm có đến hàng trăm phương tiện tập trung khai thác mang tính tận diệt bất kể ngày đêm. Các đối tượng này còn ngang nhiên xâm hại vùng khoanh nuôi hàng ngàn ha của ngư dân, khu vực nuôi trồng, nghiên cứu các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Phân hiệu Đại học Thủy sản Nha Trang - Kiên Giang và Phòng NN-PTNT H.An Minh; sẵn sàng tấn công, chống trả lực lượng tuần tra, bảo vệ khi bị phát hiện.

Theo Phòng NN-PTNT H.An Minh, năm 2013, huyện đã giao hơn 2.000 ha mặt nước bãi bồi ven biển cho ngư dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 300 ha khoanh nuôi hến biển, năng suất 5 tấn/ha; khoảng 400 ha khoanh nuôi, khai thác sò huyết, năng suất 3,5 tấn/ha và nuôi nhiều loài thủy sản khác. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai thực hiện mô hình nuôi vẹm xanh thương phẩm khu vực bãi bồi ven biển, đến nay đã xuất hiện vẹm giống, nhưng việc khai thác trái phép mang tính tận diệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng và nghiên cứu khoa học về các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại địa phương. Đã xảy ra tình trạng vẹm xanh nuôi thương phẩm của ngư dân chết hàng loạt do biến động môi trường, một số lượng lớn sò huyết nuôi của ngư dân còn bị cướp đi, gây mất an ninh trật tự trên biển.

Không chỉ ở vùng ven biển của H.An Minh, các khu vực khai thác đánh bắt ven bờ của TP.Rạch Giá, TX.Hà Tiên và H.Kiên Hải cũng xuất hiện tình trạng tranh chấp ngư trường giữa các ngư dân có phương tiện ghe cào với ngư dân hành nghề lưới ghẹ, cào ốc, đặt lú biển… gây mất an ninh trật tự. Tình trạng cào bờ, xiệp mé diễn ra ngày một phức tạp, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên nhưng thiếu biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cần sớm có giải pháp bảo vệ lợi ích của ngư dân để góp phần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển của địa phương.

Minh Khoa

>> Nuôi thủy sản mùa lũ, lãi cao
>> Truy thu, di dời các hộ nuôi thủy sản trái phép ở Vũng Rô
>> Phát hiện 30 tấn thức ăn nuôi thủy sản giả hiệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.