Lão nông trồng rau làm du lịch

15/05/2013 11:51 GMT+7

Vừa trồng rau để bán, vừa để làm... du lịch, lão nông Lê Xưa (65 tuổi) – người có diện tích trồng rau lớn nhất làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An (Quảng Nam) mỗi tháng có thể “bỏ túi” số tiền 15 triệu đồng.

Lấy rong làm phân bón

Làng Trà Quế lâu nay nổi tiếng với những loại rau sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng ít ai biết rằng, để có những thứ rau thơm ngon đó, người nông dân Trà Quế đã duy trì kỹ thuật: dùng các loại rong mọc dưới sông Đế Võng để làm phân bón từ bao đời nay. Lão nông Lê Xưa cũng trồng rau nhờ “phân rong” nhưng ông đặc biệt ở chỗ, dù đã cận kề cái tuổi xưa nay hiếm vẫn bền bỉ với vườn rau rộng nhất làng (diện tích 1.200 m2). Ngày ngày, ông dùng vốn tiếng Anh tự học để giới thiệu cách trồng rau đến du khách quốc tế.

Theo nghề truyền thống từ năm 20 tuổi, nhu cầu thị trường ngày một tăng cao nhưng chưa bao giờ ông Xưa dùng bất cứ loại hóa chất nào để thúc cây rau phát triển. Chất kích thích duy nhất mà ông vẫn thường đem bỏ xuống từng luống đất là cây rong thường mọc dưới nước sông. “Dùng rong làm phân bón, cây rau tươi tốt đến lạ. Rau tôi trồng ra bao nhiêu, đem ra chợ bán hết bây nhiêu. 45 năm dùng “phân rong” để trồng rau, chưa bao giờ tôi bị mất mùa”, ông Xưa cho biết.

Theo ông Xưa, bất đắc dĩ những ngày trời rét mướt, không thể ngâm mình dưới nước để vớt rong, ông mới phải dùng đến phân chuồng. Còn đều đặn cứ 4- 5 ngày/lần, ông lại lội xuống khúc sông trước nhà để lấy rong về trồng rau. Sau khi làm đất tơi xốp, ông thường khoét rãnh sâu khoảng hơn 10 cm để trải một lớp rong tươi, rồi lấp đất lại. Kết thúc công đoạn này, người trồng rau cứ thế gieo hạt hoặc cấy cây giống xuống đất là được.

“Thời gian cây rong phân hủy khoảng 10 ngày nên đối với những loại rau ngắn ngày như: cải, xà lách, rau dền… tôi thường bỏ ít rong. Còn với cây dài ngày như hành lá phải bỏ nhiều rong để đủ dưỡng chất cho cây”, ông Xưa chia sẻ. Kinh nghiệm dùng “phân rong” từ nhiều năm qua, ông Xưa cho rằng, cây rau có thể lớn nhanh vì “phân rong” có nhiều chất dinh dưỡng, mang lại lượng đạm cần thiết cho rau và có thể giữ ẩm cho đất rất tốt.

Lão nông trồng rau làm du lịch
Trong chiếc áo nâu nông dân, ngày ngày ông Xưa say mê hướng dẫn cách trồng rau cho du khách nước ngoài - Ảnh: Hoàng Sơn

Vườn rau du lịch

Khi đang tiếp chuyện với PV, ông Xưa nhận được điện thoại của người quen thông báo có một đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, học cách trồng rau. Ông mặc vội chiếc áo nâu đậm chất nông dân, đội thêm chiếc nón rồi nói: “3 năm rồi, ngày nào tôi cũng làm hướng dẫn viên cho ít nhất 2 đoàn khách du lịch đến thăm vườn rau nhà mình. Công việc cũng nhẹ nhàng thôi, mình trồng rau như thế nào thì cứ chỉ cho du khách như vậy”. Đa phần người Trà Quế trồng rau thì không làm du lịch hoặc người tham gia hướng dẫn du khách thì lại không trồng rau, cho nên làm cả hai việc như ông Xưa thuộc loại hiếm.

Ông Xưa thật thà: “Tôi hợp đồng với một công ty du lịch có mở tour tại làng. Trong khi dẫn khách đi, tôi giới thiệu với họ về từng loại rau, trình diễn cách làm đất, gieo hạt, tưới nước... Nếu khách nào muốn làm nông dân, tôi chỉ cho họ. Mỗi lần hướng dẫn khách tôi được thù lao 50 ngàn đồng. Tính ra, thu nhập mỗi ngày sau khi tiếp vài đoàn khách, cộng với khoản tiền 300 ngàn đồng bán rau, số tiền tôi kiếm được không phải ít…”.

Cũng vì tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài nên trong 3 năm qua, ông Xưa đã bỏ công mày mò, tự học tiếng Anh hội thoại. Ông chú trọng học cách giao tiếp với người nước ngoài, đặc biệt là tự trang bị từ vựng về các loại rau. Nhiều người nước ngoài khi đến vườn rau và được nghe một người nông dân chân chất như ông Xưa hướng dẫn bằng tiếng Anh đã không khỏi ngỡ ngàng.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.