Cử nhân thất nghiệp

04/05/2013 03:20 GMT+7

N.T.H tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Mở Hà Nội được mấy năm, đang có ý định xin làm công nhân vì công việc chuyển phát nhanh hiện tại cô làm đã vài tháng rồi chưa được lĩnh lương.

Sau khi tốt nghiệp, N.T.H về quê xin đi dạy nhưng không xin được. Cô đành chuyển qua làm một vài công việc khác như xuất khẩu lao động, nhân viên tổng đài và sau đó là nhân viên chuyển phát nhanh hiện tại. “Quả thật, em thấy sinh viên (SV) tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ bây giờ xin việc thật khó khăn. Đi đến đâu cũng bị từ chối khiến em có cảm giác chắc tại mình không có mối quan hệ và không có tiềm lực kinh tế. Phải là SV cầm hồ sơ đi xin việc mới thấu hiểu, và thực tế đây là tình hình chung mà ai cũng nhận thấy”.

Sinh viên tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP.HCM
Sinh viên tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh 

Làm việc từ tháng 1 nhưng đến giờ, N.T.H vẫn chưa nhận được đồng lương nào. Quá chán nản, N.T.H có ý định xin đi làm công nhân giống như nhiều trường hợp mà cô được biết. “Thà thu nhập thấp một chút nhưng đều đặn còn hơn là ngồi chờ dài không có lương như thế này. Hiện em đang tìm xem những nhà máy nào cần tuyển công nhân để nộp hồ sơ”.

Không chỉ N.T.H, có không ít trường hợp khác học những ngành “nóng” mong ra trường có thu nhập cao nhưng cuối cùng phải làm trái ngành, thậm chí là những nghề không cần phải bỏ ra công sức 4 năm theo học. Đó là N.T, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Xin hoài không được việc, N.T quyết định đi học lái xe để xin một chân lái xe chở hàng từ cảng về kho của một doanh nghiệp. Hiện nay nhờ nỗ lực trong công việc, N.T đã lên chức… thủ kho.

Cung - cầu chỏi nhau

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Thường trực Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM thừa nhận: “Đúng là có thực trạng SV tốt nghiệp ĐH ra không xin được việc làm phải đi làm công nhân, tuy không phổ biến. Còn những trường hợp phải đi làm các công việc thời vụ, làm trái ngành, bán hàng, dịch vụ… thì rất nhiều”.

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, từ năm 2009 đến 2012, mỗi năm có khoảng 2.000 SV không thể kiếm được việc, hoặc phải chuyển sang làm những công việc trái ngành, thấp hơn trình độ đào tạo. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm này, cho biết: “Theo tôi biết thì có khá nhiều em trình độ ĐH đang đi làm công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để mưu sinh trước đã, vì để kiếm được công việc đúng ngành, đúng trình độ thì rất khó khăn”.

Ông Tuấn nhận định thêm, nhu cầu việc làm của lao động có trình độ ĐH tại một số ngành nghề như kế toán, nhân sự, xây dựng, tài chính - ngân hàng, quản lý… luôn cao hơn nhu cầu tuyển dụng. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng không tuyển được nhân lực thực sự phù hợp yêu cầu về kỹ năng, chất lượng làm việc.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lý giải: “Hiện nay khâu dự báo của chúng ta còn yếu. Nhà nước cần có trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực cụ thể từng ngành nghề, vùng miền và phân bổ chỉ tiêu thích hợp. Hiện nay các trường vẫn đào tạo theo nhu cầu của mình và nhu cầu người học mà không nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp ở mức tổng thể ra sao”.

Khi hệ thống giáo dục mở rộng, cử nhân không còn là của hiếm nữa thì bằng cấp không là yếu tố quan trọng nhất. Thực trạng xã hội đòi hỏi người lao động đang tìm việc làm cần có những kỹ năng phù hợp với công việc cũng như kinh nghiệm làm việc thực tiễn.

Ông Nguyễn Tấn Định phân tích: “Cái mà lâu nay chúng ta đang thiếu, đó là một vị nhạc trưởng có thể giúp doanh nghiệp và nhà trường có tiếng nói chung, bắt tay cùng đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Không làm được những điều này, thì tình trạng SV thất nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp còn tiếp diễn”.     

Cần giỏi ngoại ngữ, kỹ năng

Theo ông Trần Anh Tuấn, phần lớn SV tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm việc, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp - việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn SV tốt nghiệp giỏi về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, có những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp.

                                                                                    

Mỹ Quyên

>> Đừng ngồi yên khi thất nghiệp
>> Hàng ngàn cử nhân thất nghiệp
>> Thất nghiệp dài hạn gia tăng trong lao động trẻ
>> Lao đao tìm việc cuối năm - Cử nhân thất nghiệp
>> Gần 1 triệu người thất nghiệp
>> TP.HCM đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp
>> Ba năm, chỉ có 432 người thất nghiệp học nghề
>> Tỷ lệ thất nghiệp ở Quảng Bình tăng cao
>> Thu hồi gần 40 triệu đồng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
>> Người thất nghiệp chỉ muốn nhận “tiền tươi, thóc thật”
>> Thất nghiệp đang tăng
>> Sinh viên tài chính trước nỗi lo thất nghiệp
>> Thành lập văn phòng giao dịch bảo hiểm thất nghiệp và việc làm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.