'Gốc rễ sai phạm là do cán bộ không giữ gìn đạo đức cách mạng'

19/05/2023 12:02 GMT+7

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng.

Sáng 19.5, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

'Gốc rễ sai phạm là do cán bộ không giữ gìn đạo đức cách mạng' - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PHÚC BÌNH

Một bộ phận cán bộ, kể cả ở cấp cao có biểu hiện suy thoái

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trải qua quá trình liên tục học tập, rèn luyện, đội ngũ cán bộ đảng viên không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về lập trường, tư tưởng bản lĩnh chính trị, là những tấm gương cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa", gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Theo ông Thắng, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất nền tảng gốc là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

“Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định.

Vẫn theo ông Thắng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một trong 4 nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ.

'Gốc rễ sai phạm là do cán bộ không giữ gìn đạo đức cách mạng' - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo sáng 19.5

PHÚC BÌNH

Kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”

Tại hội thảo khoa học lần này, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nêu một số vấn đề có tính định hướng để các đại biểu tham khảo trong quá trình triển khai nghiên cứu.

Trong đó, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần kế thừa, phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, kết tinh những giá trị, chuẩn mực đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được không ngừng hoàn thiện, bổ sung qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, những giá trị mới được hình thành, phát triển qua thực tiễn gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; để mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là tấm gương mẫu mực cho quần chúng, nhân dân noi theo.

Quán triệt sâu sắc quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên gắn với việc xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, chính trị, giá trị gia đình Việt Nam; góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống” trong xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng; cùng với việc chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm nâng cao ý thức về bổn phận, đạo lý, phát huy trách nhiệm nêu gương, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên.

Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, điều này còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn đối với những biểu hiện mới, ngày càng tinh vi, phức tạp của tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa cá nhân, tha hóa quyền lực; những biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm vẫn diễn ra rất đáng lo ngại.

Cùng đó là tạo ra hiệu ứng tích cực tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm của cán bộ, đảng viên với những luận điệu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đây cũng cần được coi là cơ sở để tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân biệt rõ động cơ tốt, xấu của những vi phạm để bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.