Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn

29/04/2013 03:15 GMT+7

Nhiều gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng và lục đục mỗi lần cho “sếp” yêu của cả nhà ăn uống. Họ dùng mọi cách, dụ dỗ lẫn dọa nạt, hòng nhét được cơm cho con.

Ép ăn

Tới nhà người chị họ, thấy bà vú đẩy chiếc xe đạp nhựa chở nhỏ cháu mới 2 tuổi ra ngoài cổng, tay cầm tô cháo trên tay, Minh lại chắc lưỡi vì biết rằng đã đến giờ ăn của cô nhỏ này. Không biết phải tại tập từ nhỏ, hay tại ăn khó, mà người chị chẳng thể nào cho con mình ăn, toàn giao cho bà vú muốn làm gì thì làm, miễn con mình đầy bụng. Thế là bà này tới bữa cứ đẩy bé ra ngoài đường, đi giáp vòng gần 2 tiếng đồng hồ mới ăn xong chén cháo nguội ngắt từ đời tám hoánh. Biết là ngoài đường đầy bụi bặm, chị của Minh cũng cứ để vậy. Minh nhắc, người chị lại cáu lên: “Không cho ăn kiểu đó thì cho nó chết đói sao?”.

 Nỗi kinh hoàng trong giờ ăn
Ảnh: Shutterstock

Trong khi đó, đến giờ ăn y như rằng gia đình nhỏ của Lan lại bước vào một cuộc chiến mặc cả: một bên là cha hoặc mẹ, bên còn lại là đứa con gái nhỏ mới 3 tuổi. “Nào, con ăn thêm một miếng nữa nào. Ăn giỏi mẹ cho xem phim chuột mèo (tức Tom & Jerry) nhá!”, Lan nói với con giọng dỗ dành. Đút thêm muỗng khác, Lan bảo tiếp: “Thế mai có muốn đi nhà sách không hả con? Mình mua thêm đĩa ca nhạc mới nhé!”. Rồi miếng này là đi mua đồ chơi, miếng kia đi bơi, miếng nọ thương mẹ, miếng tới thương cha. Đến khi tung hết chiêu, bà mẹ trẻ bắt đầu nổi cáu: “Thế có ăn hết không chứ hả? Muốn quất mấy cây vào đít đây?”…

Ở nhà kế bên lại là một kịch bản khác. Cha mẹ đi làm, chỉ còn ông bà nội ở nhà trông cháu. Thay vì cho cháu ngồi ăn cùng mâm với ông bà, bà nội mang cháu vào “biệt giam” trong buồng, ngồi riêng một chỗ, tay vừa đút cháu, miệng vừa đe vừa quát. Tội nghiệp thằng cháu cứ mếu máo suốt buổi, nuốt trọng nhiều hơn nhai. Vất vả mãi mới xong chén cơm, đứa bé ngộp quá hay sao lại ói ra. Thế là bà lại la hét ầm ĩ cả nhà, xong lại tất tả chạy xuống bếp xúc lại một phần y như cũ. Ông nội ngồi ở ngoài xót cháu, cũng chỉ biết thở dài. Ông lớn tuổi thế mà còn sợ bà một phép, huống chi thằng cháu mới tí tuổi đầu. Cũng phải chờ cháu ăn xong mới đến lượt ông bà ăn.

Nỗi khổ không của riêng ai

Nhìn vào tình cảnh trên, những người độc thân đừng vội cười, vì biết đâu sau này họ buộc phải dùng đến những cách đó khi nuôi con nhỏ, và nhiều khi còn lâm vào tình trạng thê thảm hơn. Thống kê mới đây của Hội Dinh dưỡng Việt Nam (VINUTAS) cho thấy hơn 65% các bậc cha mẹ cho trẻ ăn không đúng cách, thường xuyên tạo sự xao nhãng hoặc đánh lạc hướng, như xem ti vi khi ăn, với hy vọng đút lọt muỗng nào hay muỗng ấy vào miệng trẻ. Trong khi đó, có 40% số trẻ em trong cuộc khảo sát bị biếng ăn, từ ăn chậm, chẳng buồn nhìn đến thức ăn, hay ngậm trong miệng hoặc kén ăn. Rõ ràng, cách dọa nạt hoặc dùng biện pháp đánh lạc hướng trẻ trong lúc ăn không hề cho kết quả như ý, mà còn tệ hơn là đẩy thế hệ tương lai vào tình trạng phát triển những thói quen ăn uống không lành mạnh.

Và vấn đề trên không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn thế giới, bất chấp nền văn hóa phương Đông hoặc phương Tây. Đừng tưởng phụ huynh mắt xanh mũi lõ không vất vả khi cho con trẻ ăn, theo tiết lộ của Giáo sư nhi khoa của Mỹ là tiến sĩ Irene Chatoor trong một hội thảo mới đây chuyên về vấn đề này tại TP.HCM. Dưới con mắt chuyên gia, học ăn là một trong những vấn đề quan trọng nhất vào giai đoạn đầu đời của trẻ, có thể quyết định sức khỏe tâm sinh lý khi trưởng thành sau này. Tất nhiên, muốn dạy trẻ học ăn thì phải có cách. (Còn tiếp)

Phi Yến

>> Giúp trẻ ăn rau củ
>> Cho trẻ ăn đúng cách
>> Đừng ép trẻ ăn cơm sớm
>> Có nên cho trẻ ăn theo bữa ?
>> Giúp trẻ ăn an toàn
>> Giúp trẻ ăn khỏe

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.