Dấu vết ngoài hành tinh trên mặt trăng

17/06/2014 09:00 GMT+7

Các nhà nghiên cứu đã tìm được chứng cứ về sự tồn tại của một thế giới khác khi nó đâm vào trái đất vài tỉ năm trước để hình thành mặt trăng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm được chứng cứ về sự tồn tại của một thế giới khác khi nó đâm vào trái đất vài tỉ năm trước để hình thành mặt trăng.


Có chứng cứ cho thấy mặt trăng hình thành do hành tinh Theia đâm vào địa cầu - Ảnh: disclose.tv

Kết quả phân tích đá mặt trăng do các phi hành gia Apollo mang về trái đất cho thấy những dấu tích còn sót lại của cái gọi là “hành tinh” Theia.

Các nhà nghiên cứu cho hay phát hiện mới đã xác nhận giả thuyết cho rằng mặt trăng thành hình sau một vụ va chạm khủng khiếp giữa các hành tinh.

Theo báo cáo trên chuyên san Science, giả thuyết được chấp nhận từ thập niên 1980 cho rằng sự xuất hiện của chị Hằng là kết quả của cuộc đụng độ liên hành tinh giữa địa cầu với hành tinh Theia vào khoảng 4,5 tỉ năm trước.

Theia được đặt theo tên của nữ thần trong truyền thuyết Hy Lạp, là mẹ của thần mặt trăng Selene. Đây là giả thuyết đơn giản nhất và hoàn toàn phù hợp với những mô hình do máy tính dựng nên, nhưng lâu nay vẫn chưa tìm được chứng cứ xác đáng cho thấy có sự tồn tại của hành tinh Theia trên các mẫu đá mặt trăng.

Giờ đây, một cuộc phân tích kỹ lưỡng hơn về đá mặt trăng cuối cùng cũng đã tìm được vật chất có nguồn gốc ngoài hành tinh. Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Daniel Herwartz của Đại học Goettingen (Đức) cho hay kết quả này đã phủ định những ý kiến vừa xuất hiện cho rằng trên thực tế chẳng có vụ va chạm nào từng xảy ra để tạo nên vệ tinh tự nhiên của địa cầu. “Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm được chứng cứ ủng hộ giả thuyết va chạm”, BBC dẫn lời chuyên gia Đức.

Nhóm của ông đã đo được sự khác biệt giữa kết cấu đồng vị của oxygen trong đá trái đất và đá mặt trăng. Các cuộc nghiên cứu thiên thạch sao Hỏa và thiên thạch đến từ những nơi khác trong hệ mặt trời cho thấy tỷ lệ đồng vị oxygen đều khác nhau, có thể được xem là “dấu vân tay” xác định xuất xứ hành tinh. Chứng cứ thu được cho thấy “dấu vân tay” của trái đất và hành tinh Theia tương tự nhau.


Ảnh: NASA

Một giả thuyết để giải thích sự tương đồng giữa oxygen trên trái đất với Theia là hành tinh này hình thành sát địa cầu nên có đồng vị oxygen khá giống nhau.

Những giả thuyết khác bao gồm trái đất quay nhanh hơn trước vụ đụng độ, hoặc Theia có kích thước lớn hơn nhiều so với các mô hình hiện tại. Trong khi đó, vẫn có những ý kiến phản bác kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đức.

Cụ thể, Giáo sư Rob de Meijer của Đại học Groningen (Hà Lan) lại có ý tưởng hoàn toàn đối lập, với lập luận rằng vỏ trái đất và lớp manti đã bị tống vào không gian bởi tác động của vật liệu hạt nhân ở độ sâu 2.900 km so với bề mặt địa cầu, và vật chất bị tống ra đã tích tụ lại thành mặt trăng.

Bất chấp kết quả nghiên cứu mới, tiến sĩ Meijer vẫn không thay đổi quan niệm của mình về sự hình thành của chị Hằng. “Sự khác biệt về đồng vị quá nhỏ. Chúng ta vẫn chưa biết được mặt trăng hình thành như thế nào. Điều cần thiết hiện nay là phải đưa phi hành gia lên mặt trăng, tìm cho được những lớp đá nằm sâu bên dưới không bị ô nhiễm bởi các vụ va chạm của thiên thạch và thoát được ảnh hưởng của gió mặt trời”, BBC dẫn lời chuyên gia Hà Lan.

Hạo Nhiên

>> Sẽ ‘săn’ được người ngoài hành tinh trong 20 năm nữa
>> Dấu vết người ngoài hành tinh trên mặt trăng?
>> Tìm thấy 'đầu người ngoài hành tinh' ở Croatia?
>> Nguyên mẫu hộp sọ người ngoài hành tinh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.