Gỡ 'nút thắt' visa để du lịch tăng tốc

11/03/2023 06:51 GMT+7

Một ngày sau khi Trung Quốc chính thức thông báo đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3 "nóng" hơn bao giờ hết trước hàng loạt ý kiến phân tích, kiến nghị, đề xuất giải pháp để du lịch Việt Nam tăng tốc, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của các nhà chức trách du lịch, các chuyên gia - doanh nghiệp hàng đầu.

Du lịch không còn đường lùi

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, khẳng định du khách quốc tế đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Bối cảnh lúc này còn cấp bách hơn cả lúc Việt Nam vừa mở cửa lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh hơn 1 năm về trước. 

"Cũng giống như bất động sản, du lịch là đầu vào và đầu ra của rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Sự vắng bóng của du khách quốc tế, đối tượng khách chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngành du lịch, đã khiến các hãng hàng không, dịch vụ, lưu trú, các hãng tàu... không thể vực lên nổi dù lượng khách nội địa năm qua tăng vọt. Vì thế, có thể khẳng định khách quốc tế chính là cứu tinh để phục hồi ngành du lịch, vực dậy kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là vấn đề mà những người làm du lịch phải nghiêm túc nhìn nhận", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Gỡ 'nút thắt' visa  để du lịch tăng tốc - Ảnh 1.

Khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

NGỌC DƯƠNG

Làm rõ hơn mức độ cấp bách hút khách quốc tế đến Việt Nam, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, dẫn chứng: Trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế chỉ bằng 1/2 của Thái Lan. Đó là một sự so sánh đáng buồn khi chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế du lịch. Đặc biệt là nguồn di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú. Sau đại dịch, khách quốc tế vào Việt Nam lại tiếp tục tụt xuống chỉ còn bằng 1/3 so với Thái Lan. Năm nay, nếu không cẩn thận, có nguy cơ còn tụt sâu hơn nữa.Thực tế trên buộc chúng ta phải lo lắng chứ không còn chỉ là thất vọng. Bởi nếu cứ đi lùi thì ngành hàng không và du lịch Việt Nam rất nguy hiểm. Hàng ngàn doanh nghiệp (DN) du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế, lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động.

Tương tự, tất cả các hãng hàng không nước ta đều đang "ngập" trong lỗ, nợ. Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 34.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỉ đồng, có nguy cơ bị hủy niêm yết. Công ty con Pacific Airlines lỗ lũy kế hơn 10.000 tỉ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Bamboo Airways mới hoạt động chưa lâu đã gặp đại dịch Covid-19, không còn những thông tin đẹp đẽ như lâu nay, vừa rồi công bố lỗ lũy kế hơn 16.000 tỉ đồng. Rồi Vietjet Air sau hơn 10 năm công bố lãi cũng đã lỗ 2.170 tỉ đồng trong 2022. 

"Du lịch không còn đường lùi nữa. Giải cứu du lịch quốc tế không chỉ là cứu các DN du lịch, hàng không, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp, mà còn mang lại nhiều cơ hội bán hàng và tăng thu nhập cho người nghèo bán rong. Mỗi khách quốc tế vào, cơ hội bán thêm món quà của em bé bán hàng rong trên Sa Pa tăng, cơ hội cho người nghèo thoát nghèo cũng từ đây", ông Nam nói.

Gỡ 'nút thắt' visa  để du lịch tăng tốc - Ảnh 2.

Hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 10.3 thu hút đông đảo sự tham gia của cơ quan quản lý, bộ ngành, doanh nghiệpẢnh:

ĐỘC LẬP

Visa là cánh cửa đầu tiên phải mở

Nhận diện những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam "đi trước về sau", bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group, khẳng định "visa là cánh cửa đầu tiên". Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đã chỉ ra sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm. Vì thế nên khi trở lại đường đua du lịch sau đại dịch Covid-19, để tạo lợi thế cạnh tranh, hàng loạt điểm đến đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. 

Theo bà Nguyện, Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày, từ 15 lên 30 ngày; Đài Loan áp dụng trở lại chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng; Hàn Quốc nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm… Đến nay, Malaysia và Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines (157 quốc gia), Nhật Bản (68 quốc gia), Hàn Quốc (66 quốc gia), Thái Lan (64 quốc gia)… 

Các nước nói trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường thì chỉ dừng ở khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần. 

