Lan tỏa điều tốt

22/06/2013 03:15 GMT+7

Trong tháng 6 năm nay, có hai sự kiện giáo dục được dư luận quan tâm ở nhiều góc độ tích cực. Đó là việc đề thi tốt nghiệp THPT môn văn và đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM cũng môn văn, trong phần nghị luận xã hội đã đặt ra cho thí sinh về thông tin được trích dẫn từ thời sự người tốt, việc hay được đăng trên Báo Thanh Niên.

Đó là câu chuyện hy sinh mạng sống cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam, lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An); tin đăng trên Báo Thanh Niên điện tử ngày 6.5.2013. Hiếm khi nào trong lịch sử thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam mà đề thi ngữ văn gây được sự đồng cảm sâu sắc của dư luận như đề thi năm nay. Nhiều thí sinh đã không kìm được xúc động khi viết cảm nghĩ về Nam, xót xa mà quý trọng, cảm phục; không ít giám khảo đã rưng rưng khi chấm bài thi phần viết về sự nêu gương ấy. Tính nhân văn, mục tiêu hướng thiện đã tạo ra một nét mới tích cực trong việc ra đề.

Đó là việc đổ bao giọt mồ hôi “non nớt” khi  mò cua, bắt ốc của các học sinh nghèo xã Phổ Châu, Đức Phổ (Quảng Ngãi) trong ngày hè mà nuôi mơ ước đến trường, tự xoay xở lo cái cặp, bộ sách cho năm học mới. Đề thi trích từ bài viết Ôm ước mơ đi về phía biển trên Báo Thanh Niên ngày 18.6.2013. Theo nhiều thí sinh, khi làm phần bài thi nội dung này, các em đã thể hiện được sự chia sẻ, cảm mến, thậm chí là suy nghĩ nhìn lại mình trước những bạn trẻ dù hoàn cảnh sống thiếu thốn nhưng ham học, vượt khó.

Các bộ đề thi thường được chọn một cách ngẫu nhiên do các thành viên trong nhóm giáo viên tiêu biểu được giao trách nhiệm này, từ ngân hàng đề thi do cơ quan khảo thí của ngành giáo dục - đào tạo các cấp thu nhận từ các giáo viên, chuyên gia giáo dục khác. Có thể thấy những người ra đề thi đã rất quan tâm tới tin tức báo chí, trong đó có sự cảm nhận nội dung về gương tốt, việc tốt của người trẻ trên Báo Thanh Niên. Sự tin cậy, chia sẻ thể hiện trong việc giới thiệu, chọn làm đề thi để làm lan tỏa rộng hơn thông tin thời sự ấy đến hàng triệu học sinh - thí sinh và đông đảo phụ huynh của các em.

Đối với người làm báo Thanh Niên, điều đó là sự động viên đầy ý nghĩa, bởi thông tin trên báo mình càng thực sự đi vào cuộc sống ở góc nhìn tích cực, với đối tượng mà mình luôn hướng đến - thế hệ trẻ.

Trong suy nghĩ có phần chủ quan, phải chăng đó cũng là một loại “giải thưởng” mà nhiều bạn đọc, nhất là những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đã dành cho người làm báo? Niềm tin cùng sự đồng cảm ấy chúng tôi luôn ghi nhận, cảm ơn để tiếp tục phục vụ.

Trên các kênh của Thanh Niên, không chỉ có thông tin về các cơ chế, chính sách bất cập cần được góp ý xây dựng, không chỉ các phóng sự điều tra nạn tham nhũng, tiêu cực được dư luận ủng hộ hoặc những hành động bất lương ảnh hưởng đến dân sinh cần vạch trần mà còn là nhiều bài báo về sự hy sinh, vượt khó cùng biết bao gương tốt khác trên các lĩnh vực, đáng trân trọng và đáng lan tỏa trong cuộc sống.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người trẻ luôn cần được tiếp cận, cảm nhận, hướng đến và noi theo gương tốt - cả trong cùng trang lứa và cả trong người lớn. Không chỉ qua một lần nghiêm túc viết ra suy nghĩ của mình, các em cần được nhìn, được đọc, được nghĩ và được làm những điều tốt đẹp; cảnh giác và tránh xa điều xấu, cái ác. Đó là trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình và của cả người làm báo.

Nguyễn Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.