"Lớp học không gian" đầu tiên của Trung Quốc

20/06/2013 15:20 GMT+7

(TNO) Phi hành gia Trung Quốc đang ở quỹ đạo cách bề mặt Trái đất 340 km vào sáng nay (20.6) đã có buổi dạy học thông qua video trực tuyến đến với hàng triệu học sinh nước này.

(TNO) Phi hành gia Trung Quốc đang ở quỹ đạo cách bề mặt Trái đất 340 km vào sáng nay (20.6) đã có buổi dạy học thông qua video trực tuyến đến với hàng triệu học sinh nước này, AFP cho hay.

Trong bộ đồ phi hành gia màu xanh, Vương Á Bình, nữ phi hành gia thứ hai của Trung Quốc đã có những bài giảng liên quan đến các chủ đề về vật lý như định luật thứ hai về chuyển động của Isaac Newton, sức căng bề mặt của nước...


Phi hành gia Vương Á Bình đang lên lớp từ không gian - Ảnh: AFP

Ngoài ra, phi hành gia Vương Á Bình cũng hỏi và trả lời những câu hỏi thú vị của các học sinh được xem trực tiếp trên toàn nước Trung Quốc như, cô và các đồng nghiệp trong chuyến bay vào không gian không nhìn thấy các vật thể bay không xác định (UFO)...

"Chúng tôi đã bay ra ngoài bầu khí quyển (của Trái đất) và do không còn bị cản trở bởi tầng khí quyển nên chúng tôi có thể nhìn thấy những ngôi sao sáng hơn nhiều, tuy nhiên chúng không lấp lánh", Tân Hoa xã dẫn lời cô Vương Á Bình nói.

"Chúng tôi có thể nhìn thấy mặt trời mọc 16 lần mỗi ngày và bay một vòng Trái đất hết 90 phút", nữ phi hành gia Trung Quốc cho biết thêm.

Được biết, Vương Á Bình cùng hai phi hành gia Nhiếp Hải Thắng và Trương Hiểu Quang được tàu vũ trụ Thần Châu 10 đưa lên không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (ở vùng sa mạc Gobi thuộc tây bắc Trung Quốc) vào ngày 11.6.

Đến ngày 13.6 qua, tàu Thần Châu 10 đã bay đến kết nối với mô-đun thí nghiệm Thiên Cung 1 trên quỹ đạo theo chế độ tự động. Trong sứ mệnh kéo dài 15 ngày này, các phi hành gia có nhiệm vụ thực hiện các cuộc thí nghiệm về y tế và công nghệ vũ trụ.


Thần Châu 10 rời bệ phóng ở sa mạc Gobi hôm 11.6 - Ảnh: AFP

Được biết, mục đích của sứ mệnh tàu Thần Châu 10 là nhằm giúp Trung Quốc cụ thể hóa tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ riêng cho mình. Sắp tới, tàu Thần Châu 10 sẽ rời Thiên Cung 1 để thực hiện việc kết nối trở lại theo sự điều khiển bằng tay của phi hành gia.

Hồi tháng 6 năm ngoái, tàu Thần Châu 9 của Trung Quốc chở theo ba phi hành gia, trong đó có nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc là Lưu Dương, cũng đã bay đến lắp ghép với Thiên Cung 1, mô-đun không gian được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo từ năm 2011.

Những thành công trên chứng tỏ Trung Quốc hoàn toàn nắm được công nghệ lắp ghép trên quỹ đạo để có thể thực hiện những chuyến bay vận chuyển người và hàng hóa trong không gian. Đồng thời biến tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ riêng vào năm 2020 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Tiến Dũng

>> Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-10
>> Trung Quốc sắp phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10
>> NASA treo bảng cho thuê bệ phóng tàu vũ trụ
>> Trung Quốc thử nghiệm tàu vũ trụ tối mật?
>> Tàu vũ trụ SpaceShipTwo thử nghiệm hiệu suất tên lửa
>> Mỹ và châu u bắt tay chế tạo tàu vũ trụ mới
>> Viễn cảnh tàu vũ trụ đáp như trực thăng
>> Tàu vũ trụ Dragon bay chuyến thương mại đầu tiên
>> Tàu vũ trụ bí mật của Mỹ sắp bay chuyến thứ ba
>> Tàu vũ trụ của Nhật rời ISS
>> Tàu vũ trụ Nga "yên nghỉ" ở Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.