"Các nước đã thay đổi rất nhanh. Với chính sách thị thực cởi mở, thông thoáng cùng với nhiều chiến dịch thu hút khách quốc tế của các quốc gia, cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần khách quốc tế ngày càng khốc liệt. Như vậy, chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu không điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, rất có thể du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tụt lại phía sau", bà Trần Nguyện cảnh báo.

Đây cũng là lo ngại của ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc thương mại Vietnam Airlines. Trong quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, ông đã nhận ra cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á nhưng cạnh tranh điểm đến, du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ nhất, đó là visa. Một số nước trong ASEAN khi miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi, như Thái Lan.

"Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng lên mức độ trung bình 5 - 10%. Chương trình giới thiệu du lịch Đông Dương, với Việt Nam là trọng điểm, nhưng bị nghẽn visa. Đề nghị xem xét miễn visa, sử dụng nhiều lần hay sử dụng trong 3 nước Đông Dương phối hợp với nhau là thật sự cần thiết", ông Thành nhấn mạnh.

Dẫn trải nghiệm của bản thân trong lần nhập cảnh vào một nước phát triển ở châu Âu mới đây, ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, kể: "Họ có hai lối đi, một lối phải chờ đợi hơn 3 tiếng đồng hồ trong khi lối còn lại khách cứ đi "vèo vèo" nhờ áp dụng công nghệ visa và xuất nhập cảnh. Kể vậy để thấy Việt Nam cần áp dụng công nghệ vào việc cấp visa. Vấn đề thủ tục và chính sách cần đi trước một bước nhưng hiện tại Việt Nam lại đang chậm hơn so với nhu cầu và yêu cầu của thực tế phát triển". 

Ông Quang đánh giá thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam quá chậm, đây là điều cần phải cải tiến bằng cách tự động hóa. Muốn phát triển du lịch cần phải giải quyết vấn đề visa, đặc biệt là nới rộng thời hạn visa.

Gỡ 'nút thắt' visa  để du lịch tăng tốc - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài mua sắm ở chợ Bến Thành

NGỌC DƯƠNG

Mở cửa rồi, làm gì để khách "móc hầu bao"?

Khẳng định việc mở cánh cửa visa là việc gấp phải làm, song, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), đặt vấn đề: Khách vào rồi, làm sao để khách tiêu nhiều tiền là câu chuyện còn quan trọng hơn. Dẫn thống kê từ World Data về lịch sử khách quốc tế đến các nước Đông Nam Á từ năm 2008 - 2019, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết nếu xét về số lượt du khách quốc tế hằng năm, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước về cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6. Tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích: Trong các loại hình du lịch, Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa. Đối với 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế. Trong khi đó, tiềm năng 2 loại hình du lịch trên là rất lớn. Đây cũng chính là "nút thắt" cho việc tăng chi tiêu du khách. Đơn cử, Singapore có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam. Với hạn chế về thiên nhiên ưu đãi, Singapore chọn "đánh thật mạnh" 4 loại hình du lịch để phát triển là mua sắm, vui chơi - giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm. Singapore đã trở thành thiên đường mua sắm vì đây là đảo quốc miễn thuế. Kết quả, số lượng khách quốc tế đến Singapore và tổng chi tiêu trung bình của 1 du khách tại Singapore vượt rất nhiều so với Việt Nam.

Song song đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định tất cả các nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét việc xây dựng cơ chế chính sách Khu phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại - du lịch. Nếu quyết tâm triển khai, Việt Nam sẽ có các factory outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực, giá bán lẻ tại các factory outlet này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan (Ý). Du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác tăng cộng hưởng theo và ngành du lịch sẽ có bước nhảy vượt bậc. 

Ngoài ra, theo ông để hút khách quốc tế đến Việt Nam thì chỉ một đơn vị hàng không hay một đơn vị lữ hành, du lịch, khách sạn không thể làm được mà cần có sự liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế và DN phục vụ ngành du lịch. Theo đó, các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho DN lữ hành. 

"Cửa hàng miễn thuế dưới phố sẽ đem lại nhiều thuận tiện như du khách có nhiều thời gian hơn để mua sắm, tiếp cận được nhiều hàng hóa hơn vì mặt bằng dưới phố lớn hơn nhiều so với ở sân bay. Doanh thu vì thế đảm bảo rất tốt. Mô hình này đã được chúng tôi thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng tại trung tâm mua sắm Lotte ở Seoul (Hàn Quốc), doanh thu đến từ mua sắm đạt 10 tỉ USD, nếu chia 10% cho các công ty lữ hành thì họ sẽ được nguồn hỗ trợ tài chính tới 1 tỉ USD. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Rất ủng hộ mô hình liên kết giữa các DN trong hệ sinh thái du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, khẳng định liên kết chính là "chìa khóa" giúp Thái Lan thành công trong việc giảm giá tour. Bên cạnh visa thì đây là một trong những yếu tố then chốt nhằm cạnh tranh, hút khách đến sau đại dịch. Bên cạnh đó, ông đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng sửa luật, ban hành các chính sách đột phá, cởi mở về visa. Đơn cử, quy định duyệt visa cho khách ở 15 ngày đầu tiên, 15 ngày sau đó sẽ tự động gia hạn visa; chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới 6 tháng cho một số thị trường trọng điểm...


Kéo dài miễn thị thực lên 5 năm

Visa là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế đến VN. Vì thế, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, mong mở rộng đối tượng được cấp visa, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày. Tương tự, thay vì cấp thị thực 1 lần, nên nâng cho xuất nhập cảnh được nhiều lần vì nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mở tour liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều. Đồng thời nên kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các cơ quan, DN du lịch và đối tác có thể xây dựng các kế hoạch khai thác thị trường ổn định và tương đối dài hạn hơn. Có một số việc nhỏ có thể thay đổi ngay như đăng ký tên miền cấp visa điện tử (eVisa) mới theo hướng dễ nhớ, nâng cấp trang thông tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu quyết liệt làm sẽ cải thiện liền hình ảnh của VN với khách du lịch qua khâu đầu tiên là vào VN.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Nới visa, tăng thời gian lưu trú để hút khách quốc tế

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch đã được các sở ngành, địa phương quan tâm và có kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp với Chính phủ. Từ đó ngành du lịch cũng phục hồi khá nhanh.Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, chủ yếu là nhờ khách nội địa. Thế nhưng, khách nội địa chi tiêu chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với khách quốc tế. Điều này khiến nhà hàng, khách sạn vẫn khó khăn. 

Do đó, cần xem xét tháo gỡ về chính sách visa, tăng thời gian lưu trú, tránh tình trạng khách đang ở VN thì hết hạn visa và họ phải sang nước lân cận để gia hạn visa, làm hạn chế sự hấp dẫn của điểm đến VN trong mắt du khách. Visa là nút mở đầu tiên để khuyến khích, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển. Chúng tôi mong Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quan tâm hơn nữa trong việc tham mưu Chính phủ để có chính sách tháo gỡ hơn về visa. Đồng thời mong có giải pháp liên hoàn cho hệ sinh thái du lịch, có những chính sách tháo gỡ và thúc đẩy du lịch phục hồi hơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Cần thêm dịch vụ cấp visa nhanh

Hiện chúng ta đang tiếp cận khách cao cấp, khách đi lẻ do xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, đóng góp rất lớn cho doanh thu của ngành du lịch. Thế nhưng, nhiều quy định cấp visa hiện nay chưa thông thoáng như thời điểm trước dịch Covid-19. Sự linh hoạt trong việc cấp visa cũng cần phải thay đổi theo hướng đáp ứng nhanh yêu cầu của khách ngoại quốc.

Vì vậy, chúng ta cần bố trí nhân lực, quan tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp nhanh, trong ngày của du khách. Đồng thời, VN cần có chính sách mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa, duyệt nhanh visa và có những ưu tiên để khách xin visa dễ dàng thông thoáng, có cơ chế xin visa ở nhiều chi nhánh khác như đầu Hà Nội, Đà Nẵng chứ không chỉ tập trung ở TP.HCM. Thậm chí cần có thêm các dịch vụ lấy visa nhanh trong ngày và quy định cụ thể thêm về điều kiện để khách có thể tự xin trong trường hợp khẩn cấp.

Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Inbound Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist

Liên tục kiến nghị về chính sách visa

Tổng cục Du lịch đã xác định du lịch là ngành liên vùng, cần sự đồng hành của các bộ ngành, các địa phương, các DN và thậm chí của các cộng đồng dân cư. Khi khách đã biết đến VN thì sẽ xin visa, sau đó là vận chuyển đến VN bằng đường hàng không đến đường biển, đường sắt. Sau khi nhập cảnh VN, du khách sẽ tiếp cận các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch..., nên rất cần phối hợp liên ngành, liên địa phương. 

Riêng về vấn đề visa, thời gian 15 ngày lưu trú là không đủ với khách đường dài nên phải mở rộng thêm. Bộ VH-TT-DL đã có nhiều kiến nghị về việc nới lỏng chính sách visa. Quan điểm của chúng tôi visa không phải là nút thắt nhưng so với các nước, ngay cả các nước trong khu vực, sức cạnh tranh chúng ta kém hơn. Vì thế cần có giải pháp nâng cao cạnh tranh về dịch vụ, visa. Danh sách miễn thị thực cũng nên cân nhắc mở rộng cho các nước quan trọng, nhất là cho Ấn Độ, Úc… Cũng đã có kiến nghị visa tại cửa khẩu, mở rộng thời gian visa, mở rộng visa điện tử… rất mong Bộ Công an chấp thuận.

Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch

Cẩn trọng với những trang web giả mạo về eVisa

Hiện công dân 13 nước được miễn thị thực nhập cảnh VN với thời gian lưu trú 15 ngày không phân biệt mục đích. Sau thời gian này, các cơ quan công an có thể gia hạn tạm trú. Bên cạnh đó, người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu thì được miễn thị thực trong 30 ngày. Đồng thời, VN đã thực hiện cấp thị thực điện tử (eVisa) có thời hạn tạm trú 30 ngày và được trả kết quả sau 3 ngày. Mức phí eVisa là 25 USD nộp vào tài khoản trực tiếp của Bộ Tài chính. Hiện đã có tình trạng nhiều trang web giả mạo, dùng tài khoản nước ngoài để thu phí eVisa cao và thậm chí làm gián đoạn việc cung cấp visa điện tử của VN. 

Ngoài ra, Bộ Công an đang thực hiện cấp thị thực du lịch VN có giá trị đến 90 ngày. Khi đến cửa khẩu, luật quy định cán bộ công an hoặc biên phòng cửa khẩu đóng dấu xác nhận lưu trú 30 ngày và sau đó khách quốc tế có thể yêu cầu xin gia hạn đến 90 ngày. Đồng thời VN cũng đang áp dụng chính sách miễn thị thực cho người có gốc Việt và gia đình con cái với thời hạn tạm trú lên 6 tháng... Chúng tôi ghi nhận các ý kiến đóng góp từ DN, chuyên gia để tiếp tục đưa vào sửa đổi một số điều của luật Xuất nhập cảnh sớm nhất với thủ tục rút gọn.

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an

Hàng không chờ du lịch được nới visa để "cất cánh"

Nếu như năm 2019 là cao điểm, ngành du lịch đón 18 triệu khách, ngành hàng không vận chuyển khoảng 40 triệu hành khách quốc tế. Trong đó, lượng khách du lịch chiếm khoảng 70% hành khách hàng không. Điều này cho thấy ảnh hưởng của ngành du lịch đến hàng không rất lớn. Đến khi phục hồi các đường bay quốc tế, tổng lượng vận chuyển trên các đường bay khoảng 12 triệu khách, trong đó có đóng góp 3 triệu khách du lịch. Như vậy, tỷ lệ khách du lịch sử dụng đường hàng không chỉ còn 50/50, so với trước đây là 70/30. 

Năm nay, hàng không đặt mục tiêu khách quốc tế 34 triệu lượt, bằng khoảng 80% so với năm 2019. Đến tháng 2 vừa rồi tổng lượng khách quốc tế là 2,3 triệu khách, con số này tương đương 67% so với năm 2019. Theo tính toán, con số này tính đến tháng 4 có thể đạt trên 70% và dự kiến đến cuối quý 3 phục hồi khoảng 90% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây là những con số kỳ vọng, còn đạt được hay không còn phụ thuộc lớn vào lượng khách quốc tế vào VN và việc mở visa là gỡ nút thắt quan trọng.

Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hành khách, Cục Hàng không VN


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